Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Có gì mới ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình?

(DS&PL) -

Trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, số trường ĐH, CĐ được giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức thi cùng 3 sở GD&ĐT Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang có tăng lên về số lượng.

Trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, số trường ĐH, CĐ được giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức thi cùng 3 sở GD&ĐT Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang có tăng lên về số lượng so với năm 2018.

Theo Tiền Phong, tỉnh Sơn La, nơi xảy ra gian lận thi năm 2018 có 6 học viện, trường ĐH, CĐ sẽ tham gia phối hợp, gồm ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Học viện Báo chí tuyên truyền, ĐH Kiểm sát, trường ĐH Tài chính - Ngân hàng Hà Nội, trường CĐ Sư phạm Điện Biên, trường CĐ Hòa Bình. Trong đó trường ĐH sư phạm Hà Nội 2 chủ trì chấm thi trắc nghiệm. Năm 2018, tại Sơn La, Bộ GD&ĐT giao cho trường ĐH Tây Bắc, trường ĐH Thủ đô và trường CĐ Sư phạm Sơn La phối hợp tổ chức. Trong đó, ĐH Tây Bắc và CĐ Sư phạm Sơn La có trụ sở ngay tại TP Sơn La.

Các trường ĐH, CĐ không được phối hợp coi thi trên chính địa bàn mình “cắm chân” và bài thi trắc nghiệm được chuyển về các trường ĐH chấm. Ảnh minh họa

Tỉnh Hà Giang có 2 trường ĐH được điều động từ các địa phương khác đến phối hợp gồm trường ĐH Nông lâm thuộc ĐH Thái Nguyên và trường ĐH Điện Lực. Học viện Kỹ thuật quân sự chủ trì chấm trắc nghiệm.  Năm 2018, đơn vị được giao phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Giang tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là Học viện Ngân hàng và CĐ sư phạm Hà Giang.

Tại Hòa Bình, có 4 học viện, trường ĐH được điều động đến phối hợp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019 là ĐH Hà Nội, Học viện Hậu cần, Học viện chính sách và phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam, trong đó trường ĐH Hà Nội chủ trì chấm trắc nghiệm. Năm 2018, trường ĐH được giao phối hợp với Sở GD&ĐT Hòa Bình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là ĐH Kiến trúc, CĐ sư phạm Hòa Bình, ĐH Sư phạm nghệ thuật trung ương.

Như vậy, so với năm 2018, số trường ĐH, CĐ được giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức thi cùng 3 sở GD&ĐT Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang có tăng lên về số lượng. Đồng thời, thực hiện theo đúng tinh thần của Bộ GD&ĐT là các trường ĐH, CĐ không được phối hợp coi thi trên chính địa bàn mình “cắm chân” và bài thi trắc nghiệm được chuyển về các trường ĐH chấm.

Trả lời về việc Bộ GD-ĐT vẫn giao chấm thi tự luận kỳ thi THPT quốc gia cho các địa phương chủ trì, ông Mai Văn Trinh Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT chia sẻ với tờ Thanh Niên: “Trên thực tế, hiện nay các trường ĐH đủ năng lực để chấm môn tự luận ngữ văn là rất ít, chỉ có một số trường sư phạm đủ khả năng, còn lại đại đa số không có người để chấm. Do đó, dù giao cho các trường ĐH thì vẫn phải mời giáo viên của các sở GD-ĐT. Vì vậy, Bộ quyết định trên tinh thần sở GD-ĐT chủ trì nhưng tăng cường vai trò giám sát của các trường ĐH. Giải pháp này vừa bảo đảm việc chấm đều tay, vừa chủ động phát hiện những lệch lạc, thậm chí là tiêu cực nếu có”.

Năm 2019, kết quả kỳ thi THPT quốc gia sẽ được công bố chậm 3 ngày so với năm 2018. Cụ thể, thời gian công bố kết quả thi THPT quốc gia năm 2019 là 14/7. Ảnh: Tiền Phong

Năm nay, ngoài việc chọn ngẫu nhiên 5% bài thi để chấm kiểm tra thì tất cả những bài thi đạt điểm cao tại các hội đồng đều sẽ được đưa ra để chấm kiểm tra. Tuy nhiên, việc xác định thế nào là “điểm cao” với môn ngữ văn, theo ông Trinh, không phải áp một mức cho cả nước, mà tùy tình hình thực tế của địa phương, có nơi có thể 9, 10 mới là điểm cao, nhưng có nơi có thể 7 - 8 đã là cao.

Cũng theo ông Mai Văn Trinh, năm nay, sau khi có kết quả, Bộ sẽ phân tích thống kê số liệu của cả nước và từng địa phương, sau đó mới công bố kết quả thi. Do đó thời gian công bố kết quả thi sẽ chậm hơn 3 ngày so với năm 2018 nhưng bảo đảm toàn bộ quá trình thông tin về sau.

Thu Hằng (T/h)

Tin nổi bật