Theo Oxygen, ngày 1/4/2008, bệnh nhân Fran Metcalf được đưa đến bệnh viện vì ngừng tim trong quá trình chạy thận nhân tạo thông thường tại phòng khám DaVita ở thành phố Lufkin, bang Texas, Mỹ.
30 phút sau, một bệnh nhân chạy thận nhân tạo khác tại phòng khám này cũng bị ngừng tim. Cả hai bệnh nhân đều được thông báo tử vong trong cùng một ngày. Những ngày sau, phòng khám DaVita lại ghi nhận 5 bệnh nhân nữa ngừng tim khi chạy thận, tất cả may mắn sống sót.
Phòng khám này sau đó lập tức mở một cuộc điều tra về những sự việt bất thường này nhưng không thể xác định chính xác nguyên nhân. Ngày 16/4/2008, tiếp tục có thêm 2 bệnh nhân nữa bị ngừng tim, 1 người tử vong.
Phòng khám DaVita ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân tử vong khi chạy thận. Ảnh minh họa: Getty Images
Đến cuối tháng 4/2008, phòng khám DaVita đã ghi nhận hàng chục trường hợp bệnh nhân nhập viện khi đang chạy thận, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Phòng khám này đã liên hệ với Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) để nhờ giúp đỡ và nhận được kết luận rằng một trong những nhân viên có thể là thủ phạm.
Sự thật được sáng tỏ khi, 2 bệnh nhân chứng kiến y tá Kimberly Saenzs tiêm dung dịch thuốc tẩy vào các ống truyền của người bệnh. Các bệnh nhân không thể lên tiếng phản đối ngay lập tức vì vẫn đang phải dùng máy chạy thận nhân tạo để lọc máu nhưng đã cảnh báo một nhân viên khác về những gì họ nhìn thấy.
Vụ việc sau đó được báo cáo với cảnh sát. Để phục vụ công tác điều tra, cảnh sát đã kiểm sang các hộp đựng kim tiêm y tế đã qua sử dụng từ phòng khám. Kết quả xét nghiệm cho thấy một số mẫu dương tính với thuốc tẩy, củng cố lời khai của các bệnh nhân.
Cảnh sát cũng tìm thấy các kết quả tìm kiếm về tác động của thuốc tẩy đối với bệnh nhân trên máy tính của Kimberly. Tuy nhiên, thuốc tẩy không thể được phát hiện trong quá trình khám nghiệm tử thi và xét nghiệm máu, nên cảnh sát đã nhờ sự hỗ trợ của một chuyên gia tại CDC.
Theo giải thích của chuyên gia, nếu thuốc tẩy được đưa vào máu của bệnh nhân với liều lượng lớn, cơ thể họ sẽ sản sinh ra một loại axit amin gọi là chlorotyrosine với nồng độ cao. Mẫu máu của các nạn nhân nghi ngờ bị Kimberly đầu độc bằng thuốc tẩy đều cho thấy sự hiện diện của chlorotyrosine.
Đối chiếu bảng chấm công và ngày tháng các bệnh nhân gặp sự cố, cảnh sát cũng phát hiện Kimberly là người duy nhất có mặt trong tất cả các vụ việc ở phòng khám. Kimberly chính thức bị bắt vào tháng 4/2009 và được đưa ra xét xử vào tháng 3/2012. Bồi thẩm đoàn kết tội Kimberly sát hại 5 người và làm 3 người bị thương, nhận bản án tù chung thân không được ân xá.
Trong lĩnh vực y khoa, những sai sót dù nhỏ cũng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Đáng lo ngại hơn cả là những sự cố không xuất phát từ yếu tố khách quan mà đến từ sự tắc trách, nhầm lẫn và thiếu năng lực của đội ngũ y bác sĩ.
Những vụ việc như phẫu thuật nhầm, kê đơn sai thuốc, chẩn đoán sai bệnh hay để quên dụng cụ phẫu thuật trong cơ thể bệnh nhân không chỉ gây tổn hại sức khỏe mà còn là nỗi ám ảnh của bất kỳ ai.
Những sai lầm này không thể chỉ là "tai nạn nghề nghiệp" mà nhiều khi là hệ quả của sự vô trách nhiệm, cẩu thả hoặc thiếu đạo đức nghề nghiệp. Bệnh nhân khi nhập viện đã đặt toàn bộ niềm tin và sự sống của họ vào tay bác sĩ, nhưng đôi khi chính những người đáng lẽ phải bảo vệ sức khỏe lại trở thành nguyên nhân gây ra bi kịch.
Để hạn chế những sai sót này, không chỉ cần nâng cao chuyên môn của đội ngũ y tế mà quan trọng hơn, phải có sự giám sát chặt chẽ, minh bạch trong quá trình khám và điều trị. Bên cạnh đó, đạo đức nghề nghiệp cũng cần được đặt lên hàng đầu, bởi y học không chỉ là một ngành khoa học mà còn là một sứ mệnh bảo vệ sự sống con người trên toàn trái đất.
Theo Fox News và Oxygen