Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 30/8, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths cho biết Afghanistan phải đối mặt với hàng loạt khủng hoảng, từ nhân đạo, kinh tế, đến khí hậu, nạn đói, đồng thời kêu gọi nối lại các hoạt động cứu trợ ngay lập tức nhằm cung cấp 770 triệu USD để giúp người dân Afghanistan sống sót qua mùa đông khắc nghiệt sắp tới.
Người tị nạn Afghanistan dựng lều tạm tại khu vực biên giới Afghanistan-Pakistan. Ảnh minh họa
Xung đột, nghèo đói, biến đổi khí hậu và mất an ninh lương thực “từ lâu đã là một thực tế đáng buồn” ở Afghanistan. Viện trợ quốc tế chiếm đến 80% ngân sách hoạt động của chính phủ cũ tại Afghanistan. Sau ngày 15/8, khi Taliban trỗi dậy giành chính quyền, viện trợ quốc tế dành cho Afghanistan lập tức bị cắt bởi các quốc gia, tổ chức quốc tế.
Không có viện trợ nước ngoài, chính phủ mới của Taliban không còn nguồn tiền để chi trả cho các dịch vụ công cộng như y tế, năng lượng, nước sạch.
Cũng theo ông Martin Griffiths, hơn một nửa trong số 39 triệu dân của Afghanistan cần được giúp đỡ nhân đạo và 6 triệu người đang đối mặt với nạn đói. Ước tính hơn 1 triệu trẻ em tại nước này bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng.
Hàng tỷ USD dự trữ của ngân hàng trung ương Afghanistan, chủ yếu được gửi tại Mỹ, cũng đã bị các chính phủ nước ngoài phong tỏa để ngăn khoản tiền rơi vào tay Taliban.
Cộng đồng quốc tế không muốn Taliban nắm quyền kiểm soát tiền viện trợ, bởi không gì bảo đảm tổ chức này sẽ sử dụng số tiền để cứu trợ công bằng, cũng như rủi ro Taliban sử dụng tiền phục vụ các mục đích cực đoan, khủng bố.
Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield cho biết “bất kỳ quốc gia nào nghiêm túc với việc ngăn chặn khủng bố tại Afghanistan sẽ không chủ trương cho phép Taliban tiếp cận ngay lập tức, vô điều kiện với khoản tiền khổng lồ này”.
Ðể có nguồn tài chính trợ giúp người dân Afghanistan, Liên Hợp Quốc đang nỗ lực tìm kiếm khoản viện trợ 4,4 tỷ USD cho Afghanistan và đây là khoản kêu gọi viện trợ nhân đạo lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức đa phương toàn cầu dành một cho một quốc gia.
Theo Văn phòng Ðiều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA), Afghanistan cần được viện trợ để thúc đẩy nền kinh tế, duy trì hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như các dịch vụ xã hội cơ bản. Các khoản viện trợ quốc tế sẽ được chuyển trực tiếp đến các cơ quan cứu trợ và không thông qua các kênh của chính quyền Taliban.
Ngoài tình hình nhân đạo ngày một tồi tệ, các quyền cơ bản của người dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, cùng các nhóm sắc tộc thiểu số đang ngày một xấu đi. Một năm qua, Taliban nhiều lần thất hứa với người dân Afghanistan xung quanh câu chuyện mở cửa trường học cho nữ sinh. Phụ nữ Afghanistan trong giai đoạn cầm quyền thứ 2 của Taliban ngày càng bị hạn chế nhiều hơn về các quyền cơ bản. Đây chính là những thực tế khắc nghiệt mà người dân Afghanistan đang phải trải qua kể từ khi Taliban trở lại cầm quyền.
Trước nguy cơ xảy ra những "thảm kịch" ở Afghanistan, Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế luôn kêu gọi nỗ lực nhằm bảo đảm tiến bộ xã hội, dân chủ và nhân quyền đạt được tại Afghanistan trong 20 năm qua, đặc biệt là bảo vệ quyền của phụ nữ. Ðể làm được điều đó các nước cần tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan.
Ðói nghèo là nguồn cơn nảy sinh xung đột, bất ổn chính trị-xã hội. Bởi vậy, tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan trong thời điểm khó khăn hiện nay là việc làm cấp bách nhằm ngăn chặn nguy cơ khu vực và thế giới phải chứng kiến thêm một thảm họa nhân đạo tồi tệ.
Mộc Miên (T/h)