Thời gian gần đây, người dân cả nước không còn xa lạ gì với cụm từ làng ung thư để nói về những ngôi làng, xóm ấp hay khu dân cư có số người bị bệnh ung thư, bị chết cao bất thường nữa bởi nó xuất hiện ngày càng nhiều, ở khá nhiều địa phương trong cả nước.
Và, nguyên nhân chung của những ngôi làng, theo người dân sinh sống ở đó thì hầu hết là do ô nhiễm môi trường, do khí thải, nguồn nước hay một nguyên nhân nào đó. Có thể nói, những ngôi làng ung thư đó chính là hồi chuông cảnh báo rõ ràng nhất về những thảm họa môi trường mà con người đang phải ngày ngày đối diện.
Làng nghề thành làng…chết
Chỉ chưa đầy 4 năm mà ở xã Chỉ Đạo (Văn Lâm, Hưng Yên) đã có gần 40 người chết vì căn bệnh ung thư quái ác, cao hơn nhiều lần so với những người chết vì tuổi già lão hóa. Theo những người dân sinh sống ở đây thì hiện tượng bất thường này có nguyên nhân chủ yếu là do sự ô nhiễm môi trường phát sinh từ mấy chục cơ sở tái chế nguyên liệu chì công nghiệp trong chính địa bàn xã. Cụ thể, từ cách đây gần ba mươi năm, nhiều người dân khu vực này đã bắt đầu xây dựng những cơ sở tái chế chì nhỏ lẻ để mưu sinh. Mặc dù đã có nhiều cố gắng để cải thiện cơ sở vật chất của những lò nấu chì nhưng thực tế, đây là một trong những kim loại cực kỳ độc đối với sức khỏe của con người. Chính vì thế, qua nhiều ngày tháng, thậm chí nhiều năm, những hóa chất chì này có thể bị rò rỉ, phát tán ra ngoài, lây nhiễm vào nguồn nước, vào những vật chất mà người dân vẫn thường xuyên tiếp xúc. Chính vì thế, hậu quả của nó thật sự là khôn lường. Không kể đến nhiều người chết bất thường vì căn bệnh ung thư bỗng nhiên hoành hành ở đây, việc rất nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng, bị thiểu năng trí tuệ hay chậm phát triển cũng có thể xuất phát từ việc môi trường ở khu vực làng nghề này bị ô nhiễm chì nặng nề. Theo những chuyên gia môi trường chuyên nghiên cứu về ô nhiễm ở những khu vực làng nghề thì môi trường ở làng nghề nấu chì Chỉ Đạo đã bị ô nhiễm nặng nề trong nhiều năm qua. Cụ thể, hầu hết các chỉ số về hóa chất độc hại ở đây đều có số đo lớn gấp hàng trăm lần mức độ cho phép mà nguyên nhân chính là việc những hóa chất trong quá trình sản xuất chì rò rỉ ra bên ngoài. Có thể nói, chì chính là một trong những hợp chất đáng sợ nhất đối với sức khỏe của con người bởi nó là nguyên nhân gây ra rất nhiều những căn bệnh ung thư về phổi, gan hay tiêu hóa. Thậm chí, nếu người mẹ có bị nhiễm hóa chất chì thì đứa con mang thai trong bụng cũng có thể bị nhiễm loại hóa chất độc hại này.
Tuy nhiên, thực tế thì tình trạng ô nhiễm môi trường gây những hậu quả nghiêm trọng không chỉ xảy ra ở riêng làng nghề Chỉ Đạo sản xuất chì mà còn xảy ra ở hàng trăm các làng nghề với những hóa chất độc hại ở nhiều địa phương khác, gây lên những mối lo lắng rất lớn cho người dân. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ở nước ta hiện nay có khoảng gần một ngàn làng nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ trong đó có hàng trăm làng nghề mà những quy trình sản xuất có liên quan mật thiết tới những hóa chất độc hại như làng nghề gỗ, làng nghề sắt, thủy tinh, bao bì hay thuốc, giấy... gây lên những lo ngại lớn về sức khỏe, tính mạng của người dân ở trong khu vực. Điển hình trong số này chính là làng nghề nung gạch ở xã Thạch Sơn (Lâm Thao, Phú Thọ), nơi sản xuất hàng triệu viên gạch cung cấp cho thị trường mỗi năm. Tại đây, do khói bụi từ hàng trăm những lò nung thủ công thải ra môi trường khiến không khí, nguồn nước ở đây bị ô nhiễm nặng nề. Hậu quả không chỉ là sức khỏe người dân bị ảnh hưởng bởi những căn bệnh như lao phổi, viêm họng và bệnh gan mà đáng báo động hơn, hàng trăm người đã bị chết vì căn bệnh ung thư quái ác trong vài năm trở lại đây. Với nguyên nhân là ô nhiễm môi trường do sản xuất gạch nung thủ công cùng một số công ty hóa chất, phân bón ở quanh khu vực huyện Lâm Thao đã gây lên nỗi hoang mang về ô nhiễm môi trường trong đời sống dân cư ở đây. Cụ thể, những loại hóa chất độc hại từ quá trình sản xuất phân bón như các hợp chất của SO2, SO3, Phốt pho… tích tụ, ngấm vào đất vào nước qua nhiều năm khiến môi trường ở đây bị ảnh hưởng nặng nề.
