Chiều 25/11, tọa đàm “Liên kết đào tạo đại học với nước ngoài tại Việt Nam: Thực trạng và định hướng phát triển” đã được tổ chức thành công, với sự tham gia của các đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Giáo dục- Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường Quốc tế - ĐH Quốc gia Hà Nội và Trường ĐH Ngoại thương.
Các nhà quản lí giáo dục, nhà khoa học tham gia tọa đàm.
Theo thông tin tại buổi tọa đàm, tính đến tháng 12/2021, cả nước có 408 chương trình Liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động. Các trường tự chủ (ĐHQG, ĐH vùng, thí tiểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, theo Luật số 34) phê duyệt tổng số 186 chương trình Liên kết đào tạo với nước ngoài, trong đó có 124 chương trình ở trình độ đại học, 58 chương trình ở trình độ thạc sĩ và 4 chương trình ở trình độ tiến sĩ.
Trên thực tế, bên cạnh những mặt tích cực giúp sinh viên theo học các chương trình ngày tiếp cận được tri thức tiến bộ, các phương pháp giáo dục hiện đại của nước ngoài ngay tại Việt Nam thì bản thân hoạt động liên kết cũng bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, các trường lựa chọn cơ sở giáo dục đại học đối tác nước ngoài chưa thực sự kĩ càng, hạn chế trong chất lượng tuyển sinh đầu vào, hạn chế trong sự lan tỏa chất lượng đào tạo cho các chương trình trong nước… Những điều này đang ảnh hưởng không nhỏ và làm mất đi phần nào ý nghĩa của các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.
Phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội cho biết: “Khi chúng ta đang hội nhập quốc tế thì việc quốc tế hóa giáo dục đại học, liên kết đào tạo với quốc tế là yêu cầu, đòi hỏi mà thực tiễn đặt ra. Từ khi Luật Giáo dục đại học được sửa đổi, bổ sung, việc tạo hành lang pháp lý đủ để có thể triển khai bài bản, đúng luật việc tổ chức chương trình liên kết đã được quan tâm”.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội, quy định của luật trao cho các trường quyền tự chủ, trong đó tự chủ về chuyên môn học thuật. Trong tự chủ chuyên môn học thuật, có vấn đề đào tạo, tuyển sinh, liên kết đào tạo trong nước và ngoài nước là trọng tâm của tự chủ.
Việc liên kết đào tạo với các nước sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Du nhập các chương trình tiên tiến của các nước giúp các trường đại học được tiệm cần dần với các chương trình tiên tiến. Đây là cơ hội để giáo dục đại học Viêt Nam rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực và thế giới.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa cũng nhấn mạnh, cần xem việc liên kết đào tạo này vừa là cơ hội vừa là thách thức. Liên kết đào tạo có nhiều cái lợi nếu chớp được cơ hội, trong quá trình tiếp cận các nội dung liên kết đào tạo, đối tác đào tạo đúng sẽ nâng tầm giáo dục đại học, người học sẽ có lợi. Tuy nhiên, trong trường hợp lựa chọn không chuẩn xác, đối tác liên kết không đúng tầm, sẽ là bất lợi cho người học. Đây là những điều cần lưu ý trong quá trình thực hiện.
Cũng nêu ý kiến tại buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay, xét tỉ trọng các chương trình đào tạo liên kết nước ngoài hiện nay thì hơn 60% tập trung ở khối ngành kinh tế, quản lý, còn 25% là các chương trình liên quan khoa học công nghệ và chỉ 10% là chương trình của các khối ngành khác. Hiện nhiều quốc gia có chương trình đào tạo tại Việt Nam, trong đó Vương quốc Anh chiếm số lượng lớn. Tiếp theo là Mỹ, Pháp, Úc, sau đó là Hàn Quốc, Nhật, Newzealand. Cả nước có khoảng 25 nghìn sinh viên đang theo học các chương trình liên kết nước ngoài.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD & ĐT)
Trả lời câu hỏi những định hướng, giải pháp của Bộ GD-ĐT nhằm đảm bảo chất lượng chương trình liên kết đào tạo như chọn đối tác, môi trường pháp lý ổn định, đảm bảo quyền lợi cho người học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nhấn mạnh, hiện nay các trường đang thực hiện theo Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định những tiêu chí để các trường thực hiện từ việc lựa chọn đối tác cũng như các tiêu chí đối với trường từ phía Việt Nam. Trong trường hợp bổ sung, định hướng của Bộ GD-ĐT sẽ là làm sao để cụ thể hóa hơn nghị định để các trường có chương trình liên kết đào tạo nước ngoài thực hiện.
Quy chế về tuyển sinh và đào tạo trong lĩnh vực đào tạo quốc tế cần cụ thể hóa hơn những yêu cầu về đầu vào, về giáo viên phía Việt Nam. Bà Nguyễn Thu Thủy cho rằng, việc xây dựng quy chế về tuyển sinh và đào tạo trong lĩnh vực đào tạo quốc tế sẽ là xu thế ổn định, tạo môi trường mở để các trường phát triển, đồng thời cũng tạo điều kiện cho người học lựa chọn được những chương trình tốt.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng khuyến khích các trường có chương trình đào tạo quốc tế tham gia kiểm định bởi các tổ chức giáo dục quốc tế. Việc kiểm định sẽ giúp các nhà trường tăng uy tín, đồng thời rà soát toàn bộ quá trình đào tạo, đánh giá kết quả đầu ra của sinh viên tốt nghiệp. Kết quả kiểm định cũng mang lại những thông tin thiết thực cho người học và khẳng định chất lượng của chúng ta trên trường quốc tế.
Là môt trong những đơn vị có hoạt động liên kết đào tạo quốc tế khá phát triển, ĐH Ngoại thương đang có 23 đối tác, đến từ 11 quốc gia ở 4 châu lục. Chia sẻ kinh nghiệm về việc lựa chọn đối tác, chương trình học, PGS.TS Đào Ngọc Tiến, Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương cho hay: “Việc lựa chọn đối tác sẽ tùy từng trường, từng giai đoạn nhất định của mỗi trường. ĐH Ngoại thương thực sự được rất nhiều đối tác, rất nhiều các trường đại học tiếp cận đến để có những lời mời, có những đề nghị để hợp tác với Trường Đại học Ngoại thương. Vì vậy, chúng tôi lựa chọn đối tác rất thận trọng, cẩn thận gắn với chiến lược của ĐH Ngoại thương để trở thành một trường đại học hàng đầu trong khu vực và trên thế giới".
PGS.TS Đào Ngọc Tiến, Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương
Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương cũng liệt kê ra các tiêu chí chọn đối tác trong chương trình liên kết quốc tế của nhà trường như: Chất lượng; Phù hợp với lĩnh vực, ngành đào tạo của trường; độ cam kết của đối tác; giá trị gia tăng của chương trình mang lại cho nhà trường... Đồng thời nhấn mạnh cần phải nghĩ xa hơn, có một chiến lược để tìm ra những khía cạnh, những điểm vượt trội nhằm nâng cao chất lượng của các chương trình liên kết đào tạo quốc tế.
Mộc Miên