Theo An ninh Thủ Đô, mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện nội dung tỷ phú Phạm Nhật Vượng và NSND Xuân Bắc có “cú bắt tay lịch sử 2 triệu USD” . NSND Xuân Bắc đã lên tiếng khẳng định về sự việc hình ảnh của nam nghệ sĩ bị đối tượng xấu lấy cắp và sử dụng cho mục đích lừa đảo.
Cụ thể, vào ngày 15/8, Fanpage Facebook có tên “Showbiz Trending – Đưa Tin 24h” đăng tải một bài viết có tên “Bản hợp đồng số 1 – Trị giá 2 triệu đô của Phạm Nhật Vượng dành cho gà cưng Xuân Bắc và nhãn hàng của anh ấy đại diện – Tomford”.
Nội dung bài viết đăng tải: “Lễ ký kết thành công, 5.000 mã giảm giá Tomford được đưa vào Việt Nam, tạo nên cơn địa chấn nước hoa trên toàn quốc”. Để tăng tính thuyết phục với người dùng, Fanpage này còn đăng tải hình ảnh qua chỉnh sửa, cắt ghép của Chủ tịch tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng và NSND Xuân Bắc nhằm lợi dụng hình ảnh để trục lợi, lừa đảo người tiêu dùng.
Thông tin giả mạo về việc hợp tác giữa tỷ phú Phạm Nhật Vượng và NSND Xuân Bắc. Ảnh: An Ninh Thủ Đô
Ngay sau đó, NSND Xuân Bắc đã lên tiếng khẳng định về sự việc hình ảnh của nam nghệ sĩ bị đối tượng xấu lấy cắp và sử dụng cho mục đích lừa đảo.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), đối với hình thức lừa đảo “giả mạo thương hiệu”; “giả mạo nghệ sĩ” trên, các đối tượng sẽ tạo lập nhiều các trang Fanpage, trang mạng xã hội giả mạo vô cùng tinh vi và chuyên nghiệp. Trang web giả mạo có giao diện trông giống như trang web chính thức của một thương hiệu nổi tiếng. Các đối tượng còn có thể sử dụng các tên miền tương tự hoặc thay đổi một vài ký tự để làm cho trang web trông hợp lệ.
Để tăng mức độ uy tín, các đối tượng còn tạo ra các tài liệu, quảng cáo, hoặc sản phẩm với tên và logo của thương hiệu uy tín, đồng thời cắt ghép hình ảnh của những nghệ sĩ nổi tiếng. Những bài đăng của đối tượng lừa đảo trên thường có nội dung vô cùng hấp dẫn như: các chương trình khuyến mãi, giảm giá mạnh, sản phẩm giá siêu rẻ so với thị trường... nhằm thu hút sự chú ý và đánh lừa người tiêu dùng.
Đồng thời gắn các đường dẫn, yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân như căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng... nhằm mục đích đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.
Để tránh trở thành nạn nhân, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cẩn trọng trước những bài đăng hoặc những thông tin không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội. Người dân đặc biệt là người thường xuyên thực hiện giao dịch mua bán trên mạng xã hội cần kiểm tra tính xác thực của thông tin và người bán; tạo lập thói quen tìm kiếm thông tin về nghệ sĩ hoặc thương hiệu trên các trang web chính thức, hoặc các nguồn tin cậy để xác minh sự hợp pháp của các sản phẩm được quảng cáo.
Đặc biệt, người dùng tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn lạ; không tải về các ứng dụng không rõ nguồn gốc; không cung cấp thông tin cá nhân dưới mọi hình thức. Nếu phát hiện các hoạt động giả mạo, người dân cần báo cáo cho các nền tảng mạng xã hội, trang web liên quan hoặc cơ quan Công an gần nhất để có thể xử lý và ngăn chặn các hoạt động gian lận, báo Công an nhân dân thông tin.