Lật mở từng trang viết của nhà văn Nguyễn Tuân, không khó để nhận thấy những con người phi thường, những cảm xúc dữ dội, mãnh liệt, những khung cảnh ấn tượng nơi thác ghềnh, rừng thiêng, núi cao, bão, gió - Tất cả được thâu tóm qua lăng kính “vạn hoa” của nhiều ngành nghệ thuật và diễn tả bằng ngòi bút sắc bén, ngang tàng. Dường như, cá tính không thể trộn lẫn ấy nảy sinh từ cẩn tắc, từ trăn trở khôn nguôi trên hành trình đi tìm cái đẹp của một con người rất mực tài hoa mà cuộc sống trong đời thực cũng rất lạ lùng...
Chân dung cố nhà văn Nguyễn Tuân. Ảnh: Internet |
Dấu ấn riêng trong văn chương và đời thực
Nhiều nhà văn đương thời kể lại, Nguyễn Tuân sớm nổi tiếng trong làng văn bởi thú chơi ngông, tiêu tiền như rác và có những cách ứng xử vượt lên mọi sự bình thường và tầm thường. Dường như chính nét riêng đó đã thu hút độc giả đến với văn chương của ông. Sự ngang bướng, ương ngạnh của Nguyễn Tuân còn được chính nhà văn mang vào từng trang viết. Người ta phải tò mò về sự trái khoáy, phải dò tìm trong những trang sách, nấn ná trong thế giới ngôn từ, hình ảnh mà Nguyễn Tuân tạo ra để bắt gặp và tìm hiểu cái chất ngông của Nguyễn Tuân trong đấy.
Nhiều người nhận xét rằng đọc văn của Nguyễn Tuân rất “mệt”. Và đúng là như vậy, các con chữ cũng chính như cá tính của nhà văn, cứ nhất quyết phải đúng như thế, phải đứng như thế, không “chữ” nào chịu nhường “chữ” nào khiến người đọc nhiều lúc phải “hụt hơi”, phải bối rối trong một mê cung chữ để bắt kịp nội hàm mà ông muốn truyền đạt. Và chính điều đó đã giúp ông tạo nên một văn vị độc đáo mà ít nhà văn nào có thể “đuổi” kịp. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà ông được nhiều người trong giới văn học và độc giả tôn vinh là "ông vua tùy bút".
Như Tô Hoài trong cuốn Cát bụi chân ai đã từng khẳng định: “Có người mê Nguyễn Tuân như điếu đổ, từng chữ. Có người chỉ lướt một đoạn đã không chịu được cái giọng khụng khiệng, khệnh khạng. Triết lý và câu văn của Nguyễn Tuân không giống vị hoài sơn trong thang thuốc bắc, ghẻ bổ một tý lại vô thưởng vô phạt. Cái chơi của Nguyễn Tuân cũng thế. Với người này, không thể thiếu Nguyễn Tuân. Người kia thì không chịu đựng được”. Nhưng nét khinh bạc của Nguyễn Tuân lại là hệ quả của sự cẩn thận và khó tính. Ông khó tính với câu chữ, khó tính với chính cuộc sống của mình nên ông tự đặt ra những quy tắc và không cho phép mình cũng như người khác được phép chạm đến ranh giới đó. Từ trước đến nay, chúng ta đã hiểu nhầm Nguyễn Tuân. Ông không hề phá mọi quy chuẩn mà ngược lại, ông tôn thờ sự chuẩn mực. Và sự chuẩn mực của ông tạo ra cao hơn mọi lẽ thường.
Với nhiều người, việc tiếp khách tại gia là chuyện mà họ coi là “tùy duyên”. Khách đến thì tiếp, gặp bữa cơm thì thêm chén thêm đũa, “bác ngồi xuống ăn luôn cho vui”. Nhưng với Nguyễn Tuân thì khác. Riêng việc tiếp khách cũng khiến ông phải “đau đầu” và cũng giúp ông khắc dấu ấn đặc biệt trong mắt người đương thời.
Họa sĩ Thu Giang – con gái của cố nhà văn đã chia sẻ, người cha của mình có nhiều cách tiếp (hoặc đuổi) khách mà chỉ có “cụ” mới nghĩ ra. Nguyễn Tuân luôn để cạnh bàn làm việc một cái mâm và một ít đồ ăn trên đó. Nếu người nào mà Nguyễn Tuân không ưa đến nhà, ông sẽ lập tức giở mâm ra và nói “Tôi đang ăn, không tiếp khách”. Còn ngược lại, với người ông yêu
quý, ông sẽ mời đối ẩm cùng. Cũng có nhiều câu chuyện do nhân thế thêu dệt dựa trên tính cách đời thường của ông. Như việc Nguyễn Tuân luôn để trước cửa nhà một tấm biển “Không tiếp các nhà phê bình”. Nhưng sự thật, ông không hề treo cái biển nào như thế. Nếu có, thì chỉ có tấm biển “Nguyễn Tuân đi vắng” khi ông mệt hoặc bận.
