Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Luật sư nhận định mức phạt với người chế clip “bà Trương Mỹ Lan nói 673.000 tỷ đồng ở ngoài biển”

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Trend “ra khơi tìm kho báu 673.000 tỷ đồng của bà Trương Mỹ Lan” đã gây xôn xao cộng đồng mạng trong những ngày qua.

Theo báo Pháp Luật TP.HCM, những ngày qua, trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện trend (xu hướng) "ra khơi tìm kho báu 673.000 tỷ đồng của bà Trương Mỹ Lan”. Liên quan đến sự việc này, luật sư bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan mới đây đã có đơn đề nghị xử lý hành vi vi phạm Luật An ninh mạng đối với tổ chức, cá nhân liên quan.

Trong đơn, luật sư nêu rõ từ ngày 5/3 đến ngày 11/4, TAND TP.HCM đưa vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan ra xét xử sơ thẩm.

Trong suốt quá trình giải quyết, tất cả các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác đều có thái độ tôn trọng, hợp tác với HĐXX, VKS và các đơn vị nghiệp vụ.

Tuy nhiên sau phiên tòa sơ thẩm, xuất hiện đoạn clip lồng ghép, xuyên tạc hội thoại giữa chủ tọa phiên tòa và bà Trương Mỹ Lan. Đoạn clip đó đến nay đã tạo “cơn sốt”, thậm chí đã lan truyền, tạo trend tìm kiếm trên các nền tảng mạng xã hội.

Cũng theo đơn của luật sư, dù là clip cắt ghép nhưng được thực hiện một cách công phu, bài bản; tạo dư luận xấu, làm giảm đi sự uy nghiêm của tòa án.

Không những vậy, đoạn clip đã xúc phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của bà Trương Mỹ Lan, không có việc bà Trương Mỹ Lan nói 673.000 tỷ đồng ở ngoài biển vì đây là số tiền được HĐXX tính toán sau khi xét xử và nêu trong phần tuyên án.

Bà Trương Mỹ Lan. Ảnh: Phụ Nữ Việt Nam

Báo Phụ Nữ Việt Nam dẫn lời Tiến sĩ - Luật sư  Đặng Văn Cường cho hay, những người quan tâm đến vụ án này phần lớn đã nắm được thông tin diễn biến phiên tòa, các tình tiết được xét xử công khai và kết quả xét xử sơ thẩm.

Trên một số nền tảng mạng xã hội những ngày qua xuất hiện đoạn clip về diễn biến phiên tòa nhưng nội dung lại có sự lồng ghép, dàn dựng lời nói của bị cáo và chủ tọa phiên tòa có tính chất gây cười, hài hước…

Những người đã biết về thông tin vụ việc, theo dõi phiên tòa có thể sẽ thấy đây là một clip hài, có tính chất giải trí. Tuy nhiên với những người không theo dõi diễn biến phiên tòa, có thể họ tin phần nào nội dung là sự thật.

Nội dung này cũng có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý của gia đình bị cáo, ảnh hưởng đến nhận thức đánh giá của xã hội đối với thái độ khai báo của bị cáo, có thể gây bất lợi cho bị cáo ở giai đoạn xét xử phúc thẩm (nếu có). 

Do đó, việc các luật sư bào chữa cho bị cáo lên tiếng để bảo vệ thân chủ mình trên không gian mạng là điều dễ hiểu. Việc luật sư gửi văn bản kiến nghị với cơ quan chức năng để làm rõ hành vi phát tán thông tin sai sự thật là chuyện dễ hiểu và hoàn toàn có thể xảy ra, không chỉ với vụ án này mà còn đối với các vụ án khác. 

Nhận được văn bản kiến nghị của luật sư, cơ quan chức năng sẽ xem xét xác minh thông tin để làm rõ clip này, đánh giá hậu quả có thể gây ra đối với gia đình bị cáo và xã hội để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của luật an ninh mạng, người sử dụng mạng viễn thông, mạng internet phải đưa các thông tin trung thực, đúng sự thật lên không gian mạng. Hành vi đưa thông tin sai sự thật mà gây ra hậu quả tác động tiêu cực đối với xã hội, xâm phạm đến lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì tùy vào tính chất mức độ hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vì thế, cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ clip này có đúng sự thật hay không, nếu là clip dàn dựng, cắt ghép chỉnh sửa, nội dung không đúng sự thật thì sẽ làm rõ ai là người tạo ra clip này và hành vi đưa thông tin này với dụng ý, mục đích gì, đồng thời đánh giá hậu quả đã gây ra đối với xã hội để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Nếu kết quả xác minh cho thấy clip là dàn dựng, không đúng sự thật nhưng mang tính chất tấu hài, người làm clip này chỉ mang tính chất giải trí mà không có dụng ý xấu, đánh giá hậu quả chưa tác động xấu đến xã hội thì cơ quan chức năng có thể nhắc nhở, yêu cầu gỡ bỏ clip chứ không áp dụng chế tài.

Trong trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy clip là sai sự thật, người thực hiện hành vi làm ra, phát tán clip này nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan tổ chức thì sẽ xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Xuất hiện rất nhiều fanpage trên Facebook với tiêu đề "Ra khơi đi tìm kho báu của bà Trương Mỹ Lan". Ảnh: Pháp Luật TP.HCM

Trong khi đó, Luật sư Trần Văn Giới - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết hành vi trên trước hết đã vi phạm điều cấm của Luật An ninh mạng.

Cụ thể, vi phạm điểm d khoản 1, Điều 8 (thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác); và điểm a, b, khoản 3, khoản 5 Điều 16 Luật An ninh mạng (thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác...).

Về chế tài xử lý, hành vi thông tin bịa đặt, sai sự thật sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 15/2020 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022).

Theo đó, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt từ 20-30 triệu đồng.

Ngoài bị phạt tiền tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Lưu ý, mức phạt trên áp dụng đối với tổ chức vi phạm, trường hợp cá nhân vi phạm mức phạt sẽ bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức, theo thông tin trên báo Pháp Luật TP.HCM.

Ở mức độ nghiêm trọng hơn, người có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội vu khống theo quy định tại Điều 156 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Khung hình phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Hoặc cũng có thể bị xử lý hình sự về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 331 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Khung hình phạt thấp nhất của tội này là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Tin nổi bật