Mấy ngày qua, tại địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều đại lý xăng dầu từ chối bán xăng RON95 cho người tiêu dùng với những lý do khác nhau nhưng đều rất khó chấp nhận. Một số chuyên gia nghi ngờ rằng, đây là mánh lới kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối cung cấp xăng dầu nhằm dọn đường cho việc tăng giá bán lẻ trong nước.
Báo chí phản ánh, ngày 26/3, đại lý xăng dầu MIPECORP trên đường Nguyễn Phong Sắc đã thay thế các cột bơm xăng RON95 bằng xăng E5 RON92. Thay vì treo biển hết hàng, nhân viên cây xăng chỉ trả lời riêng khi khách hỏi đến. Còn tại cửa hàng xăng MIPEC ở Phạm Văn Đồng, nhân viên cho biết, mấy ngày vừa qua cửa hàng cũng hết xăng RON95 nhưng sau đó đã có hàng. Ngoài ra một số cửa hàng của công ty Xăng dầu HFC cũng phải tạm dừng kinh doanh xăng RON95.
Tại đại lý xăng dầu của MIPEC trên đường Giải Phóng, sau nhiều ngày ngừng bán xăng RON95 với lý do khó nhập hàng, thì ngày 27/3, cửa hàng này đã bán trở lại. Cũng nằm trong hệ thống phân phối của MIPEC, trạm xăng dầu học viện Quân y (Phùng Hưng- Hà Đông) lúc hơn 14h ngày 27/3 đóng cửa toàn bộ để nhập hàng.
Tại cây xăng Total trên đường Khâm Thiên vào 13h50 hôm 27/3, cột bơm xăng RON95 dán giấy thông báo: "Dừng bán do tay bơm hỏng". Nhiều khách hàng thắc mắc liệu đây có phải là lý do chính đáng hay đơn thuần chỉ do đơn vị không có xăng RON95 để bán.
Ông Nguyễn Văn Tiu, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty xăng dầu Tự Lực I cho biết, hệ thống cửa hàng của công ty vẫn đảm bảo nguồn cung xăng RON95, tuy nhiên doanh nghiệp càng bán càng lỗ, vì chiết khấu cho đại lý hiện chỉ ở mức 400 đồng/lít.
Trong một số ngày, cột bơm xăng RON 95 đều đã được thay thế bằng xăng E5 RON 92. |
Nhìn nhận về tình trạng này, TS. Đinh Sơn Hùng - nguyên Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng cần làm rõ động cơ của các doanh nghiệp đầu mối. Bộ Công Thương là cơ quan quản lý đã khẳng định đủ xăng dầu để cung cấp cho thị trường thì không có lý do gì các doanh nghiệp lại kêu thiếu.
Với những diễn biến đang diễn ra, ông Hùng nghi ngờ có khả năng các doanh nghiệp đầu mối đang tạo khan hiếm giả, cùng với việc giá xăng dầu thế giới có chiều hướng tăng nên muốn tạo cơn sốt giả dọn đường tăng giá bán lẻ trong nước.
Đây có thể là mánh lới kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối cung cấp xăng dầu khi tung ra các thông tin như vậy, các doanh nghiệp cũng đồng thời găm hàng, không bán ra, đợi đến khi được đồng ý tăng giá, doanh nghiệp xả hàng ăn chênh lệch, thu lợi lớn từ lượng xăng dầu tích trữ. Cũng theo ông Hùng, một nguyên nhân nữa cũng cần được tính tới đó là việc điều chỉnh về giá điện, đây cũng có thể là lý do các doanh nghiệp xăng dầu muốn vin vào đòi tăng giá theo.
Với những biểu hiện trên, ông Hùng khẳng định hoàn toàn có thể xem xét động cơ đầu cơ, tích trữ nhằm tăng giá của các doanh nghiệp.
"Động cơ tạo khan hiếm giả tạo, đầu cơ tích trữ trên thị trường để tăng giá là động thái rất nguy hiểm, bị nghiêm cấm trong mọi hoạt động kinh doanh, nhất là với những lĩnh vực mang tính độc quyền. Một khi, tình trạng này xảy ra sẽ gây ra những biến động rất lớn trên thị trường, gây thiệt hại nặng nề cho người dân và xã hội. Trong khi đó, lợi ích thu về chỉ làm lợi cho một nhóm người chứ không phải làm giàu cho ngân sách", ông Hùng nói.
Để tránh lặp lại những trường hợp tương tự, cũng giống như ngành điện, nước, TS. Đinh Sơn Hùng yêu cầu ngành Công Thương minh bạch hóa chi phí cho ngành xăng dầu.
Doanh nghiệp phải có trách nhiệm với xã hội Trao đổi với báo chí, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng vụ Thị trường trong nước (bộ Công Thương) cho hay, ngay sau phản ánh của báo chí về tình hình cây xăng thiếu hàng, Bộ vào cuộc và khắc phục. Bộ vừa ký công văn hỏa tốc gửi sở Công Thương tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý kiên quyết nếu phát hiện găm hàng, bán hàng trà trộn, kém chất lượng. Bộ Công Thương nắm đủ tổng nguồn cung và cầu, nên nếu trường hợp doanh nghiệp không đủ nguồn hàng, cần báo cáo ngay để có phương án điều hành, điều tiết từ đầu mối này sang đầu mối khác, không để xảy ra thiếu xăng dầu. Ông cũng cho rằng, vừa qua, có sự cố ngừng cấp điện ở Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, nên giao hàng chậm tiến độ mất khoảng 1 tuần. Bộ đã họp chỉ đạo ngay, yêu cầu sớm khắc phục sự cố và Nhà máy Bình Sơn vận hành tối đa công suất. Vừa rồi có tình trạng sản xuất dầu nhiều hơn vì lãi hơn, nên đã yêu cầu tăng sản xuất xăng. "Nguyên tắc điều hành giá xăng dầu dựa trên cơ sở kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Khi điều hành sẽ phải bám sát mục tiêu vĩ mô như CPI, nên có thời điểm điều hành phải xin ý kiến Chính phủ quyết định. Vừa rồi tăng giá điện sau hơn 2 năm không tăng nên bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng. Chính phủ phải chủ trì cuộc họp quyết định giữ giá xăng dầu, đảm bảo lợi ích phải hài hòa, tổng thể chính sách vĩ mô chung để không phá vỡ mục tiêu quản lý Nhà nước, không để CPI vượt quá 4%", ông Đông nói. Vị Vụ trưởng này cũng cho rằng, các doanh nghiệp Nhà nước cần phải có cái nhìn công bằng, có trách nhiệm xã hội, với đất nước. Doanh nghiệp cũng có nhiều cách hạch toán chi phí, việc lỗ quý này, lãi quý sau là bình thường. |
Bá Di
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 51