Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lừa đảo qua mô hình kinh doanh dropshipping: Thủ đoạn tinh vi, nhiều người sập bẫy

  • Khánh Ngân
(DS&PL) -

Dropshipping là một mô hình bán hàng kiểu mới mà kẻ xấu đang coi là “mảnh đất màu mỡ” để lợi dụng chiếm đoạt tài sản của người dân.

Thời gian gần đây, mô hình kinh doanh dropshipping đang trở nên phổ biến khi nhu cầu mua bán trực tuyến phát triển nở rộ. Theo đó, mô hình kinh doanh dropshipping là hình thức bán lẻ. Cụ thể, người bán không cần lưu trữ sản phẩm của mình trong kho. Thay vào đó, người bán chỉ cần chuyển các đơn hàng và chi tiết khách hàng mua sản phẩm tới nhà sản xuất hoặc đơn vị cung ứng sản phẩm. Với phương thức kinh doanh này, người bán lẻ sẽ không cần kho hàng, không cần quan tâm về khâu vận chuyển.

Qua mô hình này, người bán hàng chỉ cần chú tâm vào quảng bá sản phẩm, những việc còn lại đơn vị cung cấp sản phẩm phụ trách. Khi khách hàng đặt mua sản phẩm, các nhà bán lẻ sẽ thông báo cho đối tác dropshipping - nhà sản xuất hoặc nhà bán buôn, những đơn vị này sẽ đóng gói và vận chuyển sản phẩm cho khách hàng. Đối tác vận chuyển sẽ tính phí cho từng đơn hàng. Khi đơn hàng được chốt, người bán sẽ chuyển đơn đến nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp rồi nhận phần trăm hoa hồng.

 

Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong kinh doanh mô hình dropshiping, chị Nguyễn Thùy Trang (trú tại quận Hà Đông, TP. Hà Nội) cho biết, mô hình kinh doanh dropshipping là xu hướng kinh doanh của thời đại vì có thể tận dụng được nguồn lực của cộng đồng, giúp nhà bán hàng giảm chi phí vận hành và người tiêu dùng sử dụng sản phẩm giá tốt nhất. Tuy nhiên, hạn chế đối với mô hình kinh doanh dropshipping là yêu cầu số vốn lớn để làm marketing sản phẩm.

Trong thời đại công nghệ số hiện nay, dropshipping được rất nhiều cá nhân và tổ chức lựa chọn vì sự tinh gọn của mô hình này. Từ những doanh nghiệp quy mô lớn tới những bà mẹ bỉm sữa muốn kiếm thêm thu nhập đều có thể tham gia hình thức này.

Bẫy gian hàng ảo dropshipping

Trước sức hút trong kinh doanh mô hình dropshiping, nhiều đối tượng đã lợi dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để lừa đảo người bán hàng. Theo cơ quan chức nác đối tượng đã tạo ra những ứng dụng, gian hàng được thiết kế chuyên nghiệp, thậm chí sử dụng các nền tảng có sẵn để nhân bản nhiều cửa hàng mới. Sau đó, các đối tượng lấy ảnh và bài viết từ bên thứ ba để đăng tải. Nguồn ảnh sản phẩm chủ yếu từ các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới. Khi tạo xong cửa hàng trực tuyến, các đối tượng lừa đảo sẽ tìm kiếm "con mồi" bằng cách quảng cáo cuốn hút trên các mạng xã hội như Facebook, TikTok.

Trang web giả mạo sàng thương mại điện tử để lừa đảo.

Những gian hàng này thường quảng cáo sản phẩm do một nhãn hàng độc lập sản xuất. Khi nhấn link quảng cáo, một trang web rất chuyên nghiệp sẽ hiện ra khiến người tham gia vô cùng tin tưởng.  Thậm chí website này còn có những hình ảnh nơi sản xuất, câu chuyện đằng sau sản phẩm và thậm chí là một số chứng nhận chất lượng để tăng uy tín cho gian hàng.

Không dừng lại, để tạo sức hút, lòng tin, nhóm đối tượng lừa đảo còn sử dụng hình ảnh của các cơ quan, tổ chức, nhãn hàng lớn để tạo uy tín cho gian hàng ảo.

