Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lận đận KIDO thâu tóm Dầu Tường An 4 năm không thể “về chung một nhà”

(DS&PL) -

Dù KIDO hoàn tất thâu tóm Dầu Tường An vào cuối năm 2016, nhưng suốt 4 năm qua, 2 doanh nghiệp vẫn hoạt động độc lập: 2 bảng báo cáo tài chính, 2 đại hội cổ đông riêng.

Dù KIDO hoàn tất thâu tóm Dầu Tường An vào cuối năm 2016, nhưng suốt 4 năm qua, 2 doanh nghiệp vẫn hoạt động độc lập: 2 bảng báo cáo tài chính, 2 đại hội cổ đông riêng. Mới đây, hàng loạt lãnh đạo Dầu Tường An bán tháo cổ phiếu và từ nhiệm, phải chăng ngày “về chung một nhà” đã không còn xa?

Nội bộ xáo trộn

Theo thông tin từ sở giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh sáng 3/9, công ty CP Dầu thực vật Tường An (gọi tắt là Dầu Tường An – HoSE: TAC) vừa công bố nghị quyết hội đồng quản trị (HĐQT) về việc chấp nhận đơn từ nhiệm Tổng Giám đốc của ông Hà Bình Sơn (SN 1959). Theo đó, Nghị quyết do Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Hạnh ký ngày 31/8/2020 cho hay, ông Sơn thôi nhiệm từ ngày 1/9/2020, theo nguyện vọng cá nhân.

Cùng ngày, bà Nguyễn Thị Hạnh (SN 1960) đã có đơn xin từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật với cùng một lý do. Ngay sau đó, ngày 01/9/2020, thay mặt HĐQT doanh nghiệp, Thành viên HĐQT Trần Lệ Nguyên ký quyết định bổ nhiệm chính mình vào vị trí Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật của Dầu Tường An nhiệm kỳ 2017- 2022.

Cùng ngày, tân Chủ tịch HĐQT Trần Lệ Nguyên cũng ký quyết định bổ nhiệm ông Bùi Thanh Tùng - Phó Giám đốc điều hành TAC - làm Tổng Giám đốc điều hành của DN thay cho ông Hà Bình Sơn vừa từ nhiệm. Nhiệm kỳ 03 năm của ông Tùng bắt đầu từ ngày 01/9/2020.

Trước khi có sự xáo trộn nhân sự này, thị trường đã chứng kiến hàng loạt lãnh đạo và người liên quan của Dầu Tường An đã đăng ký bán hết cổ phiếu. Theo đó, tại thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 28/8/2020, giới phân tích cho rằng cổ phiếu TAC đã đạt đỉnh (gần 60.000 đồng/cp) sau hơn một tuần tăng kịch trần với lượng dư mua cực lớn, lượng cổ phiếu TAC dự kiến được “sang tay” trong thời gian từ ngày 4/9 đến ngày 3/10/2020 lên đến 47.000 đơn vị, tương đương 0,15% vốn Dầu Tường An.

Cụ thể, Thành viên HĐQT Nguyễn Thị Xuân Liễu đăng ký bán ra 15.000 cổ phiếu, Phó Tổng Giám đốc tài chính Vũ Đức Thịnh bán hết 10.000 cổ phiếu TAC, Kế toán trưởng Nguyễn Phương Thảo cũng thoái sạch 3.000 cổ phiếu và bà Nguyễn Thị Phương Nga, chị ruột bà Thảo, cũng đăng ký bán hết 10.764 cổ phiếu đang sở hữu.

Ngoài ra, hai thành viên ban Kiểm soát là ông Nguyễn Đức Thuyết và ông Hồ Minh Sơn cũng sẽ bán hết cổ phiếu TAC đang nắm giữ, lần lượt là 1.840 cổ phiếu và 6.000 cổ phiếu.

Dầu Tường An hiện chiếm 20% dầu ăn Việt Nam, bên cạnh dầu Cái lân (gần 40%) và Golden Hope Nhà Bè (11%). Ảnh minh họa

Bán dầu ăn lãi 12 tỷ đồng mỗi ngày

Động thái bán sạch cổ phiếu của dàn lãnh đạo Dầu Tường An xuất phát từ thực tế thị trường thuận lợi khi mà thị giá TAC đã tăng gấp 3 lần kể từ tháng 3/2020, đặc biệt sau khi có thông tin chốt ngày chia cổ tức đặc biệt với mức chi trả lên đến 75% bằng tiền mặt (7.500 đồng/cp), chi trả vào ngày 30/9/2020.

