Theo Người đưa tin, một nhóm các nhà nghiên cứu đã phát hiện ếch ma (tên khoa học là Alsodes vittatus) sau hơn 1 thế kỷ mất tích. Ếch ma được mô tả lần đầu tiên vào năm 1902 bởi nhà tự nhiên học người Đức Rodulfo Amando Philippi, dựa trên các mẫu vật do nhà côn trùng học người Pháp Philibert Germain thu thập vào năm 1893.
Tuy nhiên, kể từ đó, không có thêm bất kỳ ghi nhận nào về loài này, dù đã có nhiều cuộc thám hiểm được tổ chức với mục tiêu xác nhận sự tồn tại của chúng.
Từ năm 1995 đến 2002, các nhóm nghiên cứu tiếp tục mở rộng khảo sát sang khu vực Pemehue, một điểm du lịch hút khách tại Chile, nhưng không thu được kết quả.
Loài vật quý hiếm bậc nhất thế giới bất ngờ "tái xuất" sau hơn 120 năm mất tích. Ảnh: Edvin Riveros.
Đến năm 2015 - 2016, hai nhà khoa học Claudio Correa và Juan Pablo Donoso phát hiện 2 quần thể thuộc chi Alsodes và nghi ngờ chúng là ếch ma. Tuy nhiên, những cá thể này không sở hữu sọc trắng hoặc vàng đặc trưng, làm dấy lên nghi ngờ rằng chúng có thể thuộc một loài khác.
Nhằm làm sáng tỏ bí ẩn này, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Claudio đã sử dụng các ấn phẩm, tài liệu lịch sử để tái tạo hành trình tìm thấy loài ếch ma của Philibert Germain. Họ cho rằng, thay vì hướng tây bắc như trước đây, con đường mà Germain đi qua có thể nằm ở hướng đông nam của khu vực Hacienda San Ignacio de Pemehue.
Vào năm 2023 - 2024, Claudio Correa và Edvin Riveros Riffo đã tổ chức một cuộc thám hiểm theo lộ trình mới được tái dựng. Tại lưu vực sông Lolco và Portales, họ bất ngờ tìm thấy 2 quần thể A. vittatus, xác nhận sự tồn tại của loài sau hơn 120 năm mà không có bất kỳ ghi chép nào.
Theo báo Dân trí, việc tái phát hiện loài ếch ma A. vittatus không chỉ là một cột mốc quan trọng trong ngành bò sát học, mà còn đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo tồn động vật lưỡng cư.
Việc tái phát hiện loài ếch ma A. vittatus không chỉ là một cột mốc quan trọng trong ngành bò sát học. Ảnh: Edvin Riveros.
Được biết, hầu hết các loài thuộc chi Alsodes đều đang bị đe dọa hoặc chưa có đủ thông tin để đánh giá tình trạng bảo tồn. Theo đó, phát hiện mới giúp làm sáng tỏ sự phân bố sinh thái, cũng như cảnh báo về các mối đe dọa đối với loài này.
Cụ thể, môi trường sống tự nhiên của chúng đang chịu tác động nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, nạn phá rừng và sự mở rộng của các hoạt động nông nghiệp. Nếu không có biện pháp bảo vệ kịp thời, loài ếch ma này có thể nhanh chóng rơi vào nguy cơ tuyệt chủng.
Phát hiện này cũng nhấn mạnh sự cấp thiết của việc nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học ở Nam Mỹ. Những loài động vật từng bị cho là đã biến mất có thể vẫn còn tồn tại ở những khu vực chưa được khám phá, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ các nhà khoa học và tổ chức bảo tồn trên thế giới.