Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lâu đài đổi chủ, siêu xe Phantom “đội nón ra đi”, ông chủ Khaisilk còn lại gì?

(DS&PL) -

Khi xảy ra “biến cố” bán lụa Trung Quốc, nhiều tài sản của ông Hoàng Khải gần đây mới dần bộc lộ chỉ là “hữu danh vô thực”.

Từng được đồn đoán là chủ sở hữu nhiều lâu đài, nhà hàng, bất động sản với tổng trị giá lên đến vài chục triệu USD, nhưng phải đến khi xảy ra “biến cố” bán lụa Trung Quốc, nhiều tài sản của ông Hoàng Khải gần đây mới dần bộc lộ chỉ là “hữu danh vô thực”.

Đế chế bất động sản của Khaisilk có nhiều biến động

Mới đây, tập đoàn Chloe Hospitality công bố việc sở hữu chính thức 2 dự án khách sạn TajmaSago và nhà hàng Cham Charm của tập đoàn Khaisilk tại số 2 - 6 Phan Văn Chương (khu vực Cầu Ánh Sao - Hồ Bán Nguyệt, Phú Mỹ Hưng, quận 7).

Chloe Gallery - tên mới của lâu đài khách sạn TajmaSago từng được cho là thuộc sở hữu của doanh nhân Hoàng Khải.

Được biết, tập đoàn Chloe Hospitality được thành lập ngày 6/9/2018, có trụ sở tại số 6 Phan Văn Chương, quận 7, TP.HCM. Ngành nghề chính của công ty là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Người đại diện pháp luật của Chloe Hospitality là bà Đặng Thị Bảo Phương (SN 1994, ngụ TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Không chỉ tiếp nhận 2 tòa lâu đài này, hiện tại Chloe Hospitality đang đầu tư một vài tòa nhà tại quận 7 và một khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Phú Quốc.

Theo kế hoạch, sau khi nắm quyền sở hữu, khai thác khách sạn TajmaSago và nhà hàng Cham Charm, Chloe Hospitality sẽ "thay tên đổi họ" 2 bất động sản này và sửa lại theo mục đích kinh doanh của thương hiệu mới. Chloe Gallery sẽ cung cấp nhiều loại hình dịch vụ như ẩm thực cho những sự kiện của giới kinh doanh, từ hội nghị, chiêu đãi, yến tiệc, du thuyền trên sông... đến trình diễn sản phẩm.

Cả hai tòa nhà đình đám trên được biết đến là tài sản thuộc về “đế chế” hùng mạnh một thời của ông chủ Khaisilk (doanh nhân Hoàng Khải, chủ công ty TNHH Khải Đức). Động thái bán 2 khối tài sản từng là niềm kiêu hãnh của mình cho thấy doanh nghiệp của ông Hoàng Khải đã ở vào tình cảnh khó hồi phục.

Thời điểm cuối năm ngoái, do dính vào scandal gian lận lụa Trung Quốc gắn mác Khaisilk khiến thương hiệu này rơi vào khủng hoảng, bị người tiêu dùng tẩy chay. Các cửa hàng Khaisilk lần lượt đóng cửa, 2 tòa nhà là khách sạn TajmaSago và nhà hàng Cham Charm - 2 công trình kiến trúc nổi bật của Khaisilk cũng tạm ngưng mọi hoạt động cho đến nay. Tuy nhiên, chính từ sau động thái bán khách sạn TajmaSago và nhà hàng Cham Charm của ông chủ Khaisilk đã làm hé lộ khối tài sản ít nhiều chỉ là “bong bóng” bề nổi của ông này.

Theo đó, 2 "lâu đài" TajmaSago Castle - Hotel & Resort (từng được Khaisilk công bố trị giá 15 triệu USD, trong đó chi phí xây dựng 11 triệu USD) và nhà hàng Cham Charm, phải đến khi Chloe Hospitality tiếp quản mới bị hé lộ đều là dự án do Phú Mỹ Hưng sở hữu. Cụ thể, Phú Mỹ Hưng đã xây xong phần thô và cho Khaisilk thuê dài hạn, trong đó ông Khải có quyền thiết kế nội thất, bài trí cảnh quan để khai thác kinh doanh trong thời hạn thuê. Ngoài ra, Ming Dynasty, nhà hàng trị giá triệu USD mô phỏng cung điện triều đình nhà Minh (Trung Quốc) từng được quảng bá là tài sản của Khaisilk, nằm trên đường Nguyễn Khắc Viện, Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM mới đây cũng được biết là của Phú Mỹ Hưng, không thuộc sở hữu của Khaisilk.

