Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Liên tiếp xảy ra nhiều vụ chống người thi hành công vụ: Báo động tội phạm liều lĩnh, manh động và sự xuống cấp của đạo đức

(DS&PL) -

Tình trạng chống người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng, ngày càng nguy hiểm.

Tình trạng chống người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng, ngày càng nguy hiểm, trong khi các quy định về xử lý tội danh này dù nghiêm minh nhưng vẫn bị đánh giá là chưa đủ sức răn đe. Xung quanh vấn đề này, PV ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật.

ĐBQH Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội.

PV: Thời gian qua, nhiều vụ người thi hành công vụ bị tấn công, trong đó chủ yếu là lực lượng công an, nhiều cán bộ chiến sĩ công an đã bị thương nặng, thậm chí là hy sinh. Ông có nhận định gì về tình trạng tội phạm chống người thi hành công vụ thời gian vừa qua?

ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Qua một số vụ việc gần đây cho thấy, tình trạng chống người thi hành công vụ, nhất là chống lại lực lượng công an ngày càng gia tăng cả về số vụ và tính chất nghiêm trọng. Hành vi chống đối ngày càng manh động, liều lĩnh, báo động về sự xuống cấp về đạo đức, ý thức công dân và ý thức tuân thủ pháp luật.

Những hành vi đó không chỉ đơn thuần là vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực, mà nó còn thể hiện sự coi thường pháp luật, thậm chí là thách thức pháp luật. Trong nhiều trường hợp, một số đối tượng còn thể hiện sự cố ý xâm hại về tính mạng, sức khỏe người thi hành công vụ.

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân mấu chốt dẫn đến số vụ chống người thi hành công vụ ngày càng gia tăng và có tính chất manh động? Phải chăng do chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, thưa ông?

ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Hành vi chống người thi hành công vụ có nhiều nguyên nhân. Mới đây, tại phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng bộ Công an Lê Quý Vương nêu thực trạng, tội phạm gia tăng đột biến trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch covid-19 và triển khai Nghị định số 100 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, gây bức xúc trong xã hội. Đặc biệt, tội phạm chống người thi hành công vụ gia tăng đột biến 280%.Trong điều kiện dịch bệnh, người dân bị ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, áp lực ở nhiều mặt, tỉ lệ thất nghiệp cao dẫn đến gia tăng các loại tội phạm, trong đó có cả hành vi chống người thi hành công vụ (nhất là chống đối, tấn công CSGT).

Việc xử lý các hành vi chống người thi hành công vụ đã có quy định của pháp luật, tùy tính chất, mức độ mà xử lý hành chính hoặc truy cứu cách nhiệm hình sự. Thực tế, chống người thi hành công vụ là hiện tượng đơn lẻ chứ không phải hiện tượng xã hội lớn. Nếu trong quá trình điều tra, xác minh mà có căn cứ chứng minh rằng người vi phạm biết rõ hành vi chống lại người thi hành công vụ là nguy hiểm, có hậu quả nghiêm trọng nhưng người này cố ý thực hiện, bỏ mặc hậu quả của việc xâm hại tính mạng, sức khỏe đối với người thi hành công vụ thì có thể xem xét khởi tố về tội Cố ý gây thương tích hoặc tội Giết người, tùy theo căn cứ do cơ quan điều tra xác định. Chính vì vậy, chúng ta không thể võ đoán rằng việc xử lý chưa đủ sức răn đe được.

Thời gian qua, hành vi chống người thi hành công vụ diễn biến theo hướng manh động, coi thường pháp luật.

PV: Có ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do văn hóa ứng xử của lực lượng thi hành công vụ. Ông nghĩ sao về nhận định này?

ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Theo tôi, khi xem xét nguyên nhân, chúng ta phải nhận diện từ hai phía đó là cơ quan chức năng (cách thức tổ chức làm việc-PV) và người dân. Trong thực thi pháp luật phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, không gây phiền hà, khó khăn cho người dân.

Liên quan đến những vụ chống người thi hành công vụ, như tôi vừa nói ở trên, nguyên nhân chính là do ý thức pháp luật, tư duy nhận thức hạn chế cùng với suy thoái đạo đức của một số người dân cộng với việc thiếu tôn trọng pháp luật, coi thường sức khỏe, tính mạng con người.

Tôi đơn cử trong lĩnh vực giao thông, số vụ chống người thi hành công vụ khá phổ biến. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, còn một bộ phận cán bộ, chiến sĩ CSGT có tác phong, thái độ chưa chuẩn mực, chưa đúng điều lệnh của CSGT khi tiếp xúc với người tham gia giao thông, không giải thích rõ về hành vi vi phạm của người bị xử phạt, dẫn đến hiểu lầm, gây bức xúc và phản ứng tiêu cực của người vi phạm.

Việc quyết định các tình huống truy đuổi, CSGT cần hết sức bình tĩnh và có cách hành xử đúng mực, đúng pháp luật. Trong nhiều trường hợp, các chiến sĩ CSGT cũng nên cân nhắc lợi, hại khi thực hiện việc truy đuổi (lỗi vi phạm nhỏ, người vi phạm bỏ chạy trong lúc giờ cao điểm, đường đông đúc nếu truy đuổi có thể gây nguy hiểm cho người khác...).

Trong việc kiểm tra, kiểm soát, lực lượng CSGT cần bố trí bài bản, khoa học. Tuyên truyền sâu rộng cho người dân về cách thức thực hiện, kiểm tra của cơ quan chức năng để tránh sự bức xúc trong dư luận xã hội. Vừa rồi, cũng có hiện tượng tiêu cực từ phía công an như kiểm tra, kiểm soát mật độ dày đặc cũng có thể tạo thành bức xúc, chống đối không chấp hành. Phải cải tiến cách thức tổ chức kiểm tra trên đường làm sao hạn chế việc CSGT phải chốt chặn ngoài đường rất nguy hiểm. Các đối tượng phạm tội, kể cả va chạm giao thông đơn thuần cũng có thể phát sinh mâu thuẫn, xung đột. Cần tăng cường giám sát bằng công nghệ thông tin, tăng cường xử lý qua hình ảnh.

PV: Theo ông, đâu là giải pháp để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc như đã từng xảy ra?

ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Để ngăn chặn một cách hiệu quả tình trạng trên, các cơ quan thực thi pháp luật cần xử lý nghiêm, xét xử công khai các đối tượng chống người thi hành công vụ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân cũng như nhận thức về tính nguy hiểm, hậu quả nghiêm trọng của các hành vi chống đối người thi hành công vụ.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần hoàn thiện hơn nữa về mặt tác phong, sự uy nghiêm, thể hiện văn hóa ứng xử tốt..., tránh kích động đối tượng côn đồ.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Hương Lan

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 7 (39)

Tin nổi bật