Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mắc cúm A, cô gái trẻ từ chối lời khuyên nhập viện của bác sĩ vì lí do "trời ơi đất hỡi"

  • Mộc Trà
(DS&PL) -

Tình trạng mắc cúm A của cô gái trẻ tăng nặng, được bác sĩ chỉ định nhập viện nhưng bệnh nhân nhất quyết đi về vì lý do sống một mình, bạn trai không thể trông nom…

Bác sĩ Vũ Quốc Đạt, giảng viên bộ môn Truyền nhiễm (Trường Đại học Y Hà Nội), Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới và can thiệp giảm hại (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), cho biết, bác sĩ vừa tiếp nhận và khám cho một trường hợp mắc cúm, đến khám do có triệu chứng ho, sốt, đau ngực, mệt lả sau 3 ngày mắc bệnh.

Kết quả xét nghiệm phát hiện bệnh nhân dương tính với cúm A, hình ảnh chụp X-quang không có tổn thương phổi. Tuy nhiên, chỉ số CRP (tình trạng nhiễm trùng) của bệnh nhân tăng rất cao.

Bác sĩ đã đề nghị bệnh nhân nhập viện theo dõi. Tuy nhiên, cô gái này đã từ chối vì lý do sống một mình, bạn trai không thể trông nom vì chỗ làm cách viện khá xa.

Bác sĩ giải thích cho bệnh nhân rằng cô nên nhập viện để theo dõi thêm vài ngày và đánh giá nguy cơ tiến triển nặng, sau đó bệnh nhân có thể ra viện. Tại bệnh viện cũng có điều dưỡng chăm sóc, không cần người nhà túc trực. Tuy nhiên, bạn trẻ nhất quyết không nhập viện.

Mắc cúm có dấu hiệu tăng nặng, bác sĩ đề nghị nhập viện nhưng cô gái trẻ nhất quyết đi về. Ảnh minh họa

Thậm chí, bác sĩ Đạt còn cảnh báo bạn trẻ rằng nếu mắc cúm nặng, bệnh sẽ tiến triển rất nhanh có thể gây tử vong. Bác sĩ nhắc tới câu chuyện không may mắn của diễn viên Từ Hy Viên. Tuy nhiên, bạn trẻ vẫn không ở lại điều trị.

“Mặc dù cúm ở người trẻ thường diễn biến lành tính và có thể tự khỏi, tuy nhiên vẫn có các trường hợp diễn biến nặng. Do đó kể cả người trẻ cũng không được chủ quan khi mắc cúm. Hiện nay một số bạn trẻ vẫn chưa nhận thức được đầy đủ về bệnh cúm nên vẫn mang tâm lý chủ quan khi mắc bệnh và không tuân thủ theo hướng dẫn của nhân viên y tế”, BS Đạt nhấn mạnh.

Theo BS Đạt, theo thống kê của Bộ Y tế, trong năm 2024 ghi nhận 289.876 trường hợp mắc cúm mùa, 8 ca tử vong; số mắc giảm 17,9% so với năm 2023 (353.108 ca), số tử vong tăng 5 trường hợp.

Tuy nhiên những tháng đầu năm 2025 ghi nhận số ca mắc cúm mùa tăng nhanh, trung bình mỗi tuần phòng khám khoa Bệnh Nhiệt đới và Can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân mắc cúm A tới khám, số lượng bệnh nhân mắc cúm trong tháng 1/2025 cao gấp 6 lần so với tháng 12 năm 2024.

“Qua quá trình khám chữa bệnh hàng ngày, chúng tôi nhận thấy đặc điểm dịch cúm năm nay cũng tương tự như các năm trước. Bệnh nhân mắc cúm tới khám đa số với các biểu hiện gồm sốt cao đột ngột, ho, hắt hơi, đau rát họng. Sự gia tăng số ca nặng trong cộng đồng không nhất thiết phải là do virus tăng độc lực, mà có thể do sự lây lan trong cộng đồng đang quá lớn, dẫn tới số ca nhập viện tăng”, BS Đạt cho hay.

Bác sĩ Đạt cảnh báo, bất kể ai cũng có thể mắc cúm, đều có thể tiến triển nặng, tử vong nên chúng ta không thể coi thường hay chủ quan. Tuy nhiên, cúm là bệnh lý thường gặp hàng năm và bệnh cúm có thể diễn biến nặng gây tử vong đặc biệt ở những người có yếu tố nguy cơ như trẻ em, người cao tuổi, người mắc các bệnh lý mạn tính như tim mạch, hô hấp, bệnh gan thận, suy giảm miễn dịch; người bị béo phì hoặc phụ nữ mang thai.

Cúm là bệnh lý lành tính nhưng cũng vô cùng nguy hiểm. Ảnh minh họa

Các dấu hiệu cần lưu ý khi theo dõi bệnh nhân cúm tại nhà:

- Khó thở hoặc thở nhanh > 30 lần/phút đối với người lớn.

- Đau ngực hoặc tức nặng ngực dai dẳng.

- Đau mỏi cơ bắp nhiều, đau bụng nhiều.

- Không có nước tiểu.

- Co giật.

- Chóng mặt dai dẳng, không tỉnh táo, lú lẫn.

- Đau cơ nhiều, yếu cơ hoặc mất thăng bằng.

- Sốt, ho không cải thiện. Đặc biệt, nếu tình trạng bệnh được đánh giá là cần nhập viện thì người bệnh nên tuân thủ vì lời khuyên đó có ích cho họ. Cúm là bệnh diễn biến có thể đột ngột, dẫn đến suy hô hấp nhanh. Việc theo dõi ở cơ sở y tế chính là giúp chúng ta ngăn ngừa được tình trạng diễn biến nặng.

Tin nổi bật