Sáng 20/6, báo Pháp luật TP.HCM dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cho biết, bệnh viện vừa cứu sống cô gái 15 tuổi, người dân tộc thiểu số, ngụ Lào Cai, bị rắn cạp nia cắn trong khi đang ngủ.
Tại khoa cấp cứu, bệnh nhân được chỉ định thở máy, sau đó chuyển sang khoa Hồi sức tích cực - chống độc điều trị.
Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp bị rắn cắn nặng, bệnh nhân nguy kịch, liệt thở hoàn toàn, liệt tứ chi, cơ lực 0/5, mất hết các phản xạ, viêm phổi, xẹp phổi trái.
Bệnh nhân được chỉ định lọc máu hấp phụ bằng quả lọc MG350 để loại trừ độc chất. Sau 3 quả lọc, tình trạng liệt cơ của bệnh nhân có dấu hiệu cải thiện.
Sau 1 tháng điều trị, tình trạng bệnh nhân cải thiện dần, cai được máy thở.
Hiện sức khoẻ của bệnh nhân đã ổn định, hôm nay được xuất viện.
Cô gái nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau khi bị rắn cạp nia cắn. Ảnh: PLO
Báo VietNamnet dẫn lời bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hiếu, Phó Trưởng Khoa hồi sức tích cực - Chống độc cho biết, những trường hợp bị rắn cạp nia cắn nếu được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể hồi phục hoàn toàn, không để lại di chứng. Ngược lại, người bệnh có thể tử vong nhanh do tình trạng liệt cơ hô hấp hoặc để lại di chứng liệt và hôn mê vĩnh viễn do thiếu oxy não kéo dài.
Khoảng 6 tháng đầu năm nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang tiếp nhận và điều trị khoảng 30 ca bệnh do rắn cắn, chủ yếu là rắn hổ mang. Các loại rắn này cắn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Liên quan đến sự nguy hiểm của rắn cạp nia, báo VnExpress cho hay, rắn cạp nia có độc tính mạnh, nọc độc của chúng không chỉ gây nhiễm độc thần kinh với biểu hiện suy hô hấp, liệt cơ, mà còn có thể gây rối loạn nhịp tim, diễn tiến nặng sẽ ngưng tim, phải đặt máy tạo nhịp. Ngoài ra, rắn này cắn còn dễ gây nhiễm trùng, nhiễm độc, phải lọc máu.
Dấu hiệu nhiễm độc là đau, sưng nề tại vết cắn, hoại tử đen (da bị chết do nọc độc), nhiễm trùng (sưng đỏ, sốt, có mủ). Nhiều trường hợp đau nhức toàn thân, nói khó, mờ mắt, yếu chân tay, khó thở, liệt toàn thân, thậm chí tử vong.
Rắn cạp nia có nọc cực độc. Ảnh minh họa
Các chuyên gia cho biết khi bị rắn cắn, người bệnh cần bình tĩnh, hạn chế di chuyển, bất động chân, tay (nơi có vết thương). Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn vì có thể gây chèn ép gây sưng nề. Làm sạch vết thương bằng xà phòng hoặc nước muối sinh lý.
Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo đồng thời gọi nhân viên y tế đến. Khi vận chuyển nạn nhân, gia đình cần duy trì băng ép để đảm bảo an toàn. Điều trị rắn cắn hữu hiệu nhất là truyền huyết thanh kháng độc. Thời điểm sử dụng tốt nhất là 6h đầu. Nếu trễ sau 24-48 giờ, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả.
Các bác sĩ khuyến cáo trẻ nhỏ hiếu động, hiểu biết về thế giới xung quanh còn nhiều hạn chế, rất dễ gặp nguy hiểm khi chơi đùa, tiếp xúc với loài vật có độc. Do vậy, phụ huynh cần chú ý trang bị, cung cấp cho các em kiến thức, kỹ năng, đảm bảo an toàn và kịp thời phát hiện khi trẻ có hành động nguy hiểm.