Theo chuyên gia giáo dục Lê Viết Khuyến cần phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu ở địa phương và tăng cường công tác giám sát để kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sẽ diễn tốt.
Xem video: ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh chia sẻ áp lực của kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sắp tới
[presscloud]9517[/presscloud]
Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 đang đến gần, thế nhưng hiện vẫn chưa rõ số lượng, hình thức xử lý đối với các thí sinh liên quan đến việc gian lận thi cử trong kỳ thi năm 2018. Trước đó, vào tháng 4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cùng với bộ Giáo dục và Đào tạo, bộ Công an có cuộc họp kín để nghe giải trình về những tiêu cực, gian lận trong thi cử. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, sự việc gây chấn động như gian lận thi cử thì nên công khai đến toàn dân, không nên có cuộc họp kín.
Danh tính 9 thí sinh Hòa Bình bị Học viện An ninh nhân dân trả về. |
Để có cái nhìn khách quan, nhiều chiều phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Viết Khuyến, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học.
Thưa TS. Lê Viết Khuyến, nhiều ý kiến cho rằng sự việc gây chấn động dư luận như vụ gian lận thi cử cần công khai, không nên có cuộc họp kín. Ý kiến của ông như thế nào?
Tôi không hiểu vì sao lại có cuộc họp kín, nhưng có lẽ nội dung có những vấn đề nóng nên mới quyết định họp nội bộ. Tôi nghĩ, chuyện này rồi cũng sẽ phải công khai, công khai vào lúc nào? Tôi cho rằng, công khai khi mọi chuyện đã được minh bạch, còn khi mọi chuyện vẫn đang lấp lửng, mới chỉ có chuyện chấm phúc khảo, chấm phúc khảo nhằm vào hội đồng thi của ban chấm thi chứ chưa chỉ ra lỗi người thi, lỗi phụ huynh đi thi gian lận hay không gian lận thì căn cứ vào độ chênh lệch.
Nên, cần có kết quả điều tra của cơ quan chức năng.
Theo ông, có nên công bố hình thức xử lý vụ gian lận thi cử năm 2018 trước khi kỳ thi THPT Quốc gia 2019 diễn ra?
Tôi cũng muốn là phải công bố, thế nhưng không hiểu mức độ điều tra đang đến đâu. Tôi chỉ biết, một năm qua mà chưa có hình thức xử lý thì bản thân tôi thấy sốt ruột.
TS. Lê Viết Khuyến chia sẻ với PV về những kỳ vọng trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019. |
Nhiều ý kiến cho rằng, bộ Giáo dục và Đào tạo đang lúng túng trong việc xử lý vụ gian lận điểm thi?
Tôi cho rằng không thể kết luận trách nhiệm thuộc về bộ Giáo dục và Đào tạo được, mà trách nhiệm hiện nay thuộc về các cơ quan điều tra. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có thể làm hết trách nhiệm tối đa là chấm phúc tra, còn sau chấm phúc tra ai là người có điểm chênh lệch, ai là người do bộ phận chấm sơ suất thì chưa làm rõ được và điều này thuộc về các cơ quan chức năng.
Vậy, kỳ thi THPT Quốc gia 2019 đang đến rất gần, theo ông cần có chế tài, biện pháp thi ra sao để không xảy ra sự việc đáng tiếc như vụ gian lận nâng điểm 2018?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra một loạt giải pháp nào là đưa giáo viên ở các trường đại học về chấm, coi thi… Nhưng, quan điểm riêng của tôi là không đồng ý. Bởi, việc này gây tốn kém và lấy một bộ phận giảng viên các trường đại học thì thay cho công việc mà lâu nay đội ngũ giảng viên, đội ngũ quản lý ở các sở giáo dục và đào tạo từ bao nhiêu năm nay. Vì, đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, địa phương phải làm, chỉ có điều vừa rồi phát hiện ra gian lận trong tổ chức thi, như vậy buộc phải chấn chỉnh.
Thứ nhất, cần phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu ở địa phương. Chưa có người đứng đầu nào ở địa phương chịu trách nhiệm tính đến thời điểm này. Nếu không làm nghiêm thì các năm sau, không chỉ ở 3 tỉnh mà các tỉnh khác vẫn sẽ có chuyện này.
Thứ hai, phải tăng cường công tác giám