Sáng 2/2 (tức ngày 23 tháng Chạp) giữa tiết trời sương mù dày đặc, nhiều người dân có mặt từ sớm quanh hồ Tây (quận Tây Hồ, Hà Nội), hay một số địa điểm khác như cầu Long Biên để phóng sinh cá chép.
Theo truyền thống, cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình Việt sẽ chuẩn bị mâm cơm cúng để đưa tiễn ông Công ông Táo về chầu trời. Trong ngày này, cá chép là vật cúng không thể thiếu bởi nhiều người tin rằng, Táo quân sẽ cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo về chuyện làm ăn, cư xử của gia đình trong năm vừa qua.
Thông thường hằng năm, việc thả cá chép xuống sông, hồ được người dân đổ trực tiếp cá vẫn còn trong túi nilon và mạnh ai người đó thả đã khiến cho nhiều con cá được thả từ cầu cao xuống sông, chưa được bao lâu thì đã chết hoặc bị người dân vớt tại các hồ.
Theo ghi nhận PV Đời sống & Pháp luật, không chỉ ở khu vực cầu Long Biên, nhiều người dân cũng mang cá chép đi thả ở các địa điểm quen thuộc ở Hà Nội như hồ Trúc Bạch, Hồ Tây…, tại Hồ Tây người dân được hướng dẫn bỏ chung vào xô lớn.
Cá chép thay vì được thả trực tiếp xuống hồ Tây, thì nay được người dân thả chung vào xô lớn được lực lượng chức năng đặt trên bờ. Túi nilon được tách riêng, bỏ vào túi rác.
Lực lượng chức năng sẽ dùng xe chuyên dụng, vận chuyển các con cá chép này di chuyển quãng đường khoảng 3km để đến địa điểm thả bên bờ sông Hồng, thuộc địa bàn phường Ngọc Thụy.Nhằm giảm thiểu việc thả túi nilon, vừa tránh ô nhiễm môi trường vừa tránh tình trạng cá chết ngạt khi được thả xuống sông, hồ. Nhiều bạn trẻ là tình nguyện viên đã đứng dọc 2 bên cầu Long Biên với các khẩu hiệu kêu gọi "thả cá đừng thả túi nilon".
Nhóm PV