(ĐSPL) – Em Nguyễn Thị Anh, trường THPT Mỹ Đức A (Hà Nội) là học sinh hiếm hoi nhất của TP Hà Nội đạt giải quốc gia môn Lịch sử.
Sáng 23/4, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Quỹ phát triển sử học Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT trao thưởng cho 217 học sinh đoạt giải nhất - nhì - ba quốc gia môn Lịch sử trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2014.
Trong số 217 học sinh được tuyên dương lần này có 6 em đoạt giải Nhất, 51 giải Nhì, 73 giải Ba và 87 em đoạt giải khuyến khích. Giá trị giải thưởng là 3 triệu đồng với mỗi giải Nhất, 2 triệu đồng đối với giải Nhì, một triệu đồng với giải Ba và 500.000 đồng với giải khuyến khích.
|
6 học sinh nữ đồng giải nhất. |
Chia sẻ về niềm vui đạt giải nhất, em Nguyễn Thị Anh - học sinh lớp 12A3 trường THPT Mỹ Đức A cho biết, để giành được số điểm cao 17,75 em đã đầu tư thời gian học lịch sử từ lớp 10. Theo Nguyễn Thị Anh, học lịch sử phải hiểu bản chất, nguyên nhân, diễn biến của sự kiện ngoài ra cũng phải xem phim tư liệu, đọc sách về các nhân vật vật lịch sử.
Điều đặc biệt, đây là lần đầu tiên TP. Hà Nội có một học sinh đạt giải nhất quốc gia về môn Lịch sử. Trước đó, các giải nhất thường thuộc về các trường tỉnh Nam Định và Vĩnh Phúc.
Cô giáo Lê Thị Thanh Lâm, giáo viên chủ nhiệm lớp đồng thời là cô giáo dạy Lịch sử của em Anh cho biết: “Ngay từ năm lớp 10, khi phát hiện ra niềm đam mê với môn Lịch sử của học sinh tôi đã đã cho em ôn luyện và cùng ngồi chữa bài trực tiếp với học sinh”.
Đoạt giải nhất môn Lịch sử, em Nguyễn Thị Anh đã giành được 1 suất tuyển thẳng vào Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội). Bước đầu hiện thực hoá ước mơ làm giáo viên dạy Lịch sử của em Anh.
Bên cạnh hoạt động trao thưởng cho học sinh giỏi quốc gia, Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam cũng trao học bổng cho sinh viên ngành sử có thành tích học tập xuất sắc, hỗ trợ xuất bản các công trình sử học có giá trị cao.
Theo Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam, dù số tiền thưởng không lớn nhưng mang ý nghĩa động viên tinh thần, khuyến khích các em hăng say hơn nữa đối với Lịch sử.
Việc tuyên dương và trao giải cho học sinh đoạt giải cao môn Lịch sử chắc chắn chưa thể làm thay đổi được thực trạng dạy và học môn Lịch sử ở các trường phổ thông hiện nay nhưng nó là giải pháp kích thích, cổ vũ tinh thần học sử của học sinh.
Mục đích là nhằm góp phần chấn hưng môn Lịch sử, khuyến khích, đào tạo nhân tài sử học cho đất nước và thúc đẩy sự phát triển của nền sử học nước nhà.
Như vậy, tính đến năm học này, đã có 634 học sinh THPT cả nước được nhận giải thưởng khi tham dự và đoạt giải học sinh giỏi quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức.