Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản hướng dẫn Phòng Công chứng số 1 và 8 văn phòng công chứng khác tạm dừng giao dịch, mua bán, chuyển nhượng nhà, đất của 4 doanh nghiệp: Công ty CP Rạng Đông, Công ty TNHH Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, Công ty CP Tân Việt Phát, và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trường Phúc Hải liên quan đến 3 dự án bất động sản theo yêu cầu của bộ Công an.
Phối cảnh dự án Hamubay Phan Thiết.
Các dự án bất động sản được nhắc đến gồm: dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết; dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2; và dự án lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long (tên thương mại là Hamubay).
Cũng theo sở Tư pháp Bình Thuận, các hồ sơ giao dịch nhà, đất tại 3 dự án trên mà đứng tên chủ sở hữu trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân thì vẫn được thực hiện giao dịch theo quy định.
Sở này đề nghị các tổ chức hành nghề công chứng phải tra cứu hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng - chứng thực, xem xét kỷ nội dung cập nhật trên hệ thống, chú ý đến đối tượng bị tạm dừng giao dịch tài sản để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến 3 dự án nêu trên.
Như đã đưa tin trước đó, cuối tháng 7/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an có văn bản đề nghị UBND TP.Phan Thiết cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc thực hiện 9 dự án trên địa bàn.
9 dự án nói trên gồm: Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết; Khu du lịch dã ngoại, phường Mũi Né; Khu du lịch Xuân Quỳnh, phường Mũi Né; Dự án Sea Links Mũi Né; Dự án lấn biển phường Đức Long; Dự án đất ở thương mại 92.600,9m2 đất gồm các lô đất sô 18, 19, 20 phường Phú Hài; Dự án Khu liên hợp hồ điều hòa, chỉnh trang đô thị và dịch vụ thương mại Hưng Long, phường Hưng Long; Dự án Trường mầm non Lê Quý Đôn, phường Phú Thủy; Dự án xây kè chống xâm thực biển, phường Đức Long.
Trong số 9 dự án mà bộ Công an nhắc đến, nhiều dự án tọa lạc tại các vị trí "đất vàng" của TP.Phan Thiết, có vốn đầu tư "khủng" nhưng đang vướng không ít "lùm xùm".
Điển hình như Dự án lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long (tên giao dịch là Hamubay Phan Thiết).
Dự án Hamubay có diện tích gần 130 ha, được giao cho chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trường Phúc Hải không thông qua đấu giá. Dự án có quy mô dân số khoảng 19.295 người được UBND tỉnh Bình Thuận quyết định chủ trương đầu tư tại Quyết định 1017/QĐ-UBND ngày 17/4/2017.
Theo quyết định chủ trương ban đầu, dự án chỉ có khoảng 30,53% cơ cấu đất dành cho công trình nhà ở. Tổng vốn đầu tư là 950 tỷ đồng. Tới nửa đầu năm 2019, qua điều chỉnh chủ trương, phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch tiết 1/500, chỉ tiêu sử dụng đất ở của dự án này đã leo lên khoảng 41,9%.
Tại kết luận thanh tra số 867/KL-SXD ngày 31/3/2020, sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận chỉ rõ, tại thời điểm thanh tra (quý IV/2019), chủ đầu tư đang xây dựng kỹ thuật dự án 14/27 ha và tuyến kè bảo vệ bờ biển.
Chủ đầu tư chưa hoàn chỉnh việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, chưa lập hồ sơ đề xuất chấp thuận đầu tư.
Theo tìm hiểu, dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (phường Phú Thủy, TP.Phan Thiết), Khu du lịch Xuân Quỳnh (phường Mũi Né) do Tập đoàn Rạng Đông làm chủ đầu tư.
Đối với Dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, trước đó, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận Đinh Trung cũng đã có đơn gửi cơ quan CSĐT bộ Công an và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đề nghị làm rõ những bất thường trong việc lãnh đạo tỉnh Bình Thuận chấp thuận cho Rạng Đông chuyển đổi mục đích sử dụng đất sân golf Phan Thiết làm khu đô thị có dấu hiệu trái pháp luật, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Còn dự án đất ở thương mại 92.600 m2 gồm các lô 18, 19, 20 phường Phú Hài chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tân Việt Phát.
Bạch Hiền (t/h)