Theo thông cáo phát đi của Cơ quan hàng không vũ trụ Nga, sự cố tàu vũ trụ Soyuz gặp sự cố không liên quan đến lỗ thủng bí ẩn nào trên thân tàu mà dường như là hệ quả của việc thiết bị đẩy giai đoạn một, sau khi tách ra đã va chạm với tên lửa đẩy giai đoạn hai.
Tàu vũ trụ Soyuz MS-10, phóng vào lúc 11h40 ngày 11/10 (theo giờ Moscow) lên Trạm Không gian Quốc tế (ISS) từ sân bay vũ trụ Baykonur bất ngờ gặp sự cố khiến 2 phi hành gia Nick Hague của Mỹ và Alexey Ovchinin của Nga phải thoát hiểm khẩn cấp. Sự cố xảy ra sau khi tên lửa rời bệ phóng 120 giây.
Rất may cả hai phi hành gia đã hạ cánh an toàn tại khu vực cách thành phố Zhezkazgan khoảng 20-25km. Vị trí tiếp đất cách điểm phóng 400 km về phía đông bắc.
Ngay sau sự cố, giới chức Nga tuyên bố sẽ nhanh chóng điều tra toàn diện để xác định nguyên nhân sự cố.
Tàu Soyuz rời khỏi bệ phóng - Ảnh: RT. |
Theo thông cáo phát đi đầu tuần này của Cơ quan hàng không vũ trụ Nga (Roscosmos), sự cố không liên quan đến lỗ thủng bí ẩn nào trên thân tàu mà dường như là hệ quả của việc thiết bị đẩy giai đoạn một sau khi tách ra đã va chạm với tên lửa đẩy giai đoạn hai.
"Thiết bị đẩy tách ra chệch hướng tiêu chuẩn và dường như phần dưới của tên lửa đẩy giai đoạn 2 đã rời ra. Tên lửa ngừng hành trình bay thông thường và sau đó hệ thống tự động được kích hoạt. Sự cố này có thể do trục trặc của hệ thống phân tách. Chúng tôi sẽ phân tích chi tiết nguyên nhân hơn nữa", hãng tin TASS dẫn lời Giám đốc điều hành Roscosmos Sergei Krikalyov trong thông cáo phát đi về kết quả điều tra ban đầu.
Roscosmos tiếp tục điều tra làm sáng tỏ vụ việc và hy vọng sẽ đưa ra báo cáo chi tiết hơn sau ngày 20/10. Sau thời gian đó, Roscosmos cũng hy vọng nối lại các hoạt động phóng tàu vũ trụ.
Đại diện của Roscosmos khẳng định hiện tại các phi hành gia trên Trạm vũ trụ quốc tế vẫn đầy đủ nhu yếu phẩm, do vậy sự cố tuần trước không ảnh hưởng nhiều đến điều kiện sống ở ISS.
Trước đó, theo kênh truyền hình RT, phi hành gia người Nga Aleksey Ovchinin và phi hành gia người Mỹ Nick Hague được giao nhiệm vụ phối hợp cùng nhau vận hành tên lửa đẩy tàu vũ trụ của Nga Soyuz.
Phi hành gia Ovchinin, 47 tuổi, là Thiếu tá Lực lượng Không quân Nga. Ông từng có chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên năm 2016, khi đó ông đã có 172 ngày ở trên quỹ đạo như một phần dự án Thám hiểm 47/48 tại Trạm vũ trụ quốc tế ISS. Năm 2015, ông được chọn tham gia một bài kiểm tra nếm thức ăn trên không gian, ăn thử mẫu 160 loại thức ăn được chế biến cho các phi hành gia trên ISS.
Thiếu tá Ovchinin từng gia nhập trường huấn luyện phi công quân sự và trở thành một nhà du hành vũ trụ trong năm 2006, sau khi được đề xuất là ứng viên tiềm năng tại Trung tâm Huấn luyện Nhà du hành Yuri Gagarin của Nga. Ông đã kết hôn và có một con gái.
Về phần mình, phi hành gia người Mỹ Hague được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) trực tiếp tuyển chọn làm phi hành gia vào năm 2013 và hoàn thành khóa huấn luyện năm 2015. Phi hành gia người Mỹ này có vợ và hai con trai.
Cự Giải (T/h)