Theo số liệu do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh công bố ngày 13/4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại nước này đã tăng vọt lên 7% trong tháng 3, sau khi tăng 6,2% trong tháng 2.
Tỷ lệ lạm phát trong tháng 3/2022 lập mốc cao nhất kể từ năm 1992 tới nay, ảnh hưởng đến mức sống của người dân và gây áp lực đối với Ngân hàng trung ương Anh (BoE) trong việc phải tiếp tục tăng lãi suất.
Đồng Bảng Anh. Ảnh: AFP
Nhà kinh tế trưởng Grant Fitzner của Văn phòng Thống kê Quốc gia cho hay việc tăng giá trên diện rộng đã khiến lạm phát hàng năm tăng mạnh trở lại vào tháng 3, trong đó mức tăng lớn nhất là chi phí xăng dầu. CPI cốt lõi, không bao gồm giá thực phẩm, năng lượng, rượu và thuốc lá, đã tăng lên 5,7% trong tháng 3, từ mức 5,2% trong tháng hai.
Lạm phát ở Nga đã tăng tốc trong nhiều tháng qua vì các nguyên do khác nhau, trong đó có hồi phục kinh tế sau đại dịch và giá nguyên liệu thô tăng. Việc xảy ra chiến sự tại Ukraine kéo theo nhiều trừng phạt và hệ quả là những gián đoạn, thách thức về kho vận, chuỗi cung ứng càng khiến mọi sự căng thẳng hơn.
Giá tiêu dùng tại Anh đã chạm mức cao nhất trong 30 năm qua. Ảnh: Getty Images
Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách của Anh cho biết, dự kiến chỉ số tiêu dùng tại nước này sẽ đạt mức cao nhất trong 40 năm là 8,7% trong quý cuối cùng của năm 2022.
Việc lạm phát tiếp tục tăng kỷ lục kèm thuế trả lương cao hơn dẫn khiến cho mức thu nhập của các hộ gia đình ở Anh bị siết chặt.
Giá cả hàng loạt mặt hàng tại Anh đã tăng mạnh, từ hàng hóa cho tới dịch vụ, từ lương thực cho tới đồ chơi, đồ tiêu dùng. Từ tháng 12/2021, giá cả tiêu dùng tại Anh đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ những năm 90 của thế kỷ trước.
Các chuyên gia kinh tế dự báo Ngân hàng Trung ương Anh có thể tăng lãi suất lên 1% từ 0,75% vào ngày 5 tháng 5 trước khi đưa lên mức 2% -2,25% vào cuối năm 2022 trong một nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát tại nước này.
Trang Lê (Theo Reuters)