Lệnh cấm một phần dầu nhập khẩu từ Nga của Liên minh châu Âu (EU) có thể là một "cú hích" mới cho nền kinh tế thế giới, thúc đẩy việc tái tổ chức hoạt động kinh doanh năng lượng toàn cầu, mang lại cho Trung Quốc và Ấn Độ khả năng thương lượng, đàm phán và làm giàu cho các nhà sản xuất dầu khác như Ả Rập Xê Út.
Châu Âu, Mỹ và những nơi khác trên thế giới có thể bị ảnh hưởng vì giá dầu, vốn đã tăng cao trong nhiều tháng. Không những thế việc cấm nhập khẩu dầu Nga còn có thể giá dầu tăng lên mức cao hơn nữa khi châu Âu phải tìm mua năng lượng từ các nhà cung cấp xa hơn. Các công ty châu Âu sẽ phải lùng sục khắp thế giới để tìm các loại dầu mà các nhà máy lọc dầu của họ có thể xử lý dễ dàng như dầu Nga. Thậm chí tình trạng thiếu hụt lẻ tẻ còn có thể xảy ra với một số loại nhiên liệu như dầu diesel, vốn rất quan trọng đối với xe tải và thiết bị nông nghiệp.
Các chuyên gia năng lượng nhận xét cuộc "săn lùng" nguồn cung dầu mới của châu Âu - và nhiệm vụ của Nga trong việc tìm kiếm thị trường bán dầu mới - sẽ ảnh hưởng tới tất cả các nơi trên thế giới. Nhưng việc xác định tác động đối với từng quốc gia hoặc doanh nghiệp là rất khó vì các nhà lãnh đạo, giám đốc điều hành năng lượng và thương nhân sẽ phản ứng với sự thay đổi này theo những cách khác nhau.
Lệnh cấm một phần dầu Nga của châu Âu sẽ tác động tới mọi khu vực trên thế giới. Ảnh: NY Times
Trung Quốc và Ấn Độ có thể tránh được các tác động nghiêm trọng từ gánh nặng của giá dầu cao hơn vì Nga đang giảm giá dầu cho họ. Trong vài tháng qua, Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu lớn thứ hai cho Ấn Độ, bỏ xa các nhà sản xuất lớn khác như Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Ấn Độ có một số nhà máy lọc dầu lớn có thể kiếm được lợi nhuận dồi dào bằng cách lọc dầu của Nga thành dầu diesel và các nhiên liệu khác.
Biện pháp trừng phạt mới mà các nhà lãnh đạo phương Tây áp đặt với dầu Nga nhằm mục đích làm suy yếu nền kinh tế của Moscow và chiến dịch quân sự đặc biệt của họ ở Ukraine. Họ hy vọng các động thái này sẽ buộc các nhà sản xuất dầu của Nga phải đóng cửa giếng khoan vì nước này không có nhiều nơi buôn bán. Nhưng những nỗ lực này được đánh giá là có thể thất bại. Nếu giá dầu tăng, tổng doanh thu từ dầu mỏ của Nga sẽ không bị giảm sút quá nhiều.
Các nhà sản xuất dầu khác như Ả Rập Xê Út và các công ty dầu mỏ phương Tây như Exxon Mobil, BP, Shell và Chevron có thể hoạt động tốt hơn nếu giá dầu tăng cao. Mặt khác, người tiêu dùng toàn cầu và các doanh nghiệp sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho mỗi gallon nhiên liệu và hàng hóa được vận chuyển bằng xe tải và xe lửa.
Robert McNally, cố vấn năng lượng của Tổng thống George W. Bush, cho biết: "Đó là một quy định lớn mang tính lịch sử. Điều này sẽ định hình lại không chỉ các mối quan hệ thương mại mà còn cả các mối quan hệ chính trị và địa chính trị".
Các quan chức EU vẫn chưa công bố tất cả các chi tiết về nỗ lực của họ chặn nguồn dầu nhập khẩu từ Nga nhưng cho biết những chính sách đó sẽ có hiệu lực trong nhiều tháng. Động thái này sẽ cho châu Âu thêm thời gian chuẩn bị để giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu Nga. Nhưng mặt khác việc này cũng sẽ cho Nga và các đối tác của họ thời gian để tìm ra các giải pháp thay thế. Hiện chưa thể nói được ai sẽ thích nghi tốt hơn với điều kiện mới khi các lệnh trừng phạt được áp dụng.
Theo những gì các quan chức châu Âu đã tiết lộ, liên minh sẽ cấm tàu chở dầu của Nga nhập khẩu dầu thô và nhiên liệu tinh chế như dầu diesel, những nhiên liệu này chiếm 2/3 lượng dầu mà châu Âu mua từ Nga. Lệnh cấm sẽ tiến đến việc cắt bỏ dần trong 6 tháng đối với dầu thô và 6 tháng đối với dầu diesel cùng các loại nhiên liệu tinh chế khác.
Ngoài ra, Đức và Ba Lan cũng cam kết sẽ ngừng nhập khẩu dầu từ Nga bằng đường ống. Điều này đồng nghĩa với việc châu Âu có thể giảm nhập khẩ khoảng 3,3 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày vào cuối năm nay.
Một số nhà phân tích năng lượng cho biết nỗ lực mới của EU có thể giúp các nước thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga và hạn chế đòn bẩy chính trị của Tổng thống Putin đối với các nước phương Tây.
