(ĐSPL) – Cứ tới thứ 7, chủ nhật hàng tuần, toàn bộ ba gian nhà cấp 4 cũ của ông Nho, bà Oanh lại khúc khích tiếng cười học sinh của lớp học đặc biệt của cô giáo "tí hon"
Bảy năm qua, cô giáo Đạm vẫn đều đặn dạy học miễn phí cho học sinh tiểu học nghèo ở làng Ngọc Bật xã Cao Phong (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) với mong muốn truyền nghị lực học tập cho các em học sinh nghèo vượt khó.
Đạm là tên ở nhà của cô giáo Kiều Thị Ánh Tuyết (SN 1980, cao 1,1m) ở thôn Ngọc Bật, xã Cao Phong (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc).
Cô Đạm đang hướng dẫn em Khổng Văn Kiên lớp 4 làm bài tập toán. |
Tới giờ vào lớp của cô Đạm, tất cả các học sinh tự giác lấy bàn học ngồi ngay ngắn đúng vị trí của mình để bắt đầu buổi học. Trong ba gian nhà, các em xếp gọn gàng vị trí ngồi theo ba hàng ngang. Hàng trên cùng chỉ có hai bạn ngồi đúng vị trí cửa ra vào, còn lại ngay ngắn theo hàng lối.
Hai em học sinh lớp 5 ngồi cạnh nhau tự giác học bài. |
Mỗi một em mang bài tập riêng của mình ra trước bàn để kiểm tra bài cũ. Lớp có nhiều lứa tuổi nên bài tập được giao cho từng người theo sách bài tập và sách giáo khoa. Nếu có bài chưa hiểu, không làm được, cô giáo Đạm kiểm tra, hướng dẫn lại.
Sau khi kiểm tra bài cũ xong xuôi, cả lớp học bài mới. Mỗi một ca học khoảng 120-150 phút vào buổi sáng vào chiều thứ 7, chủ nhật hàng tuần nhưng cũng đủ để cô giáo cao 1,1m giảng và hướng dẫn làm bài tập cho tất cả các học sinh các lớp. Còn ba tháng hè, ngày nào cũng mở lớp cho các cháu tới bồi dưỡng thêm.
Em Kiều Đức Dương học sinh lớp 1 nên được hướng dẫn kỹ hơn. |
Lớp học được cô Đạm ưu tiên dạy môn toán nhiều hơn vì ở quê các em không có điều kiện học mà nhất là các bài toán nâng cao không có trong sách giáo khoa. Còn môn Tiếng Việt có thể hướng dẫn các em mang về nhà rèn luyện tập viết, tập đọc.
Lớp chủ yếu là các em có gia cảnh nghèo, không có tiền đi học thêm ở ngoài. |
Suốt buổi học, cô Đạm đi quanh lớp xem từng em học sinh xem có làm được bài tập đầy đủ không, có em nào chưa làm được hay có vấn đề gì thắc mắc thì ngồi lại giảng tới khi nào học sinh hiểu thì thôi. Thỉnh thoảng đang giảng bài cho học sinh lớp 2, có em học lớp 5 cần được hướng dẫn, cô giáo lại nhanh nhảu hướng dẫn từng em một.
Bảy năm qua, mỗi khóa đều có vài em được vinh dự đi thi đội tuyển cấp huyện, cấp tỉnh và có nhiều em đoạt giải cao. Năm nay, dù tháng 4 mới bắt đầu cuộc thi tuyển cấp trường nhưng cô Đạm cũng đã lựa chọn bồi dưỡng sớm cho vài học sinh của mình.
Năm 2012, cô Đạm vinh dự được tham dự chương trình "Những tấm gương bình dị mà cao quý" ở Hà Nội. |
Hiện nay, lớp học đã được trang bị đầy đủ với 20 bộ bàn ghế nhỏ do các bậc phụ huynh đóng góp. Lớp học có 20 em thì một nửa là học sinh giỏi: em Kiều Mạnh Hoàng (học sinh lớp 5 Trường tiểu học Cao Phong A) thi học sinh giỏi cấp tỉnh đoạt giải ba, em Khổng Thị Phương Ly (lớp 4) đoạt giải nhất huyện Sông Lô, em Khổng Thị Thành (lớp 4) đoạt giải nhì huyện sông Lô..., các em còn lại đều là học sinh tiên tiến của trường.
Mỗi năm trong lớp đặc biệt này đều có 4-5 em được chọn đi thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh và nhiều em đạt giải cao. |
“Vì ngoại hình thấp bé nên sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật không xin được việc, ở nhà không có nghề nghiệp, cô Đạm bắt đầu kèm các cháu trong gia đình học. Thấy các cháu có tiến bộ, các gia đình hàng xóm gửi con sang bảo chị kèm giúp, cứ thế lớp đông dần lên” - bà Nho, mẹ cô giáo Đạm chia sẻ.
Không chỉ dạy các kiến thức trong sách giáo khoa, cô giáo "tí hon" còn đi xin thêm sách nâng cao, tìm kiếm tài liệu trên mạng cho học sinh.
Kinh tế gia đình khó khăn, mọi chi tiêu của cả nhà chỉ trông vào mấy đồng lương còm cõi của ông bà Nho nhưng cô Đạm không nhận tiền bồi dưỡng của bất kỳ học sinh nào. Bởi với cô “dạy học là niềm vui lớn”. Ngoài thời gian dạy học, cô Đạm còn thêu tranh lúc rảnh rỗi.
Huyền Nguyễn