Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Làm cách nào để phân biệt cúm và COVID-19?

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Bệnh cúm và COVID-19 có một số triệu chứng giống nhau, khiến nhiều người dễ bị nhầm lẫn. Vậy phải dựa vào đâu để phân biệt hai căn bệnh này?

Vào ngày 11/10, CBS News đưa tin các chuyên gia y tế ở Mỹ đã cảnh báo về khả năng xảy ra “dịch bệnh kép” COVID-19 và cúm trong mùa Đông sắp tới. Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa COVID-19 như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và ở nhà đã giúp ngăn chặn sự lây lan của bệnh cúm và các virus đường hô hấp phổ biến khác vào mùa trước. Tuy nhiên, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm lo ngại rằng mùa cúm có thể trở lại, tạo gánh nặng cho hệ thống y tế trong những tháng tới.

Các quan chức y tế đã khuyến cáo người Mỹ đi tiêm phòng cúm. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm phòng cúm trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Việc tiêm phòng cúm có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ biến chứng do virus SARS-CoV-2.

Phân biệt cúm và COVID-19

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ), cúm và COVID-19 đều là bệnh lây truyền qua đường hô hấp nhưng do các loại virus khác nhau gây ra. COVID-19 có vẻ dễ lây lan hơn cúm. Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều người được tiêm vaccine ngừa COVID-19, sự lây lan của dịch bệnh này sẽ chậm lại.

Các triệu chứng chung phổ biến của COVID-19 và cúm gồm sốt hoặc cảm thấy sốt, ớn lạnh, ho, thở gấp hoặc khó thở, mệt mỏi, viêm họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau cơ hoặc đau nhức cơ thể, đau đầu, nôn mửa và tiêu chảy. Triệu chứng thay đổi hoặc mất vị giác, khứu giác thường xảy ra với các bệnh nhân mắc COVID-19 hơn là người bị cúm.

Người mắc COVID-19 có thể mất nhiều thời gian hơn để xuất hiện các triệu chứng, bên cạnh đó có khả năng lây nhiễm trong thời gian dài hơn. Thông thường, người bị cúm có các triệu chứng từ 1 – 4 ngày sau khi nhiễm bệnh. Trong khi đó, các triệu chứng của COVID-19 có thể xuất hiện từ 2 – 14 ngày sau khi tiếp xúc với virus.

Cúm và COVID-19 có một số triệu chứng giống nhau, khiến nhiều người dễ nhầm lẫn. Ảnh minh họa: The Healthsite

Cúm và COVID-19 đều có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc gần trong khoảng 2m, lây lan chủ yếu thông qua những hạt chứa virus, được tạo ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Những hạt này có thể bắn vào miệng hoặc mũi của những người ở gần và có thể được hít vào phổi. Trong một số trường hợp như ở môi trường trong nhà với hệ thống thông gió kém, các hạt nhỏ nói trên có thể bắn xa hơn 2m.

Hai căn bệnh này cũng có thể lây lan thông qua tiếp xúc như bắt tay với người có virus trên tay, chạm vào bề mặt hoặc vật có virus rồi đưa tay lên mắt, mũi hoặc miệng của mình. Người mắc cúm và COVID-19 đều có thể lây cho người khác trước khi họ xuất hiện triệu chứng.

Dù vậy, virus SARS-CoV-2 được cho là dễ lây lan hơn virus gây bệnh cúm, có thể nhan chóng và dễ dàng lây lan cho nhiều người theo thời gian.

Cả COVID-19 và bệnh cúm đều có thể gây ra các bệnh nặng và biến chứng. Những người có nguy cơ cao nhất gồm người cao tuổi, người có bệnh nền (bao gồm cả trẻ sơ sinh và trẻ em), phụ nữ mang thai.

Các biến chứng mà COVID-19 và cúm có khả năng gây ra gồm viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan, hội chứng suy hô hấp cấp, nhiễm trùng thứ phát và viêm tim, não hoặc các mô cơ. Hai bệnh này cũng có thể khiến các bệnh mãn tính liên quan đến phổi, tim, hệ thần kinh hoặc bệnh tiểu đường trở nên nghiêm trọng hơn.

Đa số những người bị cúm tự khỏi trong vài ngày cho tới 2 tuần nhưng một số người có các biến chứng năng sẽ phải nhập viện điều trị. Nhiễm trùng thứ cấp do vi khuẩn gây ra phổ biến hơn với bệnh cúm. Trong khi đó, trẻ nhỏ bị cúm thường có khả năng bị tiêu chảy cao hơn người lớn.

COVID-19 dường như gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng hơn ở một số người, ngay cả những người khỏe mạnh cũng có nguy cơ phải nhập viện và tử vong. Virus SARS-CoV-2 cũng liên quan đến các biến chứng như cục máu đông trong tĩnh mạch và động mạch phổi, tim, chân hoặc não, hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em (MIS-C) và ở người lớn (MIS-A).

Theo CDC, một người có khả năng mắc cúm và COVID-19 cùng lúc và gặp các triệu chứng của cả hai bệnh do virus.

Một số biện pháp phòng tránh nguy cơ mắc cả cúm và COVID-19 cùng một lúc:

- Hạn chế đến nơi đông người, luôn đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng.

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc gel khử trùng tay; tránh chạm tay vào mặt.

- Ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy hoặc khuỷu tay, vứt khăn giấy kịp thời.

- Tiêm phòng cúm hàng năm.

- Vệ sinh sạch và khử trùng các bề mặt trong nhà để giảm nguy cơ mắc bệnh.

- Ngủ đủ giấc, có chế độ ăn lành mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên để tăng cường hệ thống miễn dịch.

- Đi khám nếu phát hiện bản thân có các triệu chứng của cúm hoặc COVID-19 hoặc cả hai.

Đinh Kim (Theo CDC, The Healthsite, Healthline)

Tin nổi bật