Đây là câu chuyện xảy ra ở vùng núi Vân - Quý - Xuyên (Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên của Trung Quốc). Vì khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, nơi đây có rất nhiều loại gỗ quý sinh trưởng tốt, trong đó phải kể đến loại gỗ kim tơ nam mộc. Loại gỗ này cứng, bền, có khả năng chống mối mọt, ăn mòn cực tốt. Dù bị chôn sâu trong lòng đất hay ngâm dưới nước hàng nghìn năm cũng không mục nát.
Gỗ kim tơ nam mộc thường được dùng để xây cung điện, đền chùa. Ảnh: Sina
Loại gỗ này trước đây thường được dùng để xây cung điện, đền chùa... Thậm chí, có thời điểm chỉ vua chúa mới dùng gỗ kim tơ nam mộc này nên nó còn có tên là "gỗ hoàng đế".
Nhiều năm sau, gỗ kim tơ nam mộc còn từng thất truyền nên giá trị càng quý hiếm, được giới nhà giàu săn lùng với mức giá "trên trời". Thế nhưng, có một cụ ông dù sở hữu kho báu 900 tỷ đồng trong vườn nhà vẫn nhất quyết không bán.
Theo đó, một cụ ông họ Tần sống ở Trùng Khánh từng sở hữu 3 câu kim tơ nam mộc hàng nghìn năm tuổi trong vườn nhà mà không hề hay biết. Mãi đến khi có một người am hiểu về gỗ quý phát hiện và tiết lộ, cụ ông mới cười và cho biết những cây gỗ này đã có trong vườn nhà từ khi ông còn nhỏ. Thời điểm đó, ông nội của ông có nói rằng đây là "cây tiền" nên ông hết lòng chăm nom cẩn thận. Bản thân ông chưa từng nghĩ đây là gỗ quý trị giá hàng trăm tỷ đồng.
Khi thông tin này được lan truyền, nhiều người đến gạ bán, trả giá cao. Một thương gia khi nghe tin đã quyết định đến tận nhà ông lão để mục sở thị chúng. Nhận thấy món hời trước mắt, người này đã lập tức ra giá 280 triệu NDT (hơn 964 tỷ đồng) để mua 3 cây Kim tơ nam mộc này. Tuy nhiên, các chuyên gia đã có mặt và ngăn cản ông cụ này thực hiện giao dịch.
Theo các chuyên gia, kim tơ nam mộc vốn là cây gỗ quý được Trung Quốc can thiệp và bảo vệ, không cho phép ai tùy ý chặt hạ hay khai thác. Hơn nữa, sau khi xem xét 3 cây gỗ quý trong vườn nhà ông Tần, các chuyên gia cho biết đây là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao và có giá trị nghiên cứu lớn nên thay vì chặt hạ để buôn bán, chúng nên được bảo vệ và nhân giống.
Sau khi được các chuyên gia giải thích, ông Tần cuối cùng cũng quyết định tặng 3 cây Kim tơ nam mộc trong vườn nhà cho chính quyền. Ông cụ cho biết vì tuổi đã cao, ông không còn đủ sức để hàng ngày chăm sóc chúng nữa. Cũng từ đó, 3 cây Kim tơ nam mộc này được các chuyên gia rào chắn và cử người trực tiếp canh gác, bảo vệ để tránh kẻ xấu phá hoại.
Quyết định hào phóng của ông Tần khiến nhiều người bất ngờ. Nhiều người cho rằng ông cụ này thật “điên rồ” khi đi cho không 3 cây gỗ quý như thế. Tuy nhiên ông cụ này lại không nghĩ như vậy. Với ông, 3 cây Kim tơ nam mộc này đã lớn lên cùng với ông, chúng cũng là ký ức tuổi thơ mà ông rất trân quý. Do đó, ông cụ này hy vọng những “người bạn” của mình vẫn sẽ được chăm sóc thật tốt khi ông không còn.
Theo Sina, không chỉ cây Kim tơ nam mộc còn sống mới cần được bảo tồn, kể cả khi chúng đã bị đốn hạ thì vẫn cần được chăm sóc và bảo vệ kỹ lưỡng để giữ trọn giá trị của chúng. Câu chuyện về cây Kim tơ nam mộc 4.300 năm tuổi từng bị sét đánh ở Quý Dương (Quý Châu) dưới đây là một ví dụ.
Theo đó vào tháng 3/2013, người dân đã phát hiện ra cây Kim tơ nam mộc này bị sét đánh và bị gãy ở giữa, phần còn lại bốc cháy ngùn ngụt, ngọn lửa cháy suốt ba ngày ba đêm mới tắt. Vì lo sợ cây gỗ khổng lồ này sẽ trở thành mối nguy hiểm cho người dân nên Cục Lâm nghiệp Trung Quốc đã cấp giấy phép khai thác cái cây này. 14 năm sau, chủ nhân hiện tại đã mua lại cây gỗ này với giá 17 triệu NDT (hơn 58 tỷ đồng).
Người này cho biết khi mua cây, ông gần như bán hết đồ đạc, thậm chí bán luôn hai căn nhà ở quê để có đủ tiền. Sau khi thông tin về cây Kim tơ nam mộc 4.300 năm tuổi được lan truyền, nhiều người đã liên hệ với chủ nhân của nó để hỏi mua. Thậm chí có một thương gia đã ngã giá 250 triệu NDT (hơn 861 tỷ đồng) nhưng ông cụ nhất quyết không bán. Ông tin rằng đây là kho báu vô giá nên sẽ rất tiếc nếu người khác sử dụng gỗ từ thân cây chỉ để làm đồ nội thất, trang trí.
Cuối cùng, ông cụ này đã quyết định xây dựng một bảo tàng Kim tơ nam mộc trong tương lai để nhiều người có thể chiêm ngưỡng loài cây quý hiếm này hơn.