Cuộc đời của đại gia tài hoa Bùi Xuân Hải diễn ra như một câu chuyện cổ tích, vô cùng đặc biệt và phi thường. Ông đang làm cho lắm tay buôn đồ cổ Trung Quốc bái phục.
Ông Bùi Xuân Hải hay còn được gọi với tên quen thuộc là "Hải đồ cổ" sinh ra và lớn lên ở huyện Ân Thi (Hưng Yên) trong một gia đình rất nghèo. Hải là anh cả trong gia đình có 5 anh chị em.
Ngoài lúc đi học, Hải đi chăn trâu giúp gia đình, nhưng Hải toàn thả rông trâu ngoài đồng rồi đi khắp thôn xóm nhặt nhạnh lông vịt, lông ngan bán lấy tiền mua gạo cho cả nhà.
Mang khát vọng làm giàu cho Tổ quốc từ bé, nên Hải rất mê môn địa lý, đặc biệt quan tâm đến những vấn đề kinh tế vĩ mô của quốc gia và quốc tế.
Ông Bùi Xuân Hải. |
Năm cuối phổ thông, cậu học sinh này đạt danh hiệu học sinh giỏi quốc gia, được tuyển thẳng vào Khoa địa lý Kinh tế, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Là sinh viên xuất sắc, nên ra trường, Hải được nhận ngay về Trường PTTH Phù Cừ (Hưng Yên) giảng dạy môn địa lý. Trong suốt 13 năm giảng dạy, Hải liên tục là giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia.
Lần đến thăm phụ huynh bị bệnh của một em học sinh đã làm thay đổi cuộc đời của ông Bùi Xuân Hải. Bố của học sinh này đã dùng chiếc bình cũ để khạc nhổ đờm. Thấy vậy, ông Hải đi mua tặng phụ huynh này một chiếc bình mới.
Sau đó, em học sinh đã đem cọ rửa chiếc bình cũ kia, thấy đẹp nên đã mang tặng thầy. Vừa thấy chiếc bình, ông Hải đã cảm giác như có ma lực cuốn hút. Và ông đã bán chiếc bình này với giá 7 cây vàng. Từ đó, cuộc đời ông chuyển sang bước ngoặt mới, ông giáo đã chuyển sang nghề buôn bán đồ cổ.
Việc mua bán đồ cổ lên như diều gặp gió. Đến năm 1980, chỉ trong khoảng 10 năm, ông Hải đã có trong tay 2 tấn vàng.
Bùi Xuân Hải thành lập công ty này vào năm 1988 sau khi ra toà với tội danh "trùm buôn lậu đồ cổ". Mãn hạn tù, 17 giờ ngày đầu tiên được tha về tới Hải Phòng, thì 19 giờ ông đến ngay nhà Bí thư, Chủ tịch TP. Hải Phòng xin lập xí nghiệp tư doanh.
Ông Bùi Xuân Hải bên chiếc bình sứ dát vàng. |
Hải có rất nhiều đồ cổ tích cóp từ năm anh 20 tuổi! Những năm 1965 - 1970 ở miền Bắc, chơi đồ cổ là một cái thú... rẻ tiền! Một chiếc xe đạp "Thống Nhất" là cả gia tài, có thể đổi được hàng đống những bát đĩa cổ quý báu.
Khéo léo một chút có thể xin không bà con nông dân một vài cái vại xấu xí, sứt mẻ, dùng để muối dưa, hay một cái nậm vất lăn lóc trong xó nhà. Chính thực là đồ gốm sứ đời Tống hay của nhà Minh (Trung Quốc)! Vô giá với những con mắt tinh đời. Mà mắt Hải thì tinh lắm!
Bùi Xuân Hải đã bán đi rất nhiều bản phục chế cổ. Tất cả tiền bạc, Hải đổ dồn vào Haivinaco. Chỉ sau 3 năm, ông là chủ nhân duy nhất của một cơ đồ gồm 4 xí nghiệp, 1 trường đào tạo hàng ngàn học sinh học nghề. Hàng sứ mỹ nghệ cao cấp được làm bằng những bàn tay tài hoa của Hải có mặt ở Venise (Italia), London (Anh), sang Châu Phi, đến Nhật Bản...
Tôi đã được đọc những tình cảm đẹp, sự đánh giá cao của nhiều nhà lãnh đạo cấp cao nhất Việt Nam, của các đại sứ, của đại diện các tổ chức quốc tế, của những thương gia nước ngoài đối với doanh nghiệp của Bùi Xuân Hải.
Thế nhưng Hải càng làm thì càng lỗ bởi các cơ chế tài chính (xuất khẩu ủy thác) thời đó. Thay vì bán hàng lấy tiền, Hải được Nhà nước trả bằng 10 ô tô công tắc điện! Mùa hè nhận giày cao cổ lông thú, mùa đông có áo may-ô! Thế là ông vướng vào vòng lao lý vì không trả nợ đúng hạn. Khi Hải ra tù Haivinaco sập tiệm.
Bốn lần ngồi tù không tiêu diệt được ý chí của Bùi Xuân Hải. Bây giờ "Hải đồ cổ" đang trở lại với công nghệ mới - vẽ vàng lên sứ. Toàn bộ sản phẩm của ông được làm bằng tay cực kỳ tinh xảo, người Trung Quốc cũng phải bái phục.