Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lao động chui ở Trung Quốc: Nỗi khiếp đảm bị mua bán trao tay

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Anh D. làm việc chui ở Trung Quốc hơn 1 năm, còn cả hai vợ chồng chị Th. cùng lao động chui ở Quảng Đông (Trung Quốc), được gần một năm, song không thể chịu nổi sự hà khắc đã phải tự về nước.

(ĐSPL) - Theo giới thiệu của cô H. và nhiều người dân địa phương khác, tôi tìm gặp anh D. và chị Từ Thị Th.. Nhà họ cách nhà cô H. hơn 1km nhưng cũng ở trong xã V.T., huyện L.N., tỉnh Bắc Giang. Anh D. làm việc chui ở Trung Quốc hơn 1 năm, còn cả hai vợ chồng chị Th. cùng lao động chui ở Quảng Đông (Trung Quốc), được gần một năm, song không thể chịu nổi sự hà khắc đã phải tự về nước.

Lao động khổ sai và bị bỏ đói

Anh D. và vợ chồng chị Th. là người dân tộc thiểu số Sán Dìu nên giao tiếp rất tốt với người Tàu. Được người môi giới hứa hẹn, họ lên Lạng Sơn và đi đường tiểu ngạch sang Quảng Đông.

Tại đây, hai vợ chồng chị Th. bị tách riêng, mỗi người làm việc cho một chủ khác nhau. Chị Th. kể: "Khu làm việc nào của người Trung Quốc cũng kín cổng, cao tường. Vào thì được, ra rất khó, nó biệt lập với bên ngoài một cách hoàn toàn. Vì thế, người lao động chui chỉ biết im lặng, nghe theo chủ làm việc và làm việc, không nghe lời bị đánh rất đau, vẫn phải làm, bị bỏ đói để trừng phạt, làm gương cho người khác". Chị Th. kể: "Có lao động Trung Quốc ở khu chúng tôi làm việc. Họ cũng phải làm việc từ 11-14 giờ/ngày như người Việt. Chế độ ăn uống cũng giống nhau nhưng họ được trả một chút tiền lương. Còn lao động chui Việt Nam thì không được trả lương. Bọn chủ người Tàu thì nói rằng, có trả lương nhưng trừ vào tiền mua người lao động trước đó. Người lao động người Trung Quốc ít bị đánh đập và bỏ đói hơn, vì họ không phản ứng chủ, họ cam chịu".

Theo chị Th., điều kiện làm việc ở các cơ sở sản xuất nhựa và giày da mà chị từng làm, rất bất ổn về an toàn lao động. Bên ngoài được chủ gia cố rất chắc chắn, nhằm khu biệt với bên trong nhưng ở nơi làm việc thì sơ sài tới mức khủng khiếp. Công nhân thuộc da mà không có bảo hộ lao động. Làm gì cũng trực tiếp bằng tay, chân, mắt nhìn luôn. Có người bị dị ứng mùi, mắt sưng húp nhưng vẫn tiếp tục phải làm. Còn chuyện chân, tay bị phồng rộp, sưng, toé máu cũng thường xuyên xảy ra.

Cũng theo chị Th., làm việc vất vả như thế nhưng ăn uống thì còn kinh hoàng hơn nữa. Người lao động thường xuyên bị đói. "Người Tàu ăn, uống khác người Việt. Đồ ăn của họ cái gì cũng ngọt và ít. Sáng và trưa, họ mang ra hai cái chảo lớn là cơm và canh cùng với thức ăn. Sau đó, người quản lý lấy bát, múc tất cả canh, cơm, thức ăn vào một tô, đưa cho người lao động. Ai ăn được thì ăn, không ăn thì bỏ, chủ không quan tâm. Bát cơm là một mớ hổ lốn như kiểu chậu cám cho lợn ăn ấy, tôi không thể ăn được nên thường xuyên bị đói. Chủ người Tàu không quan tâm người lao động ăn được hay không mà ngược lại càng ăn ít càng tốt. Nhiều hôm, cơm sống, rau cũng sống, không thể nuốt được. Có người cố ăn, vì quá đói, bị tiêu chảy, chủ lại chửi, mắng, bảo là giả vờ để đỡ phải làm việc. Ăn cũng đói mà không ăn cũng đói", chị Th. bức xúc.

Anh D. cho hay, họ để tất tật cơm, canh, thức ăn vào chung một cái máng dài bằng tôn, ăn bao nhiêu thì tự múc. Thoạt nhìn có vẻ là thoải mái nhưng thực chất rất tính toán, chúng biết người lao động Việt không quen kiểu ăn của người Tàu lên càng trêu ngươi. Không ăn được, đói, nhiều hôm hoa mắt, chóng mặt, không làm việc được.

Anh D. vừa thu hoạch vải tại vườn nhà vừa kể lại những tháng ngày khổ sở khi đi lao động chui ở Trung Quốc.

