Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đào được “kho báu” bằng vàng ròng, thợ sửa khóa nhận cái kết đau đớn

  • Thùy Dung (T/h)
(DS&PL) -

Thợ sửa khóa tìm thấy bức tượng Phật bằng vàng ròng, cao 0,9 mét. Nó to đến mức cần tới 10 người cùng sử dụng dây thừng và ròng rọc mới có thể nhấc lên khỏi mặt đất.

Kho vàng của tướng Yamashita Tomoyuki, ẩn giấu tại Philippines, được biết đến là một trong những bí ẩn về kho báu thất lạc lừng danh nhất thế giới. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, quân đội Nhật Bản đã cướp đoạt một khối lượng khổng lồ vàng bạc châu báu từ khắp Đông Nam Á và đưa về cất giấu tại Philippines.

Khi Nhật Bản sắp sửa thất bại, Yamashita Tomoyuki đã ra lệnh chia nhỏ số vàng này và chôn giấu tại nhiều địa điểm khác nhau trên khắp Philippines. Để đảm bảo bí mật tuyệt đối, sau khi chôn cất xong, lối vào của các đường hầm đều bị cho nổ tung nhằm che giấu mọi dấu vết.

Tướng Yamashita, người đã ra lệnh chôn giấu vàng bạc của cải cướp được dưới lòng đất. Ảnh: History/ The Gold Budha

Sau khi Nhật Bản đầu hàng, Yamashita Tomoyuki bị khối Đồng Minh xử tử bằng hình thức treo cổ. Một phần số vàng đã bị quân đội Mỹ tịch thu, tuy nhiên, phần lớn kho báu vẫn còn nằm sâu dưới lòng đất.

Câu chuyện về Rogelio Roxas và kho báu bắt đầu vào năm 1960, khi ông còn đang phục vụ trong quân đội Philippines. Một ngày nọ, ông tình cờ gặp một thanh niên khoảng 20 tuổi, ốm yếu nằm bên lề đường gần doanh trại. Biết được người này tên là Tamolo, không nhà cửa, không gia đình và không việc làm, Roxas đã đưa anh ta vào bệnh viện và tự mình chi trả mọi chi phí điều trị.

Nửa tháng sau khi xuất viện, trong một cuộc trò chuyện với Roxas, Tamolo đã chia sẻ về quá khứ của mình. Trong thời gian phát xít Nhật chiếm đóng Philippines, một sĩ quan quân đội Nhật đã chung sống như vợ chồng với chị gái của Tamolo. Sau khi Nhật Bản đầu hàng, anh rể của Tamolo bị quân Mỹ bắt làm tù binh, còn chị gái anh, vì lo sợ bị du kích kháng chiến trả thù, đã trốn đến đảo Cebu. Từ đó, Tamolo mất liên lạc hoàn toàn với chị mình.

Hiểu được mong muốn tìm lại chị gái của Tamolo, Roxas không chỉ mua vé tàu mà còn cho anh ta thêm một ít tiền. Cảm kích trước tấm lòng của Roxas, Tamolo đã đưa cho ông một tấm bản đồ vẽ tay cũ kỹ. Roxas kể lại: “Tamolo nói rằng anh rể của anh ta là một trong những sĩ quan được giao nhiệm vụ chôn giấu kho vàng của tướng Yamashita, cướp được từ Myanmar và một số quốc gia Đông Nam Á khác trong Thế chiến II. Tất cả những người lính tham gia chôn giấu đều bị giết để bảo vệ bí mật. Vài ngày trước khi ra trình diện quân đội Mỹ sau vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, anh rể của Tamolo đã đưa tấm bản đồ này cho anh ta và dặn giữ cẩn thận để chờ ngày ông ấy trở về”.  

Roxas tiếp tục câu chuyện, năm 1949, khi tất cả tù binh được quân đội Mỹ trả tự do, Tamolo mới hay tin anh rể mình đã qua đời từ cuối năm 1945 vì bệnh sốt rét ác tính. Do không có tiền bạc, không nhà cửa, phải sống nhờ trong một tu viện nên Tamolo không hề nghĩ đến việc tìm kiếm kho vàng.

Rogelio Roxas và bức tượng Phật vàng. Ảnh: Sohu

Hơn nữa, vào thời điểm đó, cả Philippines đang xôn xao về câu chuyện kho vàng của tướng Yamashita, dẫn đến việc một số kẻ cơ hội tung tin rằng mình đang nắm giữ bản đồ kho báu và lừa đảo người khác góp tiền mua sắm máy móc thiết bị đào bới. Sau khi gom góp được một số tiền lớn, chúng liền cao chạy xa bay. Nếu Tamolo công khai tấm bản đồ, anh ta rất dễ bị nghi ngờ là một kẻ lừa đảo. Roxas giải thích: “Chính vì vậy, Tamolo đã tặng tấm bản đồ cho tôi với hy vọng một ngày nào đó nếu tôi tìm được kho báu, anh ấy cũng sẽ có phần”.

Năm 1967, Roxas quyết định rời khỏi quân đội. Từ đó cho đến năm 1970, ông vừa kiếm sống bằng nghề sửa chữa ống khóa, vừa miệt mài tìm kiếm vị trí kho vàng. Mãi đến đầu năm 1971, ông mới giải mã được toàn bộ các ký hiệu trên tấm bản đồ và phát hiện ra rằng kho báu được chôn giấu tại một khu vực gần một bệnh viện bỏ hoang ở thành phố Baguio, phía bắc đảo Luzon, Philippines.

Không chần chừ, Roxas vừa làm đơn xin khai quật kho vàng của tướng Yamashita và được thẩm phán Pio Marcos, tòa án thành phố Baguio, đảo Luzon, chấp thuận, vừa thuê mướn nhân công gồm toàn những người thân quen trong gia đình để tiến hành đào bới. Với một máy phát điện nhỏ để cung cấp ánh sáng, nhóm nhân công chia ca làm việc cả ngày lẫn đêm, sử dụng các dụng cụ cầm tay như cuốc, xẻng, búa, xà beng…  

Vào lúc 23h ngày 23/1/1971, Roxas đã tìm thấy lối vào một đường hầm nằm ở độ sâu 9 mét dưới mặt đất. Sau khi phá vỡ bức tường gạch, vật đầu tiên mà Roxas nhìn thấy là những bó dây điện rối rắm, máy radio truyền tin, vài lưỡi lê cùng một số khẩu súng trường, tất cả đều đã rỉ sét. Bên cạnh đó, còn có một bộ xương người mặc quân phục của phát xít Nhật.

Ngày 24/1, nhóm công nhân tiếp tục phá vỡ hai bức tường bê tông và lần này, họ đã khám phá ra một bức tượng Phật bằng vàng ròng, cao 0,9 mét. Bức tượng có trọng lượng đáng kinh ngạc, đến nỗi phải cần đến 10 công nhân cùng sử dụng dây thừng và ròng rọc mới có thể kéo nó lên khỏi mặt đất.

Ngay trong đêm đó, Roxas đã đưa bức tượng về nhà mình, cất giấu trong phòng riêng và chụp ảnh lại để làm bằng chứng rằng ông chính là người tìm ra kho báu. Theo luật pháp Philippines lúc bấy giờ, người tìm ra kho báu vô chủ sẽ được hưởng 70% giá trị của nó. Roxas cũng tiết lộ rằng đầu của bức tượng có thể tháo rời ra được, bên trong có một khoảng trống nhỏ chứa đầy những viên kim cương chưa được cắt gọt.

Ngày hôm sau, Roxas cùng nhóm công nhân quay trở lại đường hầm. Cách nơi tìm thấy bức tượng khoảng 15 mét, họ phát hiện ra một số thùng bằng thiếc, bên trong lót gỗ, có kích thước tương tự như thùng đựng bia lon ngày nay. Khi mở ra, họ đếm được tổng cộng 24 thanh vàng thỏi. Và cũng giống như bức tượng Phật, Roxas đã vận chuyển tất cả các thùng vàng về nhà mình.

Ngoài ra, ông còn lấy một thanh kiếm Samurai, vài lưỡi lê cùng một số vật dụng hàng ngày của lính Nhật như chén ăn cơm, bi-đông đựng nước, rồi cho nổ mìn để bít kín lối vào đường hầm. Roxas hiểu rằng những gì ông đã lấy chỉ là một phần nhỏ trong kho vàng của tướng Yamashita.

Trong những tuần tiếp theo, Roxas đã hai lần đến tòa án Baguio để tìm thẩm phán Pio Marcos, nhằm báo cáo kết quả khai quật kho vàng cũng như xin công nhận phần tài sản hợp pháp của mình, nhưng không gặp được ông ta. Để có tiền trả lương cho công nhân, Roxas đã bán 7 thanh vàng và hứa sẽ thưởng thêm cho họ một cách hậu hĩnh sau khi bán được bức tượng Phật.

Đầu tháng 3/1971, Roxas tìm được người mua bức tượng. Đó là Kenneth Cheatham, đại diện cho một công ty Anh quốc. Bằng cách khoan một lỗ nhỏ dưới cánh tay trái của bức tượng rồi đưa đi phân tích, Kenneth Cheatham đã xác nhận nó được làm bằng vàng nguyên chất với tỉ lệ 99,99%. Một người mua khác là Luis Mendoza cũng đã kiểm tra bức tượng bằng cách sử dụng axít nitric và kết luận rằng nó là vàng nguyên khối, tỉ lệ trên 99%.  

Sáng sớm ngày 5/4/1971, nhóm lính vũ trang xông vào nhà Rogelio Roxas, đánh đập ông và gia đình, đồng thời lấy đi tượng Phật vàng và 17 thỏi vàng (Roxas bán 7 thỏi vàng trước đó). Rogelio Roxas bị bắt vào tù.

Những người lính tra tấn ông dã man để ông khai ra bí mật kho báu. Đến tận năm 1974 ông mới được thả. Mười hai năm tiếp theo, người thợ sửa khóa Rogelio Roxas sống trong im lặng.

Tháng 2/1986, Tổng thống Ferdinad Marcos bị lật đổ, sống lưu vong tại Hawaii, Mỹ. Lúc này Rogelio Roxas mới nộp đơn khởi kiện cựu tổng thống vì đã cướp kho báu của ông. Vài năm sau, Rogelio Roxas qua đời trong khi vụ kiện vẫn chưa có kết quả.

Năm 1996, tòa án Honolulu mới mở phiên xét xử, buộc vợ cựu Tổng thống Marcos phải bồi thường cho Rogelio Roxas 22 tỷ USD.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng phần lớn tài sản “Kho vàng của tướng Yamashita Tomoyuki” vẫn được giấu sâu ở Philippines, nằm rải rác ở khoảng 172 địa điểm, trong đó khoảng 18 tượng Phật vàng. Tất cả vẫn là ẩn số nằm tại đất nước Philippines xinh đẹp.

Tin nổi bật