Có thể nói, việc phát triển những làng nghề, đặc biệt là làng nghề tiểu thủ công mỹ nghệ trong đời sống xã hội là hoàn toàn cần thiết, giải quyết nhu cầu việc làm, phát triển kinh tế của người dân địa phương. Tuy nhiên, không vì thế mà người ta có thể đánh đổi tiền bạc để làm ô nhiễm môi trường bởi thực chất, hậu quả của việc làm này là vô cùng nguy hiểm, có ảnh hưởng không chỉ tới sức khỏe của con người đang sống mà ngay cả các thế hệ tương lai cũng có thể phải gánh những hậu quả mà ô nhiễm môi trường hôm nay đang gây ra.
Mạnh tay xóa bỏ nỗi lo
Theo những chuyên gia của Viện y học và vệ sinh môi trường lao động thuộc Bộ Y tế thì việc sử dụng những hóa chất, dung môi độc hại, bừa nãi không ý thức tác hại ở nhiều làng nghề thủ công ở nước ta hiện nay đã đến mức báo động. Nó không đơn giản là chuyện của ngày hôm nay mà hầu hết các làng nghề đều có truyền thống sử dụng lâu dài khiến môi trường ở xung quanh đó đã bị ô nhiễm nặng nề. Để giải quyết những vấn đề ô nhiễm như vậy thực tế là rất khó khăn, không chỉ một sớm một chiều mà cần phải có nhiều biện pháp để kết hợp. Đầu tiên là việc quy hoạch, di dời những hộ dân làng nghề vào một địa điểm cần thiết, như một khu công nghiệp chẳng hạn để hạn chế việc hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất có cơ hội phát tán rộng ra môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, việc tập trung xử lý triệt để, nâng cao hiệu quả của việc xử lý những chất thải mà làng nghề thải ra môi trường. Có thể nói, đây là một việc làm rất khó khăn bởi hầu hết những làng nghề đều là do người dân tự phát hình thành, có truyền thống lâu năm nên phương thức cũng như ý thức sản xuất đều theo thói quen, rất khó thay đổi. Hơn nữa, việc thay đổi những địa điểm, quy trình sản xuất cho sạch sẽ, an toàn và có lợi đối với môi trường hầu hết đều rất tốn kém tiền của khiến nhiều cơ sở sản xuất chưa thực sự hợp tác. Vì vậy, chính quyền địa phương cùng các cơ quan quản lý liên quan phải có những biện pháp hữu hiệu cần thiết để đưa những cơ sở sản xuất làng nghề đi vào khuôn khổ và đúng quy hoạch.
Bên cạnh đó, một trong những việc quan trọng không kém đó là thay đổi những quy trình sản xuất ở làng nghề bởi hầu hết làng nghề đều là hoạt động thủ công, rất nhiều phế thải đã phát sinh trong sản xuất nên việc được thay thế bằng những dây truyền sản xuất khác, tiên tiến và hiện đại hơn chắc chắn sẽ giúp cho hiệu quả của sản suất cũng như vấn nạn ô nhiễm được cởi bỏ. Ngoài ra, việc phát hiện kịp thời và có những phương thức cần thiết như khám sức khỏe định kỳ, điều trị hay khắc phục nhanh chóng những hậu quả mà những căn bệnh ở làng nghề gây ra cho người dân địa phương cũng là hết sức cần thiết. Đây thực tế không chỉ là vấn đề an sinh xã hội mà nó còn là nhiệm vụ bắt buộc của những tổ chức xã hội ở địa phương. Có thể nói, nếu phát hiện kịp thời, có những phương pháp xử lý đúng cách thì những căn bệnh mãn tính hay ung thư gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người dân ở những khu vực ô nhiễm sẽ giảm đáng kể và có thể ngăn chặn kịp thời. Ngoài ra, việc khám chữa bệnh cho những người không may bị nhiễm bệnh và những người có khả năng cao bị nhiễm bệnh cũng là một việc làm cần thiết, cấp bách để ngăn chặn tình trạng ung thư ở những làng nghề độc hại. Nó giúp cho cuộc sống của người dân ở khu vực đó được ổn định và môi trường sống ở xung quanh được sạch đẹp hơn, tránh tình trạng ô nhiễm và dịch bệnh có thể lây lan đi xa hơn nữa.
Chúng tôi tiếp nhận tất cả các thông tin phản ánh về vấn đề môi trường của bạn đọc 24/24h
Liên hệ: Viện nghiên cứu môi trường và các vấn đề xã hội phân viện phía nam
Địa chỉ: 58 Nguyễn Phi Khanh, Phường Tân Định,Q1 HCM
Hotline: 0988666688 – 0866837519
Email: viennghiencuumoitruongvaxahoi@gmail.com
Đoàn Đại Trí