Bà Meghan L. O’Sullivan, giám đốc địa chính trị của dự án năng lượng tại Trường Harvard’s Kennedy nhận xét: "Có rất nhiều tác động địa chính trị. Lệnh cấm sẽ thu hút Mỹ tham gia sâu hơn vào nền kinh tế năng lượng toàn cầu và củng cố mối quan hệ năng lượng giữa Nga và Trung Quốc".
Các nhà lãnh đạo phương Tây cũng kỳ vọng lệnh trừng phạt sẽ làm giảm vị thế của Nga trong ngành năng lượng toàn cầu. Trong đó, mặc dù Nga nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới ở Trung Quốc, Ấn Độ và những nơi khác nhưng nhìn chung họ sẽ xuất khẩu được ít dầu hơn. Qua đó, các nhà sản xuất Nga có thể sẽ phải đóng cửa các giếng khoan và họ sẽ không thể dễ dàng khởi động lại chúng vì những khó khăn trong việc khai thác và sản xuất dầu ở các mỏ dầu khắc nghiệt ở Bắc Cực.
Nhà máy lọc dầu Duna ở Hungary tiếp nhận dầu của Nga. Ảnh: Getty
Thực tế, chính sách mới của châu Âu là kết quả của sự thỏa hiệp giữa các quốc gia có thể dễ dàng thay thế năng lượng Nga và các quốc gia, như Hungary, không thể dễ dàng phá vỡ sự phụ thuộc của họ vào Moscow hoặc không muốn làm như vậy. Đó là lý do tại sao mỗi ngày ngày, 800.000 thù dầu của Nga vận chuyển đến châu Âu bằng đường ống đã được miễn trừ khỏi lệnh cấm vận tính đến thời điểm hiện tại.
Bất chấp lệnh cấm vận dầu mỏ, châu Âu có thể sẽ vẫn phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga trong một thời gian, có thể là vài năm. Điều đó có thể duy trì một số đòn bẩy của Tổng thống Vladimir Putin, đặc biệt nếu nhu cầu khí đốt tăng đột biến trong mùa đông lạnh giá. Các nhà lãnh đạo châu Âu có ít lựa chọn thay thế hơn cho khí đốt của Nga vì các nhà cung cấp nhiên liệu lớn khác trên thế giới - Mỹ, Úc và Qatar - không thể nhanh chóng mở rộng xuất khẩu.
Một biện pháp khác có thể sử dụng để hạn chế sự phụ thuộc vào nhiên liệu Nga là sự phát triển của các loại xe điện. Giá dầu và khí đốt cao hơn có thể khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp và các quan chức ở châu Âu cũng như các nơi khác nhanh chóng quay lưng lại với ô tô động cơ đốt trong và các nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, bản thân Nga cũng vẫn còn "con bài" của riêng mình để làm giảm hiệu quả các lệnh cấm vận của châu Âu. Trong đó, Trung Quốc là một thị trường đang phát triển của Nga. Được kết nối chủ yếu bằng các đường ống gần hết công suất, Trung Quốc đã tăng cường tiếp nhận các chuyến tàu chở dầu thô từ Nga trong những tháng gần đây.
Ả Rập Xê Út và Iran có thể chịu thua lỗ từ việc Nga bán dầu tăng cho Trung Quốc và những người bán ở Trung Đông buộc phải giảm giá để cạnh tranh với dầu thô Nga được chiết khấu mạnh.
Ngay cả khi các mối quan hệ thương mại năng lượng bị xáo trộn, các nhà sản xuất dầu lớn như Ả Rập Xê Út và UAE cũng được hưởng lợi từ xung đột ở châu Âu. Nhiều công ty châu Âu hiện đang mong muốn mua thêm dầu từ Trung Đông. Doanh thu xuất khẩu dầu của Ả Rập Xê Út đang tăng cao và có thể lập kỷ lục trong năm nay. Tạp chí Kinh tế và Dầu khí Trung Đông, chuyên theo dõi ngành, nhận xét việc này có thể làm thặng dư thương mại của Ả Rập Xê Út tăng lên hơn 250 tỷ USD.
Ấn Độ là một nước khác được hưởng lợi vì nước này có các nhà máy lọc dầu lớn có thể chế biến dầu thô của Nga, biến nó thành dầu diesel và vận chuyển nhiên liệu này đến châu Âu ngay cả khi nguyên liệu thô đến từ Nga.
Tuy nhiên, việc mua dầu diesel từ Ấn Độ sẽ làm tăng chi phí ở châu Âu vì nhiên liệu vận chuyển từ Ấn Độ đắt hơn so với vận chuyển nhiên liệu từ các nhà máy lọc dầu của Nga.
Ấn Độ đang nhận khoảng 600.000 thùng dầu từ Nga mỗi ngày, tăng từ mức 90.000 thùng/ngày vào năm ngoái, khi Nga là nhà cung cấp tương đối nhỏ với nước này. Hiện nay, Moscow đã trở thành nhà cung cấp lớn thứ hai của Ấn Độ sau Iraq.
Tuy nhiên, Ấn Độ có thể sẽ gặp khó khăn khi các lệnh trừng phạt của châu Âu với Nga được duy trì, khiến giá dầu Nga tăng lên quá nhiều.
Minh Hạnh (Theo New York Times)