Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Làm giả chứng thư để thanh toán tiền hàng, Giám đốc “không có ý lừa đảo” nhận 10 năm tù

(DS&PL) -

Để thanh toán cho đối tác, Nam đã thuê người làm giả con dấu, nhằm mục đích tạo ra 2 chứng thư bảo lãnh giả của ngân hàng rồi gửi cho đối tác.

Để thanh toán cho đối tác, Nam đã thuê người làm giả con dấu, nhằm mục đích tạo ra 2 chứng thư bảo lãnh giả của ngân hàng rồi gửi cho đối tác. Khi đối tác chuyển chứng thư đến ngân hàng để thanh toán thì vỡ lẽ là chứng thư giả, từ đó hành vi của Nam mới bại lộ.

Giám đốc làm giả chứng thư bảo lãnh để lừa đảo

Một ngày đầu tháng Năm, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Nguyễn Xuân Nam (SN 1971, cựu Giám đốc công ty TNHH MTV Xây dựng tổng hợp Tiến Phát – công ty Tiến Phát) về các Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Bị cáo Nam tại tòa.

Công ty Tiến Phát do Nam làm đại diện có quan hệ làm ăn lâu năm với công ty Cổ phần địa ốc cáp điện Thịnh Phát (gọi tắt là công ty Thịnh Phát). Công ty của Nam có ký hợp đồng mua cáp điện các loại với công ty Thịnh Phát với tổng giá trị theo hợp đồng là trên 1 tỷ đồng.

Theo thỏa thuận giữa hai bên, Nam đã thanh toán trước hơn 500 triệu đồng cho công ty Thịnh Phát. Với số tiền còn lại, phía mua có thể thanh toán tiền mặt hoặc cung cấp thư bảo lãnh thanh toán có giá trị tương đương để nhận hàng.

Lợi dụng mối quan hệ giao dịch mua bán cáp điện thường xuyên với công ty Thịnh Phát và tạo được sự tin tưởng nhất định giữa 2 doanh nghiệp, Nam nảy sinh ý định thuê người làm giả con dấu của ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và con dấu chữ ký của lãnh đạo ngân hàng này để làm giả chứng thư bảo lãnh thanh toán rồi cung cấp cho công ty Thịnh Phát thay cho việc thanh toán bằng tiền mặt.

Trong tháng 4 và tháng 5/2017, sau khi ký hợp đồng mua bán thép với công ty Thịnh Phát, do không đủ tiền thanh toán trực tiếp, Nam thuê người tên Minh (không rõ lai lịch) làm giả con dấu của ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - chi nhánh Bến Thành (Agribank chi nhánh Bến Thành) nhằm tạo ra 2 chứng thư bảo lãnh thanh toán giả rồi gửi cho đối tác. Tổng giá trị bảo lãnh thanh toán của 2 chứng thư này là hơn 968 triệu đồng.

Nhận 2 chứng thư bảo lãnh từ Nam, công ty Thịnh Phát chuyển chứng thư đến Agribank chi nhánh Bến Thành để giải ngân hơn 539 triệu đồng. Tuy nhiên, qua xác minh nhân viên ngân hàng cho biết không phát hành chứng thư bảo lãnh này. Nghi ngờ dấu hiệu làm giả, nhân viên ngân hàng lập biên bản thu giữ 2 chứng thư này.

Công ty Thịnh Phát sau đó đã phối hợp với Agribank chi nhánh Bến Thành trình báo công an để làm rõ. Qua xác minh, cơ quan điều tra xác định chữ ký và con dấu trên chứng thư là giả. Bị triệu tập lên làm việc, Nam thừa nhận đã thuê người làm giả các chứng thư này. Theo cơ quan điều tra, Nam dùng chứng thư bảo lãnh giả để chiếm đoạt số tiền hàng hơn 630 triệu đồng của đối tác nên khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ.

“Bị cáo không có ý định lừa đảo”

Bị cáo Nam đã nói như thế khi bị đưa ra xét xử tại TAND TP.HCM mới đây. Theo Nam, bị cáo thừa nhận đã thuê người làm giả chữ ký, con dấu của ngân hàng nhằm mục đích tạo ra các chứng thư giả. Tuy nhiên, bị cáo chưa bao giờ có ý định lừa đảo, bởi nếu lừa đảo thì số tiền lừa sẽ lớn hơn chứ không ít như cáo trạng truy tố.

Giải thích cho lời khai này, Nam cho biết, quá trình làm ăn, công ty của Nam không đủ tiền thanh toán các hợp đồng mua hàng nên mới thanh toán bằng chứng thư bảo lãnh. Việc làm giả là để tạm thanh toán, khi nào công việc làm ăn có lãi thì khắc phục sau. Sau khi bị khởi tố, bị cáo đã tác động gia đình khắc phục hậu quả do bị cáo gây ra.

Đại diện công ty Thịnh Phát được xác định là bị hại trong vụ án cho rằng, giữa 2 công ty có quan hệ đối tác làm ăn. Sau khi biết chứng thư bảo lãnh là giả, công ty Thịnh Phát tố cáo với công an để Nam trả lại tiền. Từ đó, đại diện bị hại đề nghị tòa xem xét lại hành vi lừa đảo cho bị cáo Nam.

Luật sư bào chữa cho Nam cũng có nêu quan điểm, hành vi của Nam chưa đủ yếu tố cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mà có dấu hiệu của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, vì mục đích chiếm đoạt tiền của bị cáo chỉ phát sinh sau khi ký hợp đồng giao dịch. Luật sư đề nghị tòa chuyển tội danh cho bị cáo sang tội Lạm dụng.

Tuy nhiên, cả HĐXX và đại diện VKS đều bác bỏ quan điểm của luật sư, cũng như lời khai của bị cáo Nam. Theo HĐXX, hành vi của bị cáo là nghiêm trọng, đã chiếm đoạt tài sản của người khác. Bị cáo đủ khả năng nhận biết mức độ nguy hiểm của hành vi nhưng vẫn cố tình phạm tội. Mặc dù bị cáo đã tác động người nhà khắc phục hậu quả, nhưng xét tính chất vụ việc nên HĐXX vẫn cần phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc.

Quá trình lượng hình, HĐXX xem xét nhiều tình tiết như bị cáo không có tình tiết tăng nặng, nhiều tình tiết giảm nhẹ, hợp tác với cơ quan điều tra, đã tác động gia đình khắc phục hậu quả... để làm căn cứ giảm cho bị cáo một phần hình phạt. Sau khi cân nhắc, HĐXX quyết định tuyên phạt Nguyễn Xuân Nam 8 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 2 năm tù về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Tổng hình phạt mà Nam phải chấp hành là 10 năm tù giam.

Đối với đối tượng tên Minh là người làm con dấu giả cho Nam, hiện chưa rõ lai lịch, cơ quan điều tra tiếp tục xác minh khi có căn cứ sẽ xử lý sau.

Do không có ý định lừa đảo nên tại tòa Nam không thừa nhận tội danh mà mình bị truy tố này. Tuy nhiên, Nam xin lỗi vợ con vì hành động nông cạn. Trong lúc khó khăn đã hành động không đúng, dẫn đến số tiền chiếm đoạt không lớn nhưng khiến vợ con, gia đình xấu hổ, lao đao.

Công Thư

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 5 (78)

Tin nổi bật