Trong cuộc sống, người phụ nữ nào cũng mong muốn có một gia đình hạnh phúc, một “bờ vai người chồng” để dựa vào những khi khó khăn và chia sẻ những lúc vui buồn. Cái mong ước chính đáng đó đối với nhiều người lại rất khó khăn.
Trong cuộc hôn nhân, nếu người vợ phải đối mặt với thái độ thiếu trách nhiệm của người chồng, đã vậy anh ta còn có hành vi qua lại với bạn gái cũ. Vậy trong tình huống này, phải giải quyết ra sao? Chia tay hay tiếp tục duy trì cuộc hôn nhân? Người phụ nữ cần bình tĩnh để có cái nhìn thông suốt và hành động đúng chừng mực, góp phần hàn gắn hôn nhân gia đình.
Ảnh minh họa |
Nếu chia tay thì cảnh những đứa con sẽ thiếu vắng tình cảm gia đình, thông gia hai bên sẽ phiền lòng, rồi dư luận xã hội. Còn nếu tiếp tục đi tiếp, bỏ qua coi như không biết thì sao?
Về chuyện người chồng còn qua lại với người yêu cũ, gọi điện liên lạc, hay còn quan hệ thể xác. Mỗi lần phát hiện anh ta lại xin lỗi, rồi hứa, rồi thề thốt nhưng sau một thời gian lại vẫn liên lạc. Vậy phải giải quyết thế nào? Để không phải hối tiếc về quyết định của mình, người phụ nữ hãy cho người chồng cơ hội cuối cùng. Người vợ cần ngồi lại với chồng hỏi chuyện cho rõ ràng và cần phải có những bằng chứng cụ thể chứng minh chồng ngoại tình để anh ta không còn gì để chối cãi. Ngoài ra người vợ có thể chia sẻ với chồng xem cả hai không hài lòng ở nhau điều gì trong cuộc sống để cùng nhau tháo gỡ.
Khi sự việc xảy ra, người phụ nữ có quyền bày tỏ cảm xúc của mình như: giận dữ và mất niềm tin vào tình cảm của người chồng dành cho gia đình để anh ta hiểu những việc làm sai trái đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tình cảm vợ chồng ra sao, và nếu không thay đổi anh ta sẽ vĩnh viễn mất gia đình của mình. Tuy nhiên, người vợ cũng không nên thể hiện cảm xúc khi cả hai vợ chồng đang đỉnh điểm của cơn nóng giận. Cũng không nên nén cảm xúc trong lòng mãi, bởi như thế nó khiến người phụ nữ thêm bực bội mà không giải quyết được vấn đề. Có thể tâm sự với người thân, hoặc chuyên gia tâm lý để tìm hướng giải quyết.
Để gia đình có được một khởi đầu mới, ngoài sự thay đổi của người chồng, người vợ cũng sẽ mất khá nhiều thời gian để có thể lấy lại được niềm tin vào chồng. Điều đó thực sự cần thiết để hàn gắn mối quan hệ. Nếu người chồng đã tỏ rõ thái độ sẵn sàng chịu trách nhiệm trước hành động của mình và mong muốn được tha lỗi, người vợ hãy cho chồng một cơ hội và tin tưởng vào sự nỗ lực hàn gắn đó của anh ta.
Người vợ hãy khéo léo giữ lửa yêu thương bằng sự mềm mỏng “lạt mềm buộc chặt” trong cách ứng xử của mình. Ngoài việc yêu thương quan tâm tới chồng con, người phụ nữ cũng nên biết cách chăm chút cho bản thân đẹp lên. Không những về mặt tình cảm vợ chồng phải biết cách ứng xử sao cho khéo mà về chuyện chăn gối vợ chồng cũng cần biết cách chiều chồng. Những yếu tố đó sẽ giúp người vợ giữ được yêu thương nơi chồng.
Ảnh minh họa |
Còn nếu anh ta không muốn chấm dứt mối quan hệ này mà bắt người vợ phải chấp nhận việc anh ta quan tâm, qua lại với người yêu cũ. Người vợ hãy dũng cảm đối mặt với sự thật để có những quyết định sáng suốt cho bản thân và con cái.
Nếu không còn tình cảm với nhau mà cứ phải nhìn thấy mặt nhau hằng ngày như vậy thì cả hai người đều sẽ thấy rất khó chịu. Cũng chưa kể chung sống cùng nhau nhưng "đồng sàng dị mộng", không tìm được tiếng nói chung nữa thì rất dễ gây ra sự mâu thuẫn. Khi những đứa trẻ phải chứng kiến việc cha mẹ cãi nhau, đánh mắng nhau thì tâm lý của chúng sẽ như thế nào? Đứa trẻ dễ rơi vào trạng thái chán nản không muốn học, có thể sẽ thu mình vào một thế giới riêng, dễ dẫn đến tự kỷ, hoặc có thể đua đòi ăn chơi theo bạn bè. Dù thế nào thì cũng ảnh hưởng đến tâm lý của con trẻ.
Nếu thực sự không còn thương nhau, không cố gắng được nữa thì hai người nên giải thoát cho nhau. Ly hôn là một trong những giải pháp mà người phụ nữ phải chuẩn bị sẵn tâm lý để vượt qua. Khi đó, con ở với mẹ hay với cha thì đều có thể qua thăm cả hai nếu muốn.
Hằng Thanh (T/h)