Giá BĐS vẫn xu hướng tăng
Chia sẻ về câu chuyện BĐS trong năm 2022, TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc cao cấp, Bộ phần đầu tư Savills Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản (BĐS) sẽ nằm trong câu chuyện lạm phát 2022. Giá BĐS hiện tại cũng đang có vấn đề lạm phát bởi thời gian vừa qua, đối với một số doanh nghiệp thực hiện phát triển BĐS, vấn đề về pháp lý là yếu tố tính vào chi phí đầu vào, đẩy giá BĐS tăng cao.
“Khi sức nén về nguồn cung trên thị trường càng ít đi vì biến tố chủ quan và khách quan trong đó liên quan đến pháp lý và chi phí tài chính sẽ đẩy giá trị BĐS gia tăng và điểm nổ khó mà biết được. Cùng với đó, nhu cầu tích lũy tài sản của người dân chủ yếu vào BĐS và chứng khoán. Nguồn tiền của người dân không đổ vào sản xuất kinh doanh mà gần như đổ vào chứng khoán và BĐS đó là sự thiệt hại cho nền kinh tế. Đây là rủi ro của nền kinh tế, rủi ro không tạo giá trị gia tăng sở hữu", TS Khương nhấn mạnh.
TS Sử Ngọc Khương nhận định, phân khúc BĐS nhà ở tiếp tục tăng giá.
Câu chuyện thứ ba mà TS Sử Ngọc Khương cho hay là giá BĐS nhà ở vẫn tiếp tục xu hướng gia tăng. Đây cũng là phân khúc tiếp tục dẫn dắt thị trường BĐS, trong khi các loại hình như BĐS thương mại, BĐS du lịch phục hồi chậm hơn. Trong đó, BĐS thương mại bị tác động bởi câu chuyện chuyển đổi số.
Theo TS Khương, đối với những đô thị lớn Hà Nội, Tp.HCM, nhu cầu nhà ở rất bức thiết. Nguồn cung dự án nhà ở sẽ tiếp tục hạn chế do dịch bệnh tác động đến tiến độ thực hiện dự án, chi phí đất tăng cao đẩy mặt bằng giá cũng gia tăng sẽ khó khăn cho người mua có nhu cầu ở thật, đặc biệt những sản phẩm có giá trị vừa phải.
Cơ hội đầu tư năm 2022
Nhận định về cơ hội đầu tư năm 2022, TS Khương cho biết: “Với nhà đầu tư cá nhân, nhu cầu cao nhưng do giá tăng cao nên sẽ khó khăn cho người mua nhà tầm trung. Ở phân khúc giá từ 2-3 tỷ đồng dự báo sẽ tăng giá mạnh”.
Đối với nhà đầu tư tổ chức, sẽ không còn làm dự án theo kiểu quỹ đất nhỏ lẻ, bởi Tp.HCM cũng đã hết quỹ đất. Họ sẽ có chiến lược tìm quỹ đất tại các thành phố vệ tinh như Long An, Bình Dương, Đồng Nai… với quy mô vài chục đến vài trăm ha để làm đô thị, đại đô thị. Đồng thời, ý tưởng về quy hoạch dự án, gắn liền với cơ sở hạ tầng giao thông cũng là những cơ hội cho nhà đầu tư tổ chức vào năm 2022.
Theo TS Khương, lướt sóng BĐS năm 2022 sẽ rất khó. Tuy vậy, giá BĐS sẽ có sự tăng đáng kể ở một số khu vực. Còn câu chuyện sốt đất đưa ra một thông tin quy hoạch rồi đẩy ra tăng lên không phản ánh cục diện thị trường BĐS.
"Theo tôi, câu chuyện BĐS năm 2022 sẽ tích cực nếu gắn liền với bài toán cơ sở hạ tầng giao thông. Việc đẩy mạnh đầu tư công càng sớm càng tốt không chỉ tác động đến thị trường BĐS mà tác động tích cực của cả nền kinh tế", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng nhận định giá BĐS năm 2022 vẫn xu hướng tăng, trung bình ở các phân khúc từ 5-8% do nguồn cung khan hiếm, nhu cầu cao. Trong đó, giá BĐS khu công nghiệp tăng nhanh, trung bình 10% (có địa phương tăng 3%, có địa phương tăng 18%).
Theo vị chuyên gia này, phân khúc BĐS nhà ở, logistics, công nghiệp vẫn khả quan trong năm 2022, trong khi BĐS cho thuê, nghỉ dưỡng còn phụ thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh.
“Nhà đầu tư vẫn đánh giá tương đối cao với kênh đầu tư BĐS. Trong thời gian tới, doanh nghiệp BĐS cần tận dụng câu chuyện quỹ đất, sản phẩm mới, chuyển đổi số, đa dạng hóa nguồn vốn, quản trị nguồn lao động, rủi ro… chuyên nghiệp hơn", TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Còn TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng việc tháo gỡ cơ chế đẩy nhanh giải ngân hạ tầng và việc sửa đổi, bổ sung luật liên quan đến BĐS sẽ hy vọng đem lại những tác động tích cực với thị trường BĐS.
Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư, vị chuyên gia này cho hay, có năm nhân tố mà nhà đầu tư cần xem xét: Một, muốn đầu tư vào đâu cần nhìn vào kết nối hạ tầng khu vực đó; hai là để ý tới khu vực đó có sự quan tâm của “đại bàng” - doanh nghiệp lớn, các thương hiệu nhà đầu tư chất lượng trong và ngoài nước hay không; ba là địa phương đó có quyết liệt giải bài toán quy hoạch đến việc các dự án có triển khai nhanh không; bốn là đánh giá tiềm năng phát triển của địa phương; năm là cần bắt nhịp với các xu hướng mới như vấn đề chuyển đổi số, đô thị xanh, thông minh...
Thu Nga
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Ba (208)