Đóng

Làng làm kèn Tây duy nhất cả nước

  • Như Quỳnh (T/h)
(DS&PL) -

Làng Phạm Pháo là cái nôi của những nghệ nhân tài hoa, chuyên sản xuất và sửa chữa kèn Tây với kỹ thuật thủ công độc đáo.

Theo VnExpress, làng Phạm Pháo, Ninh Bình (từ ngày 1/7/2025, tỉnh Nam Định sáp nhập với tỉnh Hà Nam và tỉnh Ninh Bình lấy tên là tỉnh Ninh Bình) từ lâu đã nức tiếng trên dải dất hình chữ S với nghề làm kèn đồng hay còn gọi là "nghề làm kèn Tây".

Theo đó, tên làng được xuất phát từ 1 nguyên do khá thú vị, đó là một trong số bốn dòng họ đi khai hoang mảnh đất Hải Hậu năm xưa thì dòng họ Phạm chiếm đông dân số nhất, vì vậy người xưa đã kết hợp họ “Phạm” với thế đất của làng khi nhìn từ trên cao xuống giống hệt hình cỗ pháo khổng lồ nên đặt tên làng là “Phạm Pháo” từ đấy.

Ban đầu, chiếc kèn đồng đều phải mua từ nước ngoài, nhưng trong quá trình sử dụng lâu ngày cũng có chiếc bị hỏng và mất khá nhiều thời gian, tiền bạc nếu gửi ra nước ngoài sửa chữa, từ đó người chơi kèn đã phải tự mày mò… Khi đã nắm được kỹ thuật sửa kèn, người dân Phạm Pháo tiến thêm một bước khi bắt chước làm kèn, từ đó hình thành nghề làm kèn đồng ở làng quê thuần nông.

Không chỉ thành thạo kèn Tây, người làng Phạm Pháo còn sản xuất được bộ nhạc cụ gồm đủ các loại kèn và cũng là nơi đầu tiên làm kèn đồng ở Ninh Bình. Ảnh: TITC

Không chỉ thành thạo kèn Tây, người làng Phạm Pháo còn sản xuất được bộ nhạc cụ gồm đủ các loại kèn và cũng là nơi đầu tiên làm kèn đồng ở Ninh Bình. Mới đầu cũng chỉ có khoảng mươi gia đình trong làng theo nghề làm kèn, nhưng khoảng hơn chục năm trở lại đây khi phong trào thổi kèn ở Ninh Bình cũng như các tỉnh lân cận phát triển mạnh, có đến 70% các hộ trong làng đã theo nghề làm kèn, hình thành làng nghề làm kèn Tây duy nhất ở Ninh Bình.

Điểm làm nên nét riêng của kèn đồng Phạm Pháo là hầu hết các công đoạn đều được thực hiện thủ công, không cần đến các thiết bị máy móc hiện đại. Các gia đình ở Phạm Pháo có thể làm đến 15 loại kèn, nhưng được đặt nhiều phải kể đến Clarinet, Saxophone, Trumpet... Kèn Phạm Pháo chỉ thua kém kèn nhập ngoại về độ bóng bẩy nhưng không ảnh hưởng tới chất lượng âm thanh và được nhiều người sử dụng đánh giá cao về chất lượng.

Hàng ngày, những chiếc kèn đồng được chế tác với nhiều chi tiết phức tạp vẫn được làm ra qua bàn tay của những thợ làng Phạm Pháo. Họ là những nghệ sỹ chân đất với đúng nghĩa của nó, vì đến mùa màng họ vẫn tham gia sản xuất nông nghiệp, nhưng khi trở về xưởng sản xuất họ là những nghệ nhân, nghệ sỹ. Hiếm ở chỗ nào mà nhiều người dân biết thổi kèn đồng như ở làng Phạm Pháo. 

Chia sẻ trên VOV, nghệ nhân Nguyễn Văn Cường, người làm kèn nổi tiếng ở làng Phạm Pháo cho biết: 7 tuổi ông đã biết thổi kèn, 12 tuổi bắt đầu học làm kèn, 15 tuổi đã làm “ông phó”. Sau hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề của cha ông, có những lúc gián đoạn do đi bộ đội, do điều kiện kinh tế khó khăn, ông cũng nghĩ tiêu cực, muốn bỏ nghề vì công làm kèn không bằng công thợ xây. Nhưng với ông, nghề của cha ông truyền lại chính là máu thịt không thể nào bỏ được.

Kèn Phạm Pháo chỉ thua kém kèn nhập ngoại về độ bóng bẩy nhưng không ảnh hưởng tới chất lượng âm thanh. Ảnh: TITC.

Từng là nhạc công giỏi của đội kèn quân đội những năm 70 của thế kỷ trước, ông Cường còn học nghề sửa kèn, thổi kèn từ bố mình là cụ Nguyễn Văn Biên. Bởi vậy, ông vừa là nghệ nhân sửa kèn, vừa là nhạc công, là người thẩm âm và hiệu chỉnh âm thanh kèn nổi tiếng nhất ở làng nghề Phạm Pháo.

Bố ông Cường sinh ra ba người con thì cả ba anh em đều theo nghề kèn. Đến nay vừa làm nghề, ông Cường vừa truyền dạy nghề cho các con. Cả 4 người con trai của ông ai cũng có thể theo nghề bố. Nghề kèn không có công việc thường xuyên, đây là một đặc thù riêng của nghề làm kèn. Để nuôi được nghề, cha con ông Cường cũng làm thêm nghề mộc, cũng là một nghề truyền thống của làng. Tuy nhiên, ngọn lửa trên bễ đồng có thể có lúc nguội đi, chỉ có ngọn lửa với những cây kèn trong lòng ông và những người dân Phạm Pháo là không bao giờ nguội tắt. Đến nay, làng Phạm Pháo vẫn giữ được nghề kèn, những gia tộc nghề chính là ngọn lửa giúp nghề kèn có chỗ đứng trong xã hội, trong cuộc sống của người Phạm Pháo.

Với sự phát triển và biến động của thị trường, người làm kèn Phạm Pháo không chỉ sản xuất kèn đồng như trước nữa, mà họ còn làm thêm việc sửa kèn, chỉnh âm lại cho những chiếc kèn từ khắp các nơi trên cả nước. Cũng bởi vậy, nghề kèn càng có thêm chỗ đứng để phát triển.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Cường. Ảnh: TITC

Ông Cường cho biết: Trước đây ông sản xuất hầu hết các loại kèn, nhưng hiện nay xưởng kèn của ông chủ yếu sửa kèn, hoặc sản xuất những chiếc kèn rất to, loại kèn có giá thành rất đắt trên thế giới và không dễ mua, vận chuyển về nước. Những chiếc kèn nhỏ trên thị trường bây giờ chủ yếu là hàng Trung Quốc với giá rất rẻ, mà nếu gia công thì những cơ sở sản xuất như của ông không thể nào thu hồi được vốn.

Tiếng kèn như ngọn lửa hun đúc tình yêu của người Phạm Pháo với nghề làm kèn, nuôi dưỡng những tâm hồn nghệ sĩ nông dân mộc mạc, dân dã mà không kém phần lãng mạn, thanh cao.

Tin nổi bật