Cà tím là thực phẩm lý tưởng cho những bệnh nhân mắc chứng "ba cao", hàm lượng đường trong cà tím đặc biệt thấp, trong khi đó hàm lượng chất xơ trong chúng rất cao. Ăn cà tím đều đặn không chỉ có thể giúp giảm huyết áp và ổn định lượng đường trong máu mà còn tăng cường độ đàn hồi của các mạch máu.
Ngoài ra, thành phần vitamin C và saponin trong cà tím có tác dụng hạ cholesterol trong mạch máu. Thành phần vitamin P có trong cà tím có thể ngăn chặn quá trình xơ cứng của mạch máu.
Nhờ tác dụng làm sạch máu và duy trì độ đàn hồi của mạch máu, cà tím góp phần làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Đây là nguyên nhân trực tiếp gây ra tắc mạch, nhồi máu, đột quỵ.
Một nghiên cứu trên American Journal of Clinical Nutrition cho thấy những người ăn thực phẩm giàu anthocyanin có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn 32%.
Đây cũng là thực phẩm phổ biến trong chế độ ăn của người Nhật. Người Nhật ăn cà tím thường xuyên, điển hình nhất là chế biến chúng thành món cà tím chiên thơm ngon, bắt mắt.
Cà tím là thực phẩm có tính hàn, nếu ăn nhiều có thể làm cho dạ dày cảm thấy khó chịu, gây ra tiêu chảy nặng. Vì vậy, những người đang gặp vấn đề ở dạ dày đặc biệt không nên ăn.
Do cà tím có tính hàn nên những người yếu mệt hay thể trạng kém cũng không nên ăn nhiều và thường xuyên.
Những người mắc bệnh thận cũng không nên ăn cà tím bởi cà tím chứa lượng oxalate cao, đây vốn là loại axit có trong thực vật mà nếu được ăn quá nhiều thì dễ gây sỏi thận.
Cà tím ít calo nên người cao tuổi và béo phì có thể ăn, tính hàn nên cũng thân thiện với những người bị rôm sảy, ung nhọt. Tuy nhiên, những người hen suyễn, bệnh dạ dày, lá lách không nên ăn.
1. Không ăn quá nhiều: Cà tím chứa solanine, chất có thể gây ngộ độc nếu ăn với lượng lớn. Mỗi người chỉ nên ăn khoảng 200–250g mỗi bữa.
2. Không ăn sống: Solanine sẽ được phân hủy phần lớn khi nấu chín, nên tuyệt đối không ăn cà tím sống.
3. Tránh ăn kèm với thực phẩm lạnh như cua, nghêu: Do cà tím có tính mát, ăn chung dễ gây lạnh bụng, rối loạn tiêu hóa.
4. Người bệnh thận, dạ dày yếu, hen suyễn nên hạn chế dùng.
(Theo Thanh niên Việt, Tiền Phong)