Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Từ Khaisilk đến nghi vấn Con Cưng: Bóc trần mánh khóe "làm giả chính mình"

(DS&PL) -

Một số doanh nghiệp đầu tư kinh phí để làm bộ công cụ thương hiệu nhận diện (nhãn, mác, logo...) và quảng cáo, bán hàng chất lượng.

Một số doanh nghiệp đầu tư kinh phí để làm bộ công cụ thương hiệu nhận diện (nhãn, mác, logo...) và quảng cáo, bán hàng chất lượng. Sau một thời gian, họ lại gom hàng trôi nổi, không rõ xuất xứ về gắn nhãn, mác, logo... của chính họ.

Dù trong trong tình thế “dầu sôi lửa bỏng” từ sau vụ Khaisilk và nay là của vụ việc Con Cưng, khiến nhiều người tiêu dùng băn khoăn và lo lắng thì PV vẫn ghi nhận và tiếp cận được các “chiêu thức làm hàng” như của Khaisilk hay nghi vấn của Con Cưng.

Theo đó, cách làm của của các đối tượng gian lận thương mại, buôn lậu là đặt hàng từ nước ngoài... theo yêu cầu (gắn nhãn mác, chất liệu, kèm phụ kiện...) rồi tìm cách nhập về Việt Nam. Thậm chí, một số nhập hàng về, sau đó chỉnh sửa, gắn mác hàng Việt hoặc các thương hiệu nổi tiếng để phân phối, bán lại kiếm lời. Hoặc, đó là việc gom hàng trôi nổi từ trong nước rồi “lên đời”...

Chiêu thức tinh vi là giả sản phẩm của chính họ thì đây cũng là đòn chí tử, giết chết các đơn vị làm ăn chân chính.

Tiếp cận các điểm cung ứng dịch vụ vận chuyển, PV được tư vấn rất kỹ về cách thức đặt hàng, mua bán và vận chuyển. Người tên Dũng chuyên vận chuyển hàng từ nước ngoài nói: “Anh cứ mua hàng, loại gì cũng được, sau đó báo cho em số lượng, sẽ có giá tốt cho anh. Hàng bên em sẽ đưa về kho công ty tại TP.HCM”.

Sau đó, Dũng đưa cho PV một loạt danh sách các trang mua bán online ở nước ngoài (có bản dịch tiếng Việt). PV rất dễ dàng tìm thấy các loại quần áo, túi xách, phụ kiện thời trang, mỹ phẩm... có giá rẻ như bèo. Theo các nguồn tin cho biết, sau khi hàng từ nước ngoài về Việt Nam, các đối tượng buôn gian bán lận tìm cách đóng nhãn mác, bao bì và gắn những thương hiệu nổi tiếng trong nước hoặc là các sản phẩm của nước ngoài để tiêu thụ.

Ông N.K.T., người từng phân phối hàng này cho hay: “Bây giờ người Việt thường chuộng hàng Việt, vì dễ tin là thật hơn, nên nhiều người buôn gian bán lận đã tìm cách lấy hàng trôi nổi, hàng nhập lậu… giá rẻ về, sau đó tìm cách phù phép biến thành hàng Việt cho dễ bán. Họ thường nhập nhiều container với nhiều hàng hóa, chủng loại khác nhau về mới phân ra, bỏ sỉ cho các đầu mối”.

Nghi vấn Con Cưng cắt nhãn mác cũ, thay bằng nhãn mác mới.

Thực tế, thời gian qua, tại TP.HCM, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều lô hàng với chiêu thức trên. Cách đây chưa lâu, tại chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 1, lực lượng hải quan đã phát hiện lô hàng đóng trong container của công ty TNHH TM-DV-XNK&DL V.T. thẩm lậu vào Việt Nam. Cụ thể, doanh nghiệp này đã nhập lô hàng từ Quảng Châu (Trung Quốc) trung chuyển về cảng Cát Lái để chuyển đi bằng đường bộ sang Campuchia.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện lô hàng này chứa lượng lớn hàng hóa là quần áo, giày, phụ kiện thời trang… mang các nhãn hiệu nổi tiếng như: Adidad, Puma, Chanel… Đây là các thương hiệu đã đăng ký kiểm soát biên giới và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

Bàn về tình trạng này, đặc biệt là từ vụ Con Cưng đang làm dậy sóng dư luận, luật sư Trần Đình Dũng, đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: “Nếu kết luận từ cơ quan chức năng là sai phạm thì có phần giống với vụ Khaisilk mới đây, khi lấy nhãn mác của chính họ dán lên cho sản phẩm không phải của họ. Đây không phải là hàng thật của họ sản xuất mà thực chất là nhập khẩu hoặc thu gom hàng hóa từ nơi khác, sau đó về gắn nhãn mác của họ lên, không đúng với mẫu mã công bố”.

Trong khi đó, luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch hội Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM cho rằng: “Người tiêu dùng hoàn toàn có quyền nghi ngờ về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa mà Con Cưng đang kinh doanh. Dù gì, thương hiệu và uy tín Con Cưng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn từ vụ việc này. Đây là bài học cho chính Con Cưng và các doanh nghiệp khác”.

Một vụ vận chuyển hàng thời trang và phụ kiện lậu vào thị trường Việt Nam để tiêu thụ bị phát hiện và bắt giữ.

Tuy nhiên, người tiêu dùng lại rất khó phát hiện được “chiêu thức làm hàng” này. “Một khi các doanh nghiệp đầu tư kinh phí để làm bộ công cụ thương hiệu nhận diện (nhãn, mác, logo...) và quảng cáo, bán hàng chất lượng. Sau một thời gian, họ lại gom hàng trôi nổi, không rõ xuất xứ về gắn nhãn, mác, logo... của chính họ lên sản phẩm, hàng hóa đó thì rất khó để biết được đâu là sản phẩm thật, đâu là sản phẩm làm giả. Trong khi đó, bộ công cụ nhận diện thương hiệu lại là của chính họ. Đây là thủ đoạn hết sức tinh vi và Bộ luật Hình sự cũng quy định tội này sự rất nặng”, luật sư Dũng phân tích thêm.

Nhìn rộng hơn, chuyên gia kinh tế Nguyễn Việt Thắng, giảng viên trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng: “Hàng giả, nhái, lậu hay đội lốt hàng Việt, thương hiệu nổi tiếng trên thế giới luôn tìm cách để thẩm lậu vào thị trường nội địa tiêu thụ. Đặc biệt, khi sức tiêu dùng tăng càng làm tình hình thêm phức tạp. Nếu không có biện pháp đồng bộ, quyết liệt thì các loại hàng này sẽ là đòn chí tử đối với doanh nghiệp chân chính, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng”.

Dương Thanh Tùng/Người Đưa Tin

Tin nổi bật