Theo Tri thức trực tuyến, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông sáng 24/4, Tập đoàn Masan (MSN) thông tin có chiến lược "Go Global" nhằm đưa các thương hiệu quan trọng của tập đoàn ra các thị trường trên thế giới.
Ông Trương Công Thắng nói sẽ đẩy mạnh bán các sản phẩm gia vị, nước chấm, cafe ra thế giới. Ảnh: MSN
Tại Đại hội, ông Trương Công Thắng, Chủ tịch HĐQT The CrownX (thành viên của Masan Consumer) đã tiết lộ một điểm mới là mục tiêu chinh phục thị trường quốc tế của Masan Consumer từ nay đến 2027.
Ông Thắng khẳng định các sản phẩm về đồ uống và hoá mỹ phẩm rất khó có thể đưa ra thế giới nhưng các sản phẩm của Chinsu, Omachi, Vinacafe sẽ được đẩy mạnh đưa ra thị trường nước ngoài.
"Nếu một công ty có thể đưa thực phẩm Việt Nam ra ngoài thế giới thì chúng ta có thể làm điều đó tốt nhất", báo Người lao động dẫn lời Chủ tịch HĐQT The CrownX.
Dự kiến đến năm 2027, hoạt động kinh doanh thị trường toàn cầu sẽ đóng góp 15% tổng doanh thu của Masan Consumer Holdings. Tập đoàn mới ra mắt bộ sưu tập các sản phẩm gia vị Chinsu tại Nhật Bản hồi tháng 3.
Thực tế, Masan đã bán một vài sản phẩm ra thế giới theo các hợp đồng xuất khẩu và nhận về kết quả tương đối tốt, doanh thu hàng nghìn tỷ và suất lợi nhuận cao trong một vài năm gần đây.
Ông Thắng nói phải lựa chọn nhãn hiệu và ngành hàng phù hợp, tập trung các sản phẩm mang yếu tố Việt Nam để ra nước ngoài. Do đó, các sản phẩm phải thử khi du lịch Việt Nam như đồ ăn, gia vị, cafe là mặt hàng xuất khẩu chiến lược.
Giá trị bán ra nước ngoài tương đối cao. Chẳng hạn, nước mắm Chinsu đã bán được trên Amazon với giá lên đến 10 USD và từ đó có thể xâm nhập vào các nền tảng bán hàng khác để đưa thương hiệu ra nước ngoài.
Không chỉ "ngồi ở Việt Nam để xuất khẩu sản phẩm mà lãnh đạo Masan khẳng định sẽ xây dựng hệ thống ở nước ngoài như đang đặt nền móng về sản xuất sản phẩm, nhân sự đồng loạt ở các nhãn hàng.
Với riêng thị trường Trung Quốc, ông Thắng nói thêm đang kinh doanh tại đây nhưng quy mô khiêm tốn do chưa tập trung trọng điểm.
"Trung Quốc nằm trong lộ trình chung tổng thể của 3 thương hiệu Chin su, Omachi và Vinacafe", ông tiết lộ và thông tin thêm ngành hàng cafe có triển vọng tốt nhất, phở cũng là mặt hàng gần gũi, còn nước mắm chưa có vị thế tốt tại quốc gia tỷ dân.
Thương hiệu Phúc Long cũng có chiến lược Go Global khi đang có những bước đầu tiên để xây dựng quy trình bán hàng trên toàn cầu, chuẩn hóa các chuẩn mực chất lượng và vận hành sản phẩm.
Khách hàng trải nghiệm mua sắm thông minh tại ĐHĐCĐ Tập đoàn Masan. Ảnh: NLĐ
Về kế hoạch năm 2023, báo Pháp luật TP.HCM thông tin, Masan dự kiến doanh thu thuần hợp nhất năm đạt từ 90.000-100.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 18% và 31% so với năm 2022. The Crownx (TCX) vẫn được kỳ vọng là động lực tăng trưởng doanh thu chính với tỷ trọng đóng góp hơn 70% vào doanh thu thuần năm 2023.
Lợi nhuận sau thuế cốt lõi Pre-MI (không gồm chi phí một lần), Masan dự kiến nằm trong khoảng 4.000 tỷ đồng và 5.000 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng từ 4% đến 30% so với mức 3.852 tỷ đồng vào năm 2022.
Theo đó, TCX dự kiến đạt doanh thu thuần khoảng 65.000-72.300 tỷ đồng, tăng 16%-29% so với năm 2022.
WCM (tăng trưởng mạng lưới) dự kiến mang lại doanh thu thuần 36.000 tỷ đồng và 40.500 tỷ đồng, tăng 23%-38% so với cùng kỳ. Động lực chính của sự tăng trưởng này là việc tiếp tục mở cửa hàng mới thành công và tăng doanh thu cấp cửa hàng.
Doanh thu thuần của MCH dự kiến đạt 30.500 tỷ đồng và 33.500 tỷ đồng vào năm 2023 nhờ tập trung vào nỗ lực R&D, tăng 15%-30% so với năm trước.
Về hàng tiêu dùng có thương hiệu Masan, Masan Consumer đặt mục tiêu doanh thu 50.000 tỷ đồng với 20% tỷ suất lợi nhuận hoạt động vào năm 2025.
Vân Anh (T/h)