Ngày 29/9, một nhà ngoại giao cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) cho biết các quốc gia thành viên EU vẫn bất đồng về việc liệu có áp giá trần khí đốt hay không. Vấn đề sẽ được thảo luận tại cuộc họp các Bộ trưởng Năng lượng EU diễn ra ngày 30/9.
Cơ sở lọc dầu ở giếng dầu Vankorskoye thuộc vùng Krasnoyarsk, Nga. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, trước đó, ngày 28/9, EC đã cảnh báo các nước thành viên EU rằng việc áp dụng mức trần giá khí đốt nói chung sẽ phức tạp và gây ra những nguy cơ về an ninh năng lượng.
Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh các nước thành viên kêu gọi EU can thiệp để kiềm chế giá nhiên liệu tăng. Vấn đề năng lượng ở châu Âu càng trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh mùa Đông đang tới gần.
Đặc biệt, vào đầu tuần này, giá khí đốt tại châu Âu lại lên cơn sốt sau các sự cố rò rỉ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 từ Nga. Phương Tây khẳng định các sự cố này không phải trùng hợp và cho rằng đây là hành động phá hoại.
Nga bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng nước này đứng sau các sự cố đường ống dẫn khí đốt, cho biết sẽ triệu tập cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về vấn đề này.
Theo những nguồn thạo tin về các cuộc đàm phán cho biết, Síp và Hungary là 2 trong số các quốc gia bày tỏ phản đối đề xuất áp đặt giá trần với dầu Nga. Các biện pháp trừng phạt ở EU đòi hỏi sự nhất trí, chính vì thế mỗi quốc gia đều có quyền phủ quyết.
EU đang cố gắng đưa ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố điều động quân đội vào tuần trước và một số khu vực ở Ukraine đang tổ chức trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga.
Các biện pháp khác đang được khối đưa ra thảo luận là kiểm soát nhập khẩu kim cương và cấm một số sản phẩm làm bằng thép. Ngoài ra, 27 quốc gia thành viên cũng gần như ủng hộ đề xuất hạn chế xuất khẩu các linh kiện điện tử được sử dụng trong vũ khí sang Nga.
Mộc Miên (T/h)