Chiêu thức bán “tiền ảo”
Ngày 14/10, Cơ quan CSĐT, Công an TP.Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhóm đối tượng gồm Hắc Ngọc Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Mario Capital; Nguyễn Đăng Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Mario Capital; Nguyễn Viết Khánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Mario Capital; Nguyễn Thị Thu Ngà, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Mario Capital; Đặng Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH BSCLand Việt Nam; Nguyễn Thị Tuyết Thanh, nhân viên Công ty CP Đầu tư Mario Capital; Nguyễn Minh Hải, Giám đốc phụ trách công nghệ Công ty TNHH BSCLand Việt Nam về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Khởi tố Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Mario Capital Hắc Ngọc Hoàng. (Ảnh: Kim Thạch)
Theo Trung tá Đào Mạnh Hà, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Đội 6), Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP.Hà Nội, vào đầu năm 2023, đơn vị tiếp nhận đơn tố giác của bà N.T.G (trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và bà N.T.V.H (trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng thông qua việc phát hành đồng tiền ảo BSCL của Công ty TNHH BSCLand Việt Nam. Ngay sau đó, chỉ huy phòng đã giao Đội 6 tiếp nhận và tổ chức điều tra, xác minh làm rõ.
Tích cực tổ chức điều tra, xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, Công an các tỉnh Bình Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hòa Bình và truy vết dòng tiền của bị hại luân chuyển trong các tổ chức tín dụng, Đội 6 đã làm rõ bản chất sự việc lừa đảo của nhóm đối tượng thuộc Công ty BSCLand Việt Nam do Hắc Ngọc Hoàng đứng đầu.
Cụ thể, quá trình điều tra xác định, cuối năm 2021, Hắc Ngọc Hoàng đã thành lập Công ty TNHH BSCLand Việt Nam (Công ty BSCLand) với mục đích là huy động vốn của khách hàng thông qua việc khách hàng mua đồng tiền ảo BSCL để chuyển đổi thành NFT dự án bất động sản.
Hoàng giao cho Nguyễn Thị Thu Ngà, phụ trách toàn bộ hoạt động kinh doanh; Nguyễn Minh Hải, phụ trách về công nghệ; Nguyễn Viết Khánh, phụ trách marketing và công nghệ; Đặng Văn Dũng là Tổng giám đốc kiêm Giám đốc kinh doanh; Nguyễn Đăng Quang, giám sát hoạt động của Công ty BSCLand; Nguyễn Thị Tuyết Thanh, phụ trách tài chính và một vài cá nhân khác phụ trách đào tạo, điều hành...
Để huy động vốn của khách hàng, Công ty BSCLand đã phát hành 4 đợt bán đồng tiền ảo BSCL và đưa ra các tài liệu (slide) để Các nhân viên kinh doanh đi tư vấn với khách hàng. Nội dung các slide giới thiệu về đồng tiền ảo BSCL và hàng loạt dự án bất động sản mà Công ty BSCLand dự kiến thực hiện chuyển đổi số thành các NFT để bán cho khách hàng. Tuy nhiên, trên thực tế từ trước đó có 1 dự án Công ty BSCLand đã bán NFT cho khách hàng; các dự án còn lại đều không có thật. Qua xác minh, cơ quan công an xác định có 8 bị hại đầu tư vào Công ty BSCLand với tổng số tiền bị thiệt hại gần 6,5 tỷ đồng.
Lợi dụng tính ẩn danh của “tiền ảo”
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV, luật sư Phạm Hồng Kiên – Giám đốc Công ty Luật Cán Cân Việt cho biết, qua thông tin từ báo chí, có thể thấy đối tượng sử dụng phương thức thủ đoạn mới để thực hiện hành vi phạm tội. Theo đó, các đối lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin và tính ẩn danh của tiền ảo hiện chưa được pháp luật Việt Nam công nhận để che dấu hành vi phạm tội.
“Các đối tượng lợi dụng việc phát hành đồng tiền ảo BSCL, sử dụng đội ngũ nhân viên và các kênh truyền thông để lôi kéo, kêu gọi nhiều người tham gia đầu tư với mục đích sử dụng đồng tiền ảo BSCL để mua bán bất động sản số dạng NFT. Nhưng sau đó sử dụng số tiền đầu tư của khách hàng vào mục đích khác nhằm chiếm đoạt tài sản”, luật sư Kiên nhận định.
Luật sư Phạm Hồng Kiên.
Luật sư Kiên phân tích, với hành vi trên, Điều 290 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định, người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ; Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ; Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;
Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản; Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, luật sư Kiên nhận định, trường hợp có căn cứ, nhóm đối tượng sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất 20 năm tù.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.