
TAND Cấp cao tại TP.HCM đang xét xử phúc thẩm vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới do bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm thực hiện (Vụ SCB giai đoạn 2).
Theo bản án sơ thẩm, ngoài trách nhiệm về hình sự, bà Trương Mỹ Lan có nghĩa vụ phải bồi hoàn toàn bộ số tiền hơn 30.092 tỷ đồng cho những người bị hại và người liên quan. Vậy bà Trương Mỹ Lan sẽ lấy đâu ra nguồn tiền để có thể thực hiện phán quyết của Tòa án?
Trao đổi trên báo VietNamnet, luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh - Đoàn luật sư Hà Nội), người bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan cho hay, thời gian vừa qua, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã rất nỗ lực, quyết liệt trong việc thu hồi tài sản liên quan đến vụ án để ưu tiên thanh toán cho các trái chủ theo phán quyết của các bản án.
Căn cứ vào Công văn số 1948/CTHADS-NV2 ngày 24/3/2025 của Cục thi hành án dân sự TP.HCM, tính đến ngày 24/3/2025, về tiền mặt đã có hơn 8.659 tỷ đồng nằm trong tài khoản của Cục thi hành án và trong các tài khoản bị phong tỏa. Có hơn 15.383 tỷ đồng là tiền mà các cá nhân, tổ chức phải trả cho bà Trương Mỹ Lan. Tổng số tiền theo Công văn 1948 là hơn 24.043 tỷ đồng.
Vẫn theo luật sư Giang Hồng Thanh, bản án sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 còn kê biên hàng loạt cổ phần, bất động sản với tổng trị giá hơn 10.000 tỷ đồng để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của bà Trương Mỹ Lan.
Bà Trương Mỹ Lan. Ảnh: Tuổi trẻ Online
Một khoản tiền khác cũng có thể được sử dụng để khắc phục hậu quả, đó là hơn 15.712 tỷ đồng có nguồn gốc từ gói trái phiếu An Đông được trả cho 6 tổ chức tín dụng.
"Đây là nguồn tiền rất lớn, nếu thu hồi triệt để theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự và Điều 47 Bộ luật hình sự, bị hại sẽ được nhận lại tài sản nhanh chóng, đầy đủ nhất”, báo VietNamnet dẫn lời ông Giang Hồng Thanh.
Luật sư Giang Hồng Thanh ước tính, tổng cộng ba nguồn tiền trên sẽ có hơn 50.000 tỷ đồng để bà Trương Mỹ Lan lấy bồi thường cho các bị hại trong vụ án.
Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới do bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm thực hiện (Vụ SCB giai đoạn 2), hội đồng xét xử cũng dành nhiều thời gian để bà Trương Mỹ Lan trình bày lý do kháng cáo.
Cụ thể, báo Tuổi trẻ Online đưa tin, bà Lan đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét các vấn đề:
Đề nghị xem xét, đánh giá cụ thể về nguyên nhân, bối cảnh xảy ra vụ án giai đoạn 2 đặt trong tổng thể chung của vụ án, và đề nghị hội đồng xét xử xét bà thực tế không sử dụng tiền phát hành trái phiếu, nhưng lại đứng ra chịu hoàn toàn trách nhiệm cho các trái chủ, từ đó đánh giá lại mức độ, vai trò của bà đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản;
Hai là, bà Lan đề nghị xác thực lại các số liệu liên quan việc quy buộc tội rửa tiền do bà cho rằng số liệu quy buộc bà chiếm đoạt trong tội danh tham ô tài sản chưa đảm bảo xác thực;
Theo bà Lan, không đủ căn cứ pháp lý để cáo buộc bà phạm tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, nên đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại;
Bà Lan cũng đề nghị cấp phúc thẩm xem xét, buộc SCB trả lại các tài sản không có đảm bảo cho các khoản vay tại SCB, cũng như xác định lại các khoản tiền tái cơ cấu;
Bên cạnh đó, bà Lan đề nghị xem xét lại bản chất vụ án mà bà vẫn còn nhiều trăn trở, chưa được làm rõ, nhưng bà vẫn tự nguyện chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả, từ đó xem xét giảm nhẹ hình phạt cho tất cả bị cáo trong vụ án.
Cuối cùng bà Lan đề nghị được miễn đóng án phí số tiền 30,2 tỷ đồng theo Luật Người cao tuổi.
Bà Trương Mỹ Lan kiến nghị hội đồng xét xử phúc thẩm Cục Thi hành án dân sự TP.HCM trừ 1.612 tỷ đồng (thuộc 6 trái chủ Sunny World, một ngân hàng dùng thư bảo lãnh SCB và 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Vân Đồn làm tài sản đảm bảo) khỏi số tiền 30.092 tỷ đồng theo bản án sơ thẩm (giai đoạn 2).
Theo bà Lan, như vậy trách nhiệm dân sự đối với các trái chủ còn lại chỉ là 28.480 tỷ đồng.
"Kể từ sau khi xét xử sơ thẩm vụ án giai đoạn 2, tôi đã nhận được các quyết định thi hành án của Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, với số tiền phải thu tổng cộng là 32.153 tỷ đồng, đủ khả năng đảm bảo trả tiền cho các trái chủ", bà Lan nêu.
Trong đó, số tiền cơ quan thi hành án đã thu hồi là hơn 8.600 tỷ đồng; dự kiến thu hồi sớm theo các bản án cả 2 giai đoạn là gần 8.100 tỷ đồng; số tiền tiếp tục thu hồi theo các bản án là 12.800 tỷ đồng.
Theo tính toán của bà Lan, tổng số tiền trên là 29.545 tỷ đồng đã đủ khả năng đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn 100% cho các trái chủ.