Trong bối cảnh toàn bộ nền kinh tế khó khăn kiệt quệ vì đại dịch Covid-19, DN dầu ăn lớn thứ hai thị trường này vẫn có mức lãi tăng 64%. Cụ thể, lũy kế 7 tháng đầu năm 2020, công ty đạt doanh thu thuần đạt 2.615 tỷ, tăng 30,01%. Lợi nhuận trước thuế đạt 111,9 tỷ đồng, tăng 63,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Tại báo cáo tài chính (đã soát xét) giữa niên độ cho kỳ kế toán kết thúc ngày 30/6/2020 của Dầu Tường An cho thấy, công ty ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 2.228,2 tỷ đồng và 84,8 tỷ đồng, tăng 27,9% và 41% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy là trung bình mỗi ngày DN thu về lợi nhuận 12 tỷ đồng từ bán dầu ăn.

Theo Tổng Giám đốc TAC thời điểm đó, ông Hà Bình Sơn, có được kết quả trên là do thời gian gần đây DN đã “tập trung phát triển các sản phẩm cốt lõi, sản phẩm cao cấp, đồng thời tái định vị thương hiệu Tường An, mở rộng ngành hàng và chủ động kiểm soát chi phí...”. Đáng lưu ý, đây là mức tăng trưởng “lội ngược dòng” của Dầu Tường An sau nhiều năm kinh doanh trầy trật dù luôn nằm trong nhóm 3 ông lớn chi phối toàn thị trường dầu ăn Việt Nam, cùng với công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân và công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè. Nói đúng hơn, Dầu Tường An chỉ bắt đầu khởi sắc sau một thời gian được sáp nhập vào tập đoàn KIDO.

Thương vụ sáp nhập lận đận

Trong các văn bản quan trọng của Dầu Tường An 4 năm nay xuất hiện một cái tên quen thuộc: Trần Lệ Nguyên. Vị tân Chủ tịch HĐQT Dầu Tường An không ai khác chính là Tổng Giám đốc công ty CP Kinh Đô (KIDO) – vị đại gia thống trị ngành bánh kẹo Việt nhiều năm nay.

Tháng 11/2016, tập đoàn KIDO chi 1.012 tỷ đồng để mua 12,34 triệu cổ phiếu (65%) TAC, chính thức thâu tóm thành công Dầu Tường An. Tỉ lệ sở hữu của KIDO tại Dầu Tường An hiện nay là 75,44% vốn điều lệ. Tuy nhiên đến nay đã gần 4 năm mà hai DN vẫn không thể thống nhất làm một vì vướng phải nhiều thủ tục. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 của TAC diễn ra ngày 12/6/2020, kế hoạch thông qua việc sáp nhập vào công ty mẹ KIDO đã bị hoãn lại, mặc dù đây là vấn đề được cổ đông quan tâm nhất.

Giải thích vấn đề này, ông Trần Lệ Nguyên - Tổng Giám đốc tập đoàn KIDO - cho biết, do Vocarimiex, cổ đông có vốn Nhà nước vẫn đang nắm 26,55% cổ phần tại TAC, vì vậy nội dung sáp nhập vào KIDO chưa thể biểu quyết tại đại hội lần này. Theo ông Nguyên, phương án sáp nhập của TAC vào KIDO sẽ được đưa ra bàn tại kỳ họp bất thường dự kiến vào tháng Bảy hoặc tháng Tám tới, sau khi hoàn tất việc thoái vốn Nhà nước tại VOC. Việc sáp nhập sẽ được thực hiện thông qua các đơn vị tư vấn, định giá, để đưa ra một tỉ lệ hoán đổi cổ phiếu hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho cổ đông.

Trước đó, tập đoàn KIDO đã mời 2 công ty để thẩm định giá doanh nghiệp và giá cổ phiếu trên thị trường khi thực hiện sáp nhập công ty KidoFoods. Tuy nhiên, sau khi KidoFoods sáp nhập xong thì giá trị của KIDO và thị giá cổ phiếu KIDO đều thay đổi do đó phải tính toán tỉ lệ hoán đổi cổ phiếu phù hợp.

Minh Minh
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Bảy (36)

Tin nổi bật