Ngày 8/6/2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã cùng Amazon Global Selling ký thoả thuận hợp tác triển khai sáng kiến “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá”, góp phần nâng cao năng lực và mở ra cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp thông qua thương mại điện tử. Tuy nhiên, một số đối tượng đã lợi dụng sự kiện này để tạo ra các hình thức lừa đảo mới vô cùng tinh vi. 

Theo cảnh báo của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, các đối tượng đã sử dụng hình ảnh, logo của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Amazon Global Selling để đưa các thông tin dẫn dụ người dùng tham gia các hoạt động kinh doanh của họ.

Bên cạnh đó, các đối tượng này còn kêu gọi người tham gia mô hình sẽ được tặng 20.000 đồng vào tài khoản và khi đăng ký mở cửa hàng thành công, đơn hàng đầu tiên sẽ nhận được 200.000 đồng từ hệ thống. 

Nghiêm trọng hơn, các đối tượng còn kêu gọi người đã đăng ký mở cửa hàng lôi kéo người thân tham gia cùng và gắn bó lâu dài với công việc, thậm chí đăng tuyển các cộng tác viên với mức lương từ 20 triệu đồng trở lên để lôi kéo đông đảo người tham gia.

 

Nhiều nạn nhân sập bẫy

Theo Công an TP.Hà Nội nhận định, dropshipping là mô hình kinh doanh hấp dẫn và mang lại nhiều lợi ích cho người bán, nhưng đây cũng là “miếng mồi ngon'” của những kẻ lừa đảo". Mới đây, thêm một nạn nhân bị chiếm đoạt 12 tỷ đồng khi tham gia mô hình kinh doanh dropshipping qua ứng dụng “Supply Helper”. 

Theo chị H. (trú tại Hà Nội) cho biết, ban đầu, chị có quen biết đối tượng giới thiệu bán hàng online và được khoe vừa lãi 80 triệu sau khi bán được 2 chiếc đồng hồ qua ứng dụng “Supply Helper” (đường dẫn https//web.supplyshopsb.com).  

Thấy lợi nhuận lớn, chị H. đã tải ứng dụng này để kinh doanh. Khi khách hàng đặt hàng, chị H. phải gửi lệnh thanh toán bằng USD trên ứng dụng và quy đổi thành tiền Việt Nam để chuyển cho các đối tượng. Sau khi khách hàng nhận được tiền, chị H. sẽ nhận lại được tiền gốc và 18% tiền lãi.

Đơn hàng đầu tiên, chị H. nạp 511,28 USD, lãi 61,35 USD. Chị nhận được đầy đủ tiền hàng và lãi. Sau đó, chị tiếp tục đặt 46 đơn hàng, rút được tiền của một số đơn hàng. Khi số tiền nạp mua đơn hàng là 12 tỷ đồng, các đối tượng đã chặn liên lạc với chị H. và không cho rút tiền. Lúc này chị H. mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

 

Tương tự, anh X (trú tại Hà Nội) tham gia mô hình kinh doanh dropshipping, phân phối đơn hàng tại trang https://atlanticmallccenter.com. Theo đó, anh X được phép đăng 100 sản phẩm và nhận lợi nhuận 20% trên mỗi đơn hàng sau khi sản phẩm tới người mua từ 4 – 6 ngày. 

Ngày đầu tiên anh X bán được 1 đơn hàng và thu lợi nhuận như hứa hẹn. Anh X mua gói quảng cáo tương đương 10 triệu đồng với cam kết bán được 8 đơn hàng/ ngày. Các đối tượng giới thiệu anh X nâng cấp cửa hàng với số tiền 12.000 USD để hưởng chính sách 20 ngày không phải nộp tiền đơn hàng và lợi nhuận 30% với mỗi đơn hàng.

Sau khi hết 20 ngày, anh X rút tiền từ hệ thống thì được yêu cầu nộp 35% lợi nhuận tương đương gần 1 tỷ đồng để rút được tiền. Nhận thấy dấu hiệu bất thường, anh X đã không nộp tiền và đến cơ quan công an trình báo. Tổng số tiền anh X bị chiếm đoạt là 9,7 tỷ đồng.

 

Thông tin thêm với PV, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Ninh cũng vừa tiếp nhận đơn trình báo của chị N.T.C, (trú tại phường Yết Kiêu, TP.Hạ Long) về việc mình bị lừa đảo khi bị dụ dỗ tham gia mô hình kinh doanh dropshipping.

