Từ nửa cuối tháng 8/2021 đến nay, nhiều ngân hàng đã thay đổi biểu lãi suất huy động theo hướng tiếp tục giảm trong bối cảnh ngân hàng dồi dào thanh khoản và tín dụng tăng chậm do tác động của dịch COVID-19.
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, mức điều chỉnh không quá lớn, chỉ khoảng 0,2 - 0,4%, trong khi đó, mức lãi suất áp dụng đầu tháng 8 vốn được duy trì ổn định trong gần 2 tháng trở lại đây.
Cụ thể, ngày 26/8, Eximbank áp dụng biểu lãi suất huy động mới đối với khách hàng cá nhân. Tại biểu lãi suất này, ngân hàng điều chỉnh giảm 0,2%/năm lãi suất huy động đối với kỳ hạn 12 tháng, xuống mức 5,9%/năm cho hình thức gửi tại quầy. Đối với kỳ hạn 15-36 tháng, Eximbank cũng giảm 0,2%/năm xuống mức 6,1%/năm.
Tại Sacombank, từ 19/8, lãi suất gửi tại quầy giảm khoảng 0,2-0,4%/năm ở nhiều kỳ hạn. Trong đó, kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng giảm 0,3%/năm, lần lượt về mức 5,7%/năm và 5,8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 5,3%/năm, giảm 0,2%/năm.
TPBank mới đây cũng điều chỉnh so với biểu lãi suất giảm đến 0,8%/năm đối với kỳ hạn 18 tháng, xuống còn 6%/năm. Ở kỳ hạn 9 tháng, nhà băng này giảm mạnh 0,5% điểm xuống còn 5,7%/năm.
Ngoài lãi suất huy động, lãi suất tiền gửi tiết kiệm trực tuyến tại nhà băng này cũng giảm tới 0,75%/năm so với hồi đầu tháng 8. Theo đó, lãi suất các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng lùi về mức 6,15%/năm.
Một số ngân hàng khác như BIDV, MB, HDBank, Lienvietpostbank, VIB đều điều chỉnh giảm lãi suất với mức giảm từ 0,1-0,3%.
Trong công bố mới nhất của NHNN, mặt bằng lãi suất huy động tính đến cuối tháng 7/2021, lãi suất tiền gửi bằng VNĐ bình quân ở các ngân hàng thương mại trong nước khoảng 3,3 - 3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2 - 5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,4 - 6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,1 - 6,9%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Lãi suất huy động ở các ngân hàng được điều chỉnh giảm trong bối cảnh thanh khoản hệ thống trở lại dư thừa.
Bên cạnh đó, việc buộc phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế của 16 tổ chức tín dụng với mức giảm trung bình từ 1-2,5% gây áp lực lên lãi suất huy động để các ngân hàng duy trì hệ số NIM tối thiểu.
Tuy vậy, phía ngân hàng vẫn khá e dè trong giảm lãi suất huy động do tâm lý e ngại, lãi suất xuống quá thấp sẽ khiến người gửi tiền sẽ rút tiền tiết kiệm ra để đầu tư chứng khoán, bất động sản.
Bạch Hiền (t/h)