Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2, giá cả hầu hết các mặt hàng, từ rau quả, đường cho đến quần áo và điện thoại thông minh đã tăng mạnh trong những tuần gần đây.
Lạm phát giá tiêu dùng tại Nga chạm mức cao nhất trong 20 năm qua. Ảnh: Istock
Tuy nhiên, ngày 20/4, hãng thông tấn TASS đưa tin rằng dữ liệu từ Cục Thống kê Liên bang Nga (Rosstat) cho thấy lạm phát tuần ở Nga đã chậm lại sau khi tăng mạnh trong vài tuần qua, giúp Ngân hàng Trung ương Nga có lý do để xem xét cắt giảm lãi suất tại cuộc họp ban lãnh đạo ngày 29/4 tới.
Rosstat đưa ra số liệu lạm phát tuần ở Nga giảm xuống 0,2% trong tuần tính đến ngày 15/4, từ mức 0,66% một tuần trước đó, đưa mức tăng giá tiêu dùng hàng năm lên 11,05%. Cùng kỳ năm trước, giá tiêu dùng tăng 2,72%.
Ngân hàng Trung ương Nga cho biết họ có thể cắt giảm lãi suất chủ chốt từ 17% tại các cuộc họp ban lãnh đạo sắp tới và sẽ cố gắng kiềm chế lạm phát bằng mọi cách.
Trước đó vào tháng 3, Nga đã đặt mục tiêu lạm phát 4%, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ của phương Tây, con số lạm phát thực tế theo năm lại cao hơn gấp 4 lần mức mục tiêu đề ra. Các chuyên gia phân tích của ngân hàng đầu tư Renaissance Capital dự đoán lạm phát của Nga sẽ đạt đỉnh ở mức 24% vào mùa Hè này.
Lạm phát cao đã và đang ảnh hưởng đến sức mua của người dân Nga vốn không có nhiều tiền tiết kiệm. Đây cũng là một vấn đề gây đau đầu đối với giới chức nước này trong những tháng gần đây.
Các lệnh trừng phạt gần đây có thể đẩy giá nhiều mặt hàng lên cao hơn nữa, đặc biệt khi đồng Ruble đã mất khoảng 40% giá trị kể từ đầu năm nay, khiến các mặt hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nga đã thông báo nâng lãi suất chủ chốt từ mức 9,5% lên 20%, một động thái nhằm ngăn chặn đà mất giá của đồng Ruble trong bối cảnh phương Tây và Mỹ liên tiếp áp đặt các lệnh từng phạt kinh tế liên quan đến vấn đề Ukraine.
Trong thông báo phát đi, cơ quan này cho biết việc tăng lãi suất "được thiết kế để bù đắp rủi ro mất giá đồng Ruble và lạm phát".
Cũng trong nỗ lực nhằm hỗ trợ đồng Ruble, Ngân hàng Trung ương Nga và Bộ Tài chính nước này cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu của nước này phải bán 80% lượng dự trữ ngoại hối ra thị trường. Việc bán các ngoại tệ như USD, Euro,... và mua đồng Ruble sẽ khiến cho giá trị của đồng Ruble tăng lên tương đối khi so với các ngoại tệ.
Thùy Dương (Theo TASS)