Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh của Trung Quốc sẽ rơi xuống Trái đất vào cuối tuần này

(DS&PL) -

Các hãng thông tấn thế giới mới đây đã đồng loạt đưa tin về việc mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc sẽ rơi xuống Trái đất vào cuối tuần này.

Các hãng thông tấn thế giới mới đây đã đồng loạt đưa tin về việc mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc sẽ rơi xuống Trái đất vào cuối tuần này.

Vụ rơi tên lửa Trường Chinh 5B đã được cảnh báo từ 1 tuần trước khi tên lửa nặng 22,5 tấn này gặp sự cố khi được phóng vào vũ trụ. Theo các nhà phân tích, tên lửa Trường Chinh 5B đang di chuyển mất kiểm soát trong khí quyển và mất độ cao theo từng vòng quay quanh Trái đất.

Lực lượng Không gian Mỹ, Cơ quan Vũ trụ Nga và Tập đoàn Hàng không Vũ trụ, một công ty nghiên cứu phi lợi nhuận do Mỹ tài trợ, dự đoán, các mảnh vỡ và phần thân tên lửa sẽ rơi xuống Trái đất vào cuối tuần này, có thể là vào ngày 8/5 (theo giờ Mỹ). 

Ở thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng vẫn chưa thể xác định chính xác vị trí tên lửa sẽ rơi xuống. Các nghiên cứu cho thấy sau khi gặp sự cố, tên lửa đã di chuyển vào vùng khí quyển của Trái đất. Theo nguyên lý, tên lửa Trường Chinh 5B sẽ quay quanh quỹ đạo Trái đất 1 thời gian trước khi rơi tự do. 

Tên lửa Trường Chinh 5B, mang theo mô-đun chính cho trạm vũ trụ của Trung Quốc, được phóng lên vũ trụ từ ngày 29/4. Ảnh: Getty

Quỹ đạo của vũ trụ đã đưa tên lửa đi qua nhiều khu vực đông dân cư từ phía thành phố New York và Los Angeles (Mỹ) tới Nam Âu, Bắc Kinh (Trung Quốc), Australia, Nam Phi và Nam Mỹ. Tuy nhiên, nhiều khả năng tên lửa Trường Chinh 5B sẽ "tiếp đất" ở Thái Bình Dương hoặc một vùng lãnh thổ rộng lớn không có người sinh sống. 

Ông John Logsdon, cựu thành viên Hội đồng cố vấn NASA và là người sáng lập Viện Không gian của Đại học Washington cho biết: "Quỹ đạo di chuyển của tên lửa đi qua những khu vực đông dân cư nhất thế giới. Nên nếu chúng ta không thể kiểm soát được vị trí của tên lửa trên tầng khí quyển thì sẽ tạo ra một mối lo về vị trí tên lửa rơi xuống Trái đất".

Khi giai đoạn tên lửa rơi qua bầu khí quyển của Trái đất, ma sát sẽ làm nóng không khí xung quanh lên khoảng 3.000 độ F (1.649 độ C). Tên lửa có thể sẽ bị vỡ trong nhiệt độ này và các bộ phận của nó có thể bốc cháy nhưng vẫn còn nhiều mảnh vỡ lớn có thể tồn tại và rơi xuống Trái đất. 

Theo đó, các chuyên gia ước tính, khoảng 5 tấn bộ phận của tên lửa còn lại, bao gồm thùng nhiên liệu, bộ phận đẩy, các bộ phận lớn của động cơ tên lửa, các mảnh kim loại và vật liệu cách nhiệt, sẽ rơi xuống một khu vực nào đó của Trái đất. Khả năng cao nhất trong tính toán của các nhà khoa học là những bộ phận tên lửa này sẽ rơi xuống đại dương, nơi không có người sinh sống.

Chia sẻ với CNN, nhà thiên văn học quan sát các vật thể quay quanh Trái đất Jonathan McDowell cho biết: "Vẫn có rủi ro về những thiệt hại mà vụ va chạm gây ra, bao gồm việc tên lửa có thể rơi trúng người nào đó. Nhưng những nguy cơ về việc tên lửa rơi trúng khu dân cư là cực nhỏ nên các bạn không cần quá lo lắng về vấn đề này".

Tuy nhiên, theo ông John Logsdon, đây vẫn là một tình huống bất thường và Trung Quốc cần đưa ra lời giải thích về những gì đã xảy ra. 

Trong ngày 7/5, hãng tin Yonhap đưa tin, Hàn Quốc và Mỹ đã cùng nhau thảo luận về các cách ứng phó với sự cố rơi tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc. Được biết, tên lửa Trường Chinh 5B được phóng hồi tuần trước, mang theo một mô-đun trạm vũ trụ thường trực đầu tiên của Trung Quốc lên không gian. Tuy nhiên, tên lửa đã gặp sự cố khiến các lực lượng vũ trụ cả thế giới lo ngại.

Các thành viên của Trung tâm Hoạt động Vũ trụ Hàn Quốc tổ chức hội nghị truyền hình với các quan chức của Trung tâm Hoạt động Không gian Liên hợp do Mỹ lãnh đạo hôm 7/5. Ảnh: Yonhap

Không quân Hàn Quốc và Trung tâm Điều hành Không gian Liên hợp (CSpOC) do Mỹ đứng đầu đã đã tổ chức một hội nghị trực tuyến và chia sẻ dữ liệu giám sát và phân tích của họ. Hội nghị này có sự tham gia của cả quân đội Đức và Nhật Bản. 

Trung tá Choi Seong-hwan thuộc Trung tâm Điều hành Vũ trụ Hàn Quốc cho biết: "Chúng tôi không loại trừ khả năng mảnh tên lửa sẽ rơi trúng vào bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống bằng cách giám sát chặt chẽ đường đi của tên lửa và phối hợp với CSpOC cùng các cơ quan liên quan khác".

Bộ chỉ huy Mỹ  nói rằng không thể xác định chính xác điểm hạ cánh của tên lửa "cho đến khi nó quay trở lại Trái đất". 

Bên cạnh đó, The Guardian đưa tin, Mỹ không có ý định bắn hạ những phần còn lại của  tên lửa Trường Chinh Trung Quốc. Cụ thể, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu: "Chúng tôi có khả năng làm rất nhiều việc nhưng chúng tôi hiện không có kế hoạch bắn hạ tên lửa này. Chúng tôi dự đoán tên lửa sẽ hạ cánh xuống đại dương không người hoặc một khu đất tương tự".

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 7/5 cho biết phần đầu tên lửa có thể sẽ bốc cháy khi di chuyển vào Trái đất nên sẽ không gây ra mối đe dọa lớn đối với người dân toàn thế giới. 

Thư ký báo chí Nhà Trắng, Jen Psaki,thôn tin rằng Mỹ cam kết sẽ giải quyết các rủi ro của các mảnh vỡ vũ trụ và muốn làm việc với cộng đồng quốc tế "để thúc đẩy sự lãnh đạo và các hành vi có trách nhiệm trong không gian".

Minh Hạnh (Theo Business Insider, Guardian, Yonhap)

Tin nổi bật