Cụ thể, chị C được một người quen qua Facebook giới thiệu tham gia phân phối đơn hàng theo hình thức dropshipping trên trang thương mại điện tử ebay có địa chỉ là https://vn-ebayz.com.

Ban đầu, chị C được hướng dẫn mở cửa hàng “ảo” rồi lựa chọn sản phẩm sẵn có trên trang “ebay ảo” này để đăng lên cửa hàng của mình. Khi khách hàng đặt hàng, chị C phải gửi lệnh thanh toán bằng USD trên trang web và quy đổi thành tiền Việt Nam để chuyển cho tài khoản được chỉ định. Sau khi khách nhận được hàng, chị C sẽ nhận lại được tiền gốc và 18% tiền lãi.

Với các đơn hàng đầu với số tiền nhỏ, chị C nhận được tiền gốc và tiền lãi đầy đủ. Sau đó, chị tiếp tục đặt 20 đơn hàng, rút được tiền của một số đơn hàng. Khi tổng số tiền nạp mua đơn hàng là hơn 300 triệu đồng, chị C muốn đóng cửa hàng và thu hồi vốn thì được hệ thống đưa ra nhiều lý do khác nhau như phải hoàn tất các đơn hàng đang chờ xử lý, mua điểm tín dụng, mở phí chuyển khoản, đóng thuế... để yêu cầu chị đóng thêm tiền vào.

Ngoài ra, đối tượng còn dụ dỗ chị C nếu nộp xong các khoản phí này thì hệ thống sẽ hoàn lại toàn bộ số tiền hoàn thành các đơn hàng cùng với tiền thuế đã nộp. Khi tổng số tiền mà chị C nộp vào lên tới 847 triệu đồng thì chị mới biết mình bị lừa.

 

Thận trọng trước cơ hội nhận được lợi nhuận lớn

Đứng trước các thủ đoạn tinh vi của nhóm đối tượng lừa đảo, phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP. Hà Nội khuyến cáo, người bán hàng online, đặc biệt là các cá nhân kinh doanh chưa từng giao dịch với “các đối tác” cần thận trọng, xác minh kỹ thông tin khi tham gia mô hình kinh doanh dropshiping và thực hiện giao dịch chuyển tiền.

“Người dân nói chung và người kinh doanh nói riêng cần cảnh giác với những lời mời đầu tư, cơ hội việc làm với lợi nhuận cao bất thường thông qua các ứng dụng kinh doanh trực tuyến. Không truy cập, đăng nhập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc. Tuyệt đối không chuyển tiền cho bất cứ ai khi không có thông tin rõ ràng, cụ thể của tài khoản nhận tiền”,  phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP. Hà Nội nhấn mạnh.

Cũng theo Công an TP.Hà Nội, trên thực tế, rất khó để truy tìm những kẻ đứng đằng sau chiếm đoạt các khoản tiền này bởi hình thức phạm tội rất tinh vi.

 

Trao đổi thêm với PV ĐS&PL, luật sư Phạm Hồng Kiên – Giám đốc Công ty Luật Cán Cân Việt cho biết, lừa đảo qua dropshipping là một hiện tượng rất phổ biến và tinh vi ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Để tham gia kinh doanh qua mô hình dropshipping, luật sư Kiên lưu ý, người dùng nên tìm review về trang đó trên các nền tảng mạng xã hội, tránh những trang web có gắn scam (lừa đảo), kiểm tra tên miền và xem kênh đó đăng ký chính chủ hay không.

“Trước khi tham gia kinh doanh, người dân cần phải chú ý những điểm quan trọng như: Doanh nghiệp phải được cấp phép hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, có trụ sở chính và quy mô tương đối. Cùng với đó, phải có quy trình làm việc rõ ràng, nhất là về sản phẩm (tất cả các sản phẩm đều phải chính hãng, có giấy tờ công khai rõ ràng minh bạch). Cùng với đó, phải có cộng đồng đủ lớn để tham khảo cũng như lấy feedback. Đồng thời có một cơ chế chính sách trả hoa hồng rõ ràng. Nên nhớ 2 nguyên tắc, 1 là không “chơi” với những trang không uy tín, 2 là không bao giờ nạp tiền, chỉ có rút tiền ra thôi”, luật sư Kiên phân tích.

Cuối cùng, khi phát hiện lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời xác minh, xử lý.

Tin nổi bật