Vào lúc 19h tối ngày 22/9, Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây - tỉnh Long An và Công an địa phương đã tổ chức tiếp nhận 34 công dân Việt Nam lao động trái phép tại Campuchia về Việt Nam, VTV News đưa tin.
Toàn bộ số công dân này được Đồn Công an biên giới Sôm Rông, ty Công an tỉnh Svay Riêng, Campuchia bàn giao cho phía Việt Nam. Tất cả đều không có hộ chiếu và đều là các lao động Việt Nam đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh trá hình, bị lực lượng chức năng Campuchia truy quét phát hiện được.
34 người này gồm 28 nam và 6 nữ, trong đó chỉ có 28 người có giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, số còn lại không có.
Hiện tại, những người này đã được đưa về khu vực nhà chờ thuộc trạm biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây để làm rõ thêm thông tin.
Đồn biên phòng tiếp nhận công dân Việt lao động trái phép ở Campuchia. Ảnh: Đồn biên phòng Mỹ Quý Tây.
Nạn người Việt lao động bất hợp pháp tại casino Campuchia trốn về nước dấy lên thời gian gần đây. Hơn tháng trước, 42 người Việt làm ở sòng bài Campuchia bị giam giữ đã liều mạng nhảy xuống sông thuộc địa phận An Giang bơi về nước, sau đó một người bị nước cuốn tử vong,
Mới đây, các tỉnh An Giang, Tây Ninh tiếp nhận hơn 100 lao động từ các sòng bạc cố tìm cách trốn về nước. Lãnh sự quán Việt Nam tại Campuchia cho hay, đầu năm 2022 đến nay đã đưa hơn 600 trường hợp ra khỏi những cơ sở lao động trái phép trở về nước. Từ năm 2021 đến nay, hơn 800 công dân được giải cứu tại địa bàn tỉnh Preah Sihanouk.
Tại buổi họp báo thường kỳ bộ Ngoại giao chiều 22/9, Người phát ngôn bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định bộ và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia rất quan tâm và chú trọng công tác bảo hộ công dân trước tình trạng nhiều công dân Việt Nam bị lừa đảo, môi giới lao động bất hợp pháp sang Campuchia.
Thời gian qua, bộ Ngoại giao đã chỉ đạo sát sao, đồng thời các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia cũng tích cực, chủ động làm việc với cơ quan chức năng nước bạn để rà soát, mở rộng hơn nữa việc điều tra, xác minh và giải cứu công dân Việt Nam bị lừa đảo, môi giới sang Campuchia lao động bất hợp pháp.
Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã chủ động phối hợp rất hiệu quả với các cơ quan trong nước như bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, cục Xuất nhập cảnh bộ Công an và các địa phương có liên quan như Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh và Long An, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác minh và tiếp nhận công dân Việt Nam sau khi được giải cứu về nước.
Người phát ngôn bộ Ngoại giao cho biết, tính đến ngày 21/9, phía Việt Nam đã phối hợp cùng phía Campuchia giải cứu hơn 1.000 công dân, hỗ trợ làm thủ tục cho hàng nghìn công dân khác.
Bích Thảo (T/h)