Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, sáng 27/12, Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa (Bà Rịa- Vũng Tàu) cho biết, đơn vị đang tích cực điều trị cho 1 ca bệnh bị đa vết thương và bị bỏng do đốt pháo nổ tự chế.
Trước đó, rạng sáng 25/12, Khoa Cấp cứu của đơn vị tiếp nhận nam bệnh nhân N.Q.H. (12 tuổi, học sinh lớp 6 của một trường THCS tại huyện Đất Đỏ) trong tình trạng đa vết thương và bỏng vùng cổ, ngực, tay, chân do pháo nổ tự chế gây ra.
Qua khai thác thông tin, bệnh nhân lấy que diêm, cạo bột rồi cho vào chai thủy tinh và đốt gây nổ. Các mảnh vỡ bắn vào các mô mềm trên cơ thể, đặc biệt là vết thương ở cổ nằm cạnh khí quản rất nguy hiểm.
Do các dị vật ở nhiều vị trí khác nhau, đơn vị đã phối hợp các chuyên khoa như Ngoại Tổng quát, Chấn thương chỉnh hình, Tai mũi họng để điều trị.
Em H. bị thương do lên mạng học cách làm pháo nổ. Ảnh: Thanh Niên
Sau 4h phẫu thuật, toàn bộ 22 mảnh vỡ bao gồm: 1 mảnh lớn ở vùng cổ, 2 mảnh ở vùng ngực, 15 mảnh ở 2 tay và 2 chân đã được loại bỏ khỏi cơ thể bệnh nhân. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, sức khỏe ổn định, cử động tay, chân, cổ bình thường.
Liên quan đến vụ việc, theo báo Thanh Niên, nam sinh H. cho biết đã nhiều lần lên mạng học cách làm pháo nổ:
"Em đã trộn nhiều hỗn hợp hóa học lại với nhau rồi bỏ vào chai thủy tinh. Hôm bị nạn, do em châm lửa nhưng chạy không kịp khiến các mảnh thủy tinh bắn trúng người máu ra rất nhiều. Em sợ rồi, không dám chế tạo pháo nữa", em H. cho hay.
XEM THÊM: Bình Thuận: Không có chuyện người lạ vào trường tiểu học bắt cóc học sinh
Theo các bác sĩ, tai nạn vì pháo nổ tự chế ngoài vết thương do sức công phá nổ còn gây bị bỏng. Đối tượng thường là trẻ em, do tính tò mò, học theo bạn bè và mạng xã hội. Để giảm nguy cơ tai nạn do pháo nổ gây ra, mỗi gia đình, nhà trường và bản thân mỗi học sinh cần nhận thức được mối nguy hiểm của việc tự chế pháo nổ, nhất là vào các dịp lễ, tết.
Hoàng Yên (T/h)