Được biết, hiện tại đại gia Hoàng Khải còn một trung tâm thương mại và giải trí Sài Gòn Paragon (phố Nguyễn Lương Bằng) thuộc sở hữu của Phú Mỹ Hưng, Khaisilk thuê đất dài hạn và xây công trình trên đất rồi cho thuê.

Công trình này được cho là có số vốn đầu tư lên tới 35 triệu USD, khai trương vào tháng 7/2009, hiện đang cho thuê khoảng 16 USD mỗi m2 /tháng, tỉ lệ lấp đầy 90%.

Ngoài ra, Khaisilk còn 2 nhà hàng nữa tọa lạc tại trung tâm TP.HCM là Au Manoir De Khai nằm ngay ngã tư Lê Quý Đôn - Điện Biên Phủ và nhà hàng Nam Phan trên đường Võ Văn Tần (quận 3). Song hiện Au Manoir De Khai được cho là đã về tay một đại gia bất động sản khác.

Nhà hàng Au Manoir De Khai. 

Tại Hà Nội, ông Hoàng Khải đứng tên sở hữu lô đất 26 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội. Đây là một ngôi đền thuộc sở hữu của gia đình Khải Silk, được ông Khải tu sửa lại và đưa vào kinh doanh nhà hàng Khai's Brothers. Hiện nhà hàng này vẫn hoạt động. Hiện lô đất vẫn đứng tên sở hữu của ông Hoàng Khải. Tuy nhiên, từ đầu tháng 12, ông đã ủy quyền cho ông Hoàng Mi (SN 1971) - người có hộ khẩu thường trú tại địa chỉ này được toàn quyền trong sử dụng, cho thuê lô đất.

Trong những năm đầu 1990, ông Hoàng Khải thậm chí còn đầu tư bất động sản tại miền Trung. Hội An Riverside Resort (Quảng Nam) là một trong những khu nghỉ dưỡng có vốn góp của ông chủ Khaisilk. Tuy nhiên, một lãnh đạo Hội An cho biết khu nghỉ dưỡng này đã được ông Khải bán.

Như vậy, "đế chế" bất động sản triệu USD của tập đoàn Khaisilk thực chất có rất ít nhà đất, dự án là tài sản doanh nghiệp hoặc cá nhân ông Hoàng Khải sở hữu. Đa phần các lâu đài, nhà hàng, khách sạn đình đám chỉ là bất động sản Khaisilk thuê có thời hạn, một số đã chuyển nhượng, khác xa với bề nổi mà nhiều người lầm tưởng về khối tài sản khủng lên đến hàng chục triệu USD, thậm chí cả trăm triệu USD của doanh nghiệp này.

Ông chủ của dàn xe sang đình đám một thời

Thời hưng thịnh, đại gia Hoàng Khải được biết tới là một tay chơi xe sang có tiếng tại Việt Nam. Tính đến năm 2017, bộ sưu tập xe của ông đã có đầy đủ những dòng xe nổi tiếng nhất thế giới như Range Rover, Jaguar, Audi Q7, BMW series 7 và Mercedes S500... Hầu hết các mẫu xe của Khải Silk đều có gắn tên thương hiệu “Khai” hoặc nhà hàng “Charm Charm”...

Doanh nhân Hoàng Hải bên chiếc Rolls-Royce Phatom đầu tiên tại Việt Nam

Báo chí có lần chộp được tấm ảnh bộ ba siêu xe gồm Jaguar XJL, Rolls-Royce Phantom và Range Rover Sport đỗ trước dinh thự Tajmasago, được định giá khoảng 15 triệu USD.

Còn nhớ, chiếc Rolls-Royce Phantom màu trắng kiêu kỳ này từng là niềm tự hào của vị đại gia Hoàng Khải, là niềm ao ước của nhiều người, bởi nó là chiếc Rolls-Royce Phantom đầu tiên về Việt Nam.

Do đó, việc chiếc xe chuẩn bị phải “đội nón ra đi” cho thấy tình hình không mấy sáng sủa của doanh nghiệp từng nổi đình nổi đám này, nhất là sau khi một tập đoàn vừa công bố mua lại hai tòa lâu đài và nhà hàng triệu đô của Khải Silk.

Chiếc xe Rolls-Royce Phantom từng gắn với tên tuổi ông Hoàng Khải sản xuất năm 2006. Nó được định giá khoảng 1 triệu USD vào thời điểm năm 2007, tương đương hơn 16 tỷ đồng vào thời điểm đó. Như vậy là sau 11 năm, với quãng đường đã đi dài 50.000km, ở thời điểm hiện tại, chiếc xe này mới mất khoảng 40% giá trị.

Sau các cú bán tài sản liên tiếp này của ông chủ Khải Silk, không biết bất động sản hay siêu xe nào tiếp theo sẽ sắp phải đổi chủ?!

M.M
Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số 52

Tin nổi bật