Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Trung thu, nhưng dịch COVID-19 diễn biến phức tại tại nhiều địa phương, các góc phố, vỉa hè vắng bóng những cửa hàng, kiot bánh trung thu rực rỡ sắc màu như các năm trước.
Thị trường bánh trung thu năm nay cũng gặp nhiều thử thách khi sức mua giảm, phân phối khó khăn. Trong khi đó, chi phí sản xuất được đẩy lên cao khiến nhiều doanh nghiệp và xưởng bánh quyết định thu hẹp sản lượng, thậm chí dừng sản xuất bánh Trung thu trong năm nay.
Ảnh minh họa
Tập đoàn Kido gác kế hoạch mùa trăng rằm
Trong số 5 công ty bánh kẹo niêm yết trên sàn chứng khoán có kinh doanh bánh trung thu, Kido là doanh nghiệp duy nhất quyết định gác lại kế hoạch mùa trăng rằm.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện Tập đoàn Kido cho biết sẽ không sản xuất bánh trung thu do tác động của dịch COVID-19, loạt cửa hàng đóng cửa, sức mua yếu.
Trước đó, năm 2020, CTCP Tập đoàn Kido (MCK: KDC) tái khởi động vụ trung thu đầu tiên với thương hiệu Kingdom sau 5 năm vắng bóng, thì năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh, đã tạm ngưng sản xuất dòng bánh này.
Trong mùa trung thu đầu tiên trở lại thị trường, quý III/2020, doanh thu của KDC đạt 2.315 tỷ đồng, lãi ròng hơn 120 tỷ đồng, lần lượt tăng 24,8 % và 200% so với cùng kỳ năm trước. Mảng bánh trung thu tạo thêm nguồn thu cho KDC, bên cạnh đóng góp chính của mảng dầu ăn.
Nửa đầu năm 2021, Kido ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.898 tỷ đồng, tăng 34% so với kết quả cùng kỳ năm trước. Trong đó, mảng dầu ăn đóng góp tới 83% tổng doanh thu của KDC.
Nhiều "ông lớn" đẩy mạnh kinh doanh trên sàn thương mại điện tử
Ngoài Kido gác lại kế hoạch mùa rằm tháng 8, nhiều thương hiệu bánh trung thu "vang bóng một thời" đã tìm nhiều cách kinh doanh thích nghi với hoàn cảnh mới.
Các doanh nghiệp như CTCP Bibica (BBC), CTCP Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc (BNA), CTCP Thực phẩm Hữu Nghị (HNF), CTCP Bánh kẹo Hải Hà (HHC) đều đã tung ra thị trường sản phẩm cho mùa bánh 2021.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng vì dịch bệnh, giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp đưa bánh trung thu lên các trang giao dịch thương mại điện tử, cũng như nền tảng mạng xã hội, điều ít thấy trước đây.
Về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp nói trên, Bảo Ngọc có sự tăng trưởng đáng kể khi lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, ghi nhận doanh thu thuần đạt 526,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 30,9 tỷ đồng, đều tăng gấp 4,3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến ngày 30/6/2021, tổng tài sản của BNA đạt 545,6 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 180 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 73% và 13,3% so với đầu năm.
Mới đây, ngày 25/8, BNA thông qua hồ sơ chào bán cổ phiếu ra công chúng, để huy động vốn cho việc thuê đất, xây dựng nhà máy ở Đà Nẵng, mua máy móc và bổ sung vốn lưu động cho các hợp đồng mua nguyên vật liệu.
Trong khi đó, Hải Hà lại có kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2021 không thực sự lạc quan. Theo báo cáo tài chính đã soát xét của Bánh kẹo Hải Hà, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ nửa đầu năm 2021 đạt 327 tỷ đồng.
Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ vỏn vẹn 200 triệu đồng. Trước đó, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2020 của công ty cũng ở tình trạng tương tự với kết quả 188 triệu đồng.
Bạch Hiền (t/h)