Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

"Lối đi" cho các doanh nghiệp vận chuyển vượt qua dịch COVID-19

  • Thủy Tiên
(DS&PL) -

Nửa đầu năm 2021 tiếp tục là thời gian khó khăn của ngành vận tải khi sản lượng vận chuyển đều giảm sâu, các ngành hàng không, đường bộ, đường sắt… phải dừng hoặc hoạt động cầm chừng, gây ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp vận chuyển đứng trước nguy cơ phá sản

Theo thống kê từ cục Hàng không Việt Nam, 2 đợt dịch bùng phát mạnh vào đúng thời điểm bắt đầu giai đoạn cao điểm nội địa là Tết Nguyên đán và nghỉ hè từ ngày 30/4-1/5, hoạt động vận chuyển hành khách nội địa bằng đường hàng không sụt giảm nghiêm trọng.

Cụ thể, sản lượng vận chuyển hàng không hàng ngày trong 6 tháng đầu năm chỉ bằng 20 - 30% so với giai đoạn tháng 3-4/2021. Tính chung, sản lượng thông qua các cảng hàng không của Việt Nam trong nửa đầu năm chỉ đạt 26,8 triệu lượt hành khách, giảm 19,4% so cùng kỳ năm 2020.

Nhiều dianh nghiệp vận tải gặp khó khăn, đứng trước nguy cơ phá sản trong dịch COVID-19. Ảnh minh họa

Trong khi đó, lĩnh vực đường bộ cũng ảnh hưởng không kém từ diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, khi nhiều điạ phương phải áp dụng giãn cách xã hội dẫn đến đứt gãy các tuyến vận tải.

Thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn khi thường xuyên bị gián đoạn, có thời điểm bị dừng hoạt động.

Thậm chí nếu được phép hoạt động thì cũng chỉ được chở lượng khách bằng 50% sức chứa của phương tiện để thực hiện phòng chống dịch.

Số liệu thống kê từ bộ Giao thông Vận tải thể hiện, sản lượng, doanh thu vận tải hành khách 6 tháng đầu năm 2021 chỉ bằng từ 20-30% so với thời điểm trước dịch; sản lượng, doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt khoảng 70 - 80%.

Tỷ lệ phương tiện hoạt động bình quân trên toàn quốc trong tháng 5/2021 chỉ đạt hơn 50% so với trước dịch.

Đáng chú ý, bộ Giao thông Vận tải còn chỉ ra rằng, hiện có khoảng 90% doanh nghiệp kinh doanh vận tải vay vốn ngân hàng để đầu tư phương tiện và tổ chức hoạt động vận tải. Nhiều doanh nghiệp vận chuyển đứng trước nguy cơ phá sản nếu dịch COVID-19 kéo dài.

Đối với ngành đường sắt, nhiều chuyên gia giao thông khẳng định, đường sắt đang lao dốc không phanh.

Thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), cho biết riêng năm 2020, VNR đã thua lỗ 1.324 tỷ đồng, năm 2021, dự kiến lỗ 940 tỷ đồng nữa. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu vận tải chỉ bằng 53% so với năm 2019.

"Lối đi" nào cho các doanh nghiệp vận chuyển?

Đối với vận tải hàng không, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chống chọi qua "cơn bão đại dịch" COVID-19, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) đã có kiến nghị bộ Kế hoạch và Đầu tư các chính sách và giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Cụ thể, theo ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm, Tổng thư ký VABA, do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam đã phải gánh khoản lỗ trên 18.000 tỷ đồng từ hoạt động vận tải hàng không và doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019.

Hiện nay, thị trường bay quốc tế vẫn đóng băng, hoạt động bay của các hãng chủ yếu chỉ là vận chuyển khách hồi hương, chuyên gia và hàng hóa. Dự báo, doanh thu các hãng hàng không từ nay đến cuối năm vẫn tiếp tục giảm.

VABA cũng đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ (quy định giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa) để các doanh nghiệp hàng không cũng được hỗ trợ lãi suất thuộc nhóm đối tượng này; cho phép các doanh nghiệp hàng không tái cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết ngày 31/12/2021...

Ngoài ra, Hiệp hội Vận tải hàng không Việt Nam cũng đề xuất mở rộng và thực hiện chương trình hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không, cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động 2 lần cho các hãng hàng không, căn cứ vào quy mô, thị phần, vai trò, đóp góp cụ thể của từng hãng để hỗ trợ hãng thanh khoản.

Về lĩnh vực đường bộ, Chính phủ, bộ Giao thông Vận tải đã có những chính sách hỗ trợ như giảm và kéo dài thời gian ưu đãi thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm phí, lệ phí và các chi phí dịch vụ cảng hàng không… để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi.

Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình đã có đề xuất tới bộ Giao thông Vận tải cùng các cơ quan trung ương như miễn, giảm phí bảo trì đường bộ, các chi phí logistic đường bộ, đường thủy nội địa đối với các phương tiện của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải; miễn giảm cước viễn thông của thiết bị giám sát hành trình gắn trên các phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải; có chính sách cụ thể hỗ trợ cho người lao động tại các doanh nghiệp vận tải hiện đang không có việc làm…

Mới đây, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có văn bản 5187/VPCP-CN ngày 29/7/2021:

Theo đó, sẽ không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch đối với phương tiện có giấy nhận diện có QR Code còn thời hạn do ngành Giao thông vận tải cấp vận chuyển hàng hoá phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng (trừ các hàng hóa cấm sản xuất, kinh doanh theo quy định) trên tất cả các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước.

Trường hợp phương tiện không có giấy nhận diện có QR Code, hoặc có nhưng hết thời hạn, thì thực hiện kiểm tra việc khai báo y tế và giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm với SARS-COV-2 đối với người trên phương tiện.

Việc kiểm tra đối với phương tiện vận chuyển hàng hoá khi ra/vào các địa điểm tập kết, trung chuyển, giao nhận hàng hoá (cảng, bến, nhà ga, kho, bãi, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất...) đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch, không gây ùn tắc giao thông.

Phó Thủ tướng yêu cầu người trên phương tiện chở hàng hoá lưu thông phải thực hiện nghiêm quy định 5K và có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 trong thời hạn 72 giờ kể từ thời điểm có kết quả xét nghiệm.

Tại các vùng có dịch, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động có giải pháp phân luồng, tổ chức giao thông phù hợp hạn chế thấp nhất phương tiện vào trung tâm đô thị để phòng, chống dịch bệnh nhưng phải bảo đảm hoạt động vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hoá thông suốt qua địa bàn.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dung trên từ 0h ngày 30/7/2021; chủ động xử lý những vấn đề phát sinh, nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Bên cạnh đó, hiện tại ngành Hàng không còn nhiều rào cản về Luật để có thể nhanh chóng khôi phục, phát triển. Ví dụ, theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 ngày 14/11/2008 thì “tàu bay, du thuyền” thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; đồng thời, tại khoản 3 Điều 3 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt quy định “Tàu bay, du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, khách du lịch” thuộc đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Thực tế có phát sinh trường hợp doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không nhập khẩu máy bay để phục vụ đào tạo phi công; loại máy bay huấn luyện này không sử dụng cho mục đích dân dụng, không phải hàng hóa, dịch vụ xa xỉ nhưng đang phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chính vì vậy, Bộ Tài chính cần nghiên cứu để sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cho phù hợp nhằm giúp các doanh nghiệp tránh bị lúng túng vì chồng chéo quy định, cản trở tốc độ phục hồi của ngành hàng không trong thời gian sắp tới.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

PV

Tin nổi bật