Sau gần một tháng tranh cãi, Liên minh châu Âu (EU) đã đồng thuận trong việc cấm một phần dầu của Nga, với mục đích cắt nguồn tài trợ cho chiến dịch quân sự của Điện Kremlin tại Ukraine. Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, 3/4 lượng dầu nhập khẩu của Nga sẽ chịu tác động từ việc này, sau đó con số này sẽ tăng lên 90% vào cuối năm nay.
Trong đó, EU đã cấm ngay lập tức việc vận chuyển dầu trên đường biển, chiếm khoảng 2/3 lượng dầu nhập khẩu của Nga vào khối. Dầu vận chuyển qua đường ống Druzhba ("hữu nghị") quan trọng sẽ được miễn lệnh cấm, đây là một nhượng bộ quan trọng đối với Hungary, quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào dầu của Nga.
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Ảnh: AP
EU tự tin rằng hầu hết các dòng chảy dầu của Nga sẽ bị ngừng vào cuối năm nay, vì cả Đức và Ba Lan, các quốc gia ở nhánh phía Bắc của Druzhba, đã cam kết sẽ từ bỏ nguồn cung từ Nga. Các quốc gia nằm trên nhánh phía Nam của tuyến đường ống từ thời Liên Xô, bao gồm Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc, sẽ được miễn trừ tạm thời.
Dù vậy, câu hỏi về thời điểm EU chuyển sang cấm vận hoàn toàn dầu Nga đến nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, người đang thúc đẩy chính sách trừng phạt, cam kết EU sẽ thảm luận về vấn đề cấm dầu Nga "sớm nhất có thể".
Trong đó, Hungary đang đề nghị EU hỗ trợ để sửa lại các nhà máy lọc dầu, vốn chỉ có thể nhận dầu thô của Nga. Croatia cũng cần thời gian để tăng cường cung cấp cho nước láng giềng phía Bắc thông qua đường ống Adria. Các nhà lãnh đạo EU đã tránh đưa ra chi tiết về ngày kết thúc việc miễn trừ lệnh cấm vận với các nước.
Được biết, trước lệnh cấm, EU đã trả cho Nga khoảng 1 tỷ euro mỗi ngày để chi trả cho dầu và khí đốt. Đây được xem là nguồn ngoại tệ vô giá cho Điện Kremlin, giúp tài trợ cho chiến dịch quân sự đặc biệt của họ ở Ukraine. Việc cắt giảm mạnh các dòng tài chính đó sẽ làm sâu sắc thêm các vấn đề kinh tế của Nga trong dài hạn. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế đã cảnh báo, lệnh cấm cũng có thể giúp Moscow trong ngắn hạn, vì Nga sẽ được lợi từ việc bán dầu với giá cao. Các cuộc thảo luận kéo dài của EU cũng đã giúp Moscow có thêm thời gian để tìm kiếm những thị trường mới.
Không chỉ Nga, bản thân các nước châu Âu cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng từ chính lệnh cấm này. Các nhà sản xuất ô tô và doanh nghiệp châu Âu sẽ thấy mức giá tăng cao hơn. Các chính phủ sẽ còn khó khăn hơn trong việc quản lý chi phí sinh hoạt, vốn đã tăng vọt trong thời gian qua. Sau thông báo về lệnh cấm vận dầu của EU, giá một thùng dầu thô Brent đã chạm mức 124,10 USD, mức cao nhất kể từ tháng 3. Dù mức giá hiện đã giảm một chút trong phiên giao dịch sau đó nhưng nhìn chung giá dầu đã tăng hơn 55% trong năm nay và ở mức cao nhất kể từ năm 2008.
Trước khi EU đồng ý về lệnh cấm vận dầu mỏ, một số quốc gia đã xem xét các biện pháp trừng phạt khác đối với mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Nga là khí đốt. Trước xung đột, Nga đã cung cấp 40% lượng khí đốt cho EU nhưng các nhà lãnh đạo EU đã cam kết sẽ dần loại bỏ sự phụ thuộc vào dầu Nga. Các đồng minh thẳng thắn nhất của Ukraine trong EU, bao gồm Ba Lan và các nước Baltic, cho rằng EU hiện nên đặt một thời hạn cuối cùng với việc cắt đứt hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt của Nga. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng biện pháp còn rất lâu nữa mới được đảm bảo và thậm chí còn khó hơn các cuộc đàm phán về lệnh cấm vận dầu mỏ còn đang bỏ ngỏ hiện nay.
Minh Hạnh (Theo The Guardian)