Những số phận trầm luân

Anh D. cho biết: "Không phải chủ nào cũng có việc làm đều. Những chủ nhận lao động chui thường là chủ nhỏ và ở vùng xa trung tâm, công việc nặng nhọc. Khi không có việc cho công nhân làm, chủ bán hoặc chuyển người lao động cho chủ khác lấy tiền, đỡ phải nuôi lao động lúc nhàn rỗi. Thực tế, chúng cũng có nuôi đâu, khi hết việc, họ toàn bỏ đói người lao động. Họ kiếm tiền trên thân xác người lao động một cách triệt để nhất. Tôi bị bán hai lần. Lần đầu ở cơ sở sản xuất sơn. Ngửi mùi sơn sống, tôi toàn bị nôn. Chủ buộc phải bán tôi đi nơi khác. Tại cơ sở làm nhựa này, mùi cũng độc hại không kém nhưng tôi còn thích nghi được. Làm quen với vài lao động Việt chui, tôi được biết, chú C. (ở Lạng Sơn) bị bán qua tay đến 6 chủ rồi mà chưa thể tìm cách trốn về được. Chú C. đã gần 50 tuổi, bị lừa bán sang lao động chui đã 3 năm. ở nhà, chú còn mẹ già. Lần đầu tiên, chú phải làm việc ở mỏ khai thác than, cơ cực hơn ở cơ sở sản xuất nhựa này nhiều. Bị sập hầm, chủ lò than, chắc là khai thác thổ phỉ, sợ quá, bán hết lao động người nước ngoài đi".

Chúng tôi hỏi anh D., lao động nữ có bị bán từ chủ này sang chủ khác không? Anh D. hất hàm: "Hỏi chị Th. ấy, nhân chứng sống bị bán qua tay hai chủ đấy". Chị Th. tiếp lời: "Sang đến đất Tàu, vợ chồng tôi bị tách ra. Tôi được người quen môi giới vào làm việc ở một xưởng sản xuất đồ chơi ở Quảng Đông, gần xưởng của chồng làm việc. Sau đó, tôi bị chuyển đi vào sâu trong nội địa, làm ở xưởng sản xuất giày da ở Quảng Tây và một nơi khác nữa là cơ sở sản xuất nhựa ở Hà Nam. Mỗi lần đi khỏi nơi làm cũ, tôi hỏi chủ, tiền công đâu, chúng đều trả lời, đưa hết cho người môi giới rồi. Rồi thì, "chúng tao phải mua mày, mày phải làm việc trả nợ. Mày là của chúng tao, không sử dụng nữa thì chúng tao bán". Tôi đòi về, chúng bảo, ra khỏi khu xưởng, chúng không đảm bảo tính mạng cho nên chúng tôi không dám tự ý về. Lúc di chuyển, chúng cho tôi lên xe ô tô tải, có thùng bịt kín, xuống đến nơi, tôi nhìn mãi mới biết đó là Quảng Tây, Hà Nam nhưng không thể nhớ được đường đi như thế nào. Vùng chúng tôi làm việc thưa dân cư và biệt lập nên muốn thoát khỏi cảnh lao động khổ sai, bị đói thì phải khéo léo. Nhiều người cứ chống đối chúng ra mặt, bị chúng đánh đập, bỏ đói, khổ lắm".

Kể về những lúc không may ốm đau bệnh tật, anh D. cho biết: "Chẳng ai được nghỉ ốm, đau gì hết. Có người sốt cao, vẫn phải làm việc, đến mức bị co giật như người bị động kinh, lúc đó, chủ mới bảo mọi người khiêng anh ta về lán nghỉ. Hôm sau, vẫn thấy người này đi làm. Còn một người khác, bị lở ở chân, không được điều trị, bị hoại tử. Khi tôi báo, chủ còn bảo: "Nó chết thì gọi tao, tao mở cửa kho, đưa cuốc, xẻng cho mà đi đào huyệt chôn". Kho chứa dụng cụ lao động, đồ dùng của chúng còn kiên cố, sạch sẽ hơn lán của công nhân ở rất nhiều".

Anh D., chị Th. và cả cô H. nữa đều cho biết, khi Sanh bị bắt, những tên môi giới ở Vô Tranh cũng biến mất.  

Sự thật về những kẻ "buôn bán lao động"

Cuối tháng 2/2014, Bộ đội Biên phòng Hải Phòng tiến hành điều tra, bắt giữ anh em ruột là Đoàn Văn Tuấn (SN 1993) và Đoàn Văn Vũ (SN 1996) ở xã Tiên Hưng, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng khi chúng vừa ở Trung Quốc về. Tuấn và Vũ lợi dụng mối quan hệ bạn bè, đã trực tiếp lôi kéo nhiều người quen trong thôn, xã sang Trung Quốc làm việc, hứa hẹn mức lương cao, từ 7-8 triệu đồng/tháng. Tuấn và Vũ yêu cầu mỗi người phải đóng 4 triệu đồng lệ phí. Hai tên này đưa các nạn nhân đi đường bộ qua khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn. Sang đến Quảng Đông, chúng bán nạn nhân cho các chủ cơ sở sản suất giày da, mì tôm. Nhiều nạn nhân bị bán qua tay các chủ khác. Điều kiện làm việc rất tồi tệ, không được trả lương. Khi các nạn nhân đòi về thì bị yêu cầu gia đình phải nộp tiếp tiền lệ phí, còn dọa sẽ chặt chân nếu bỏ trốn.

Tại Cơ quan điều tra, Tuấn đã khai nhận do biết tiếng Trung nên đã hai lần tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Sang Trung Quốc, Tuấn cùng một số đối tượng đứng ra hợp đồng với các chủ doanh nghiệp, mọi chế độ chúng thanh toán trực tiếp với chủ, chia nhau, người lao động phải làm việc mà không được hưởng bất kỳ chút lương nào.

Tin nổi bật