Chuẩn bị... cuộc sống ở thế giới khác
Nói đến cái chết, nhiều người tránh né, không dám đối diện với nó. Nhưng Nguyễn Tuân thì khác, sinh thời, ông đã chuẩn bị cho buổi ra đi của mình một cách bình thản và lạc quan nhất có thể. Ông đã có mong muốn rằng tất cả tiền mà người đến viếng dự định mua vòng hoa sẽ để mua một xe xi-téc bia nhằm chiêu đãi bạn bè, uống mừng cho Nguyễn Tuân đã về cõi vĩnh hằng. Quả là một “ý tưởng”, một tâm trạng có “một không hai” khi đón nhận cái chết của chính mình.
Cả một đời ông sống ngay thẳng nên ông rất ghét những kẻ nịnh bợ, giả dối, đặc biệt là các nhà phê bình cơ hội. Ông đã từng nói vui với rất nhiều người rằng khi ông ra đi, ông sẽ không để cho các nhà phê bình văn học đi đưa tang. Nhưng có lẽ đó không đơn thuần là câu nói vui bởi sau đó, ông đã làm sẵn một danh sách những người được “mời” và những kẻ không được phép đến đám tang.
Không những chuẩn bị cho buổi ra đi mà Nguyễn Tuân còn lo xa đến giai đoạn ở “phía bên kia” sự sống. Ngoài những vật phẩm mà ông mong muốn vợ con “gửi xuống” như quần áo, bút mực, vàng mã... ông còn yêu cầu phải “gửi” cho ông vài anh phê bình bằng hình nộm để cùng tranh luận với ông, để ông được hỏi: “Xuống đây rồi, ông đã nói thật chưa?”
Người đàn ông tinh tế trong gia đình
Khinh bạc là thế, ngông nghênh là thế, lãng tử là thế nhưng trái ngược lại với hầu hết văn sĩ, nghệ sĩ cùng thời, Nguyễn Tuân lại có một gia đình vô cùng đầm ấm, hạnh phúc.
Cũng theo lời của con gái nhà văn – họa sĩ Thu Giang, cô chia sẻ rằng việc giữ gìn hạnh phúc gia đình cũng không hoàn toàn chỉ ở phía người phụ nữ. Mà đó cũng nhờ những hành động yêu thương tinh tế, nhẹ nhàng của người đàn ông trong gia đình. Hồi đó, hoàn cảnh gia đình cố nhà văn vô cùng khó khăn. Nhưng người vợ của văn sĩ dù vất vả thế nào cũng không bao giờ để chồng phải thiếu thốn. Trong bữa ăn gia đình luôn có thịt. Ngược lại, Nguyễn Tuân mỗi lần dùng bữa cũng đều thấu hiểu, thấm tháp sự vất vả của vợ nên ông lúc nào cũng chỉ ăn nửa phần. Còn một nửa, ông mời lại bà bằng cách giả đò như đã no, đã chán để bà ăn. Và cuộc sống của hai người bình lặng trôi đi từ những điều thương, điều trọng nhỏ nhặt như thế.
Sự thương yêu đó không chỉ nằm trong phạm vi gia đình mà đến cả những người bạn nghệ sĩ của Nguyễn Tuân cũng nhìn ra thứ tình cảm cao cả đó. Nghệ sĩ nhân dân Đình Quang – một người bạn thân thiết của nhà văn đã từng nói: “Ông ấy (Nguyễn Tuân) thì say mê với nghề nghiệp, quý vợ, yêu con nhưng đôi lúc tâm hồn nghệ sĩ cũng đểnh đoảng lắm”.
Cuối cùng, trong tất cả sự nhàng nhàng của nghề văn, nghề báo, Nguyễn Tuân đã sáng bật lên như một thực thể cá biệt và duy nhất. Ông cô đơn và ông đứng lên đối mặt với tất cả những yếu tố văn hóa, xã hội áp đặt và bủa vây con người. Dường như trong sự đấu tranh đó, Nguyễn Tuân muốn gửi gắm đến tất cả mọi người thông điệp hãy thoát ra khỏi vỏ bọc của đám đông và sống đúng với bản sắc của chính mình. Bởi mỗi chúng ta đều là những thực thể đơn nhất, riêng biệt, không ai có thể thay thế nổi. Và chính Nguyễn Tuân đã sáng rực lên như một tông màu độc đáo trong bức tranh của văn đàn Việt Nam. Tông màu đó có lẽ chỉ mình ông mới định danh được. Còn người đời chỉ biết trân trọng gọi ông là nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp.