Chiều 15/6, tại ga đường sắt liên vận quốc tế Kép (huyện Lạng Giang, Bắc Giang), Cục Hải quan Bắc Ninh và UBND huyện Lục Ngạn phối hợp công bố quyết định thành lập Đội Nghiệp vụ Hải quan ga liên vận Kép và tổ chức xuất hành vận chuyển vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu bằng đường sắt.
Việc thành lập Đội Nghiệp vụ Hải quan ga Kép thuộc Chi cục Hải quan quản lý các KCN Bắc Giang phần nào giải quyết được khó khăn trước mắt, đồng thời giúp doanh nghiệp có thêm lựa chọn để giải quyết thủ tục hải quan, góp phần giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đội Nghiệp vụ Hải quan ga Kép bắt đầu hoạt động từ ngày 1/7/2023, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển bằng tàu hỏa liên vận quốc tế và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Hải quan, các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Xuất khẩu vải thiều bằng đường sắt: Thuận tiện, chi phí giảm
Theo báo Dân Việt, ông Nguyễn Thế Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho biết, thời điểm này vải thiều Lục Ngạn bắt đầu vào thu hoạch chính vụ.
"Đến ngày hôm nay (15/6) đã tiêu thụ được 27.500 tấn và tình hình giá cả khá ổn định, nhất là vải thiều loại 1, có mã số vùng trồng để xuất khẩu đi các nước như Nhật Bản, Mỹ và các thị trường cao cấp có giá ổn định và cao hơn so với những năm trước" - ông Thi nói.
Năm nay, huyện Lục Ngạn có 17.000ha vải thiều, trong đó có gần 13.500ha áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Dự kiến sản lượng quả vải thiều tươi toàn huyện Lục Ngạn năm 2023 đạt khoảng 98.000 tấn.
3 container chuyên dụng chứa 56 tấn vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: Báo Dân Việt
Báo Tiền phong cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn đề nghị Chi Cục Hải Quan quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 hỗ trợ, tạo điều kiện, hướng dẫn các quy trình, thủ tục cho doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều thông quan với thời gian sớm nhất. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và các doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều xây dựng kế hoạch vận chuyển riêng cho vải thiều để sắp xếp lịch vận chuyển cho phù hợp, thông suốt, tin cậy và hiệu quả.
Ông Tuấn yêu cầu UBND huyện Lục Ngạn phối hợp chặt chẽ với hải quan, công ty khai thác vận tải đường sắt, kiểm dịch thực vật để hỗ trợ tối đa doanh nghiệp tham gia xuất khẩu và phân phối vải thiều tươi trong nước; đẩy mạnh thông tin về vận chuyển vải thiều tươi bằng phương tiện đường sắt để các doanh nghiệp biết, lựa chọn hình thức vận chuyển.
Vải thiều được thông quan, xuất khẩu nhanh chóng
Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh minh họa
Theo đại diện các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, vận chuyển vải thiều bằng đường sắt qua ga Kép giúp giảm thời gian thông quan hàng hóa, về lâu dài sẽ thuận lợi cho việc hình thành một đầu mối trung chuyển hàng hóa cho khu vực tỉnh Bắc Giang và các tỉnh phụ cận, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhanh chóng.
Về tầm nhìn lâu dài, do hệ thống đường sắt liên vận quốc tế hiện nay và trong tương lai sẽ kết nối lưu thông với hầu hết các cảng biển lớn và các nước trong khu vực, giữa nước bạn Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, Trung Á, Nam Á, Tây Á, Trung Đông... mở ra khả năng đưa sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đi sâu vào thị trường nội địa rộng lớn của Trung Quốc và các nước.
Báo Dân Việt dẫn lời ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, thị trường Trung Quốc là thị trường truyền thống, chiếm 45% tỷ lệ xuất khẩu quả vải. Khi ga liên vận quốc tế Kép hoạt động, người dân, doanh nghiệp trồng và tham gia phân phối vải thiều sẽ có hình thức vận chuyển thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả.
Thu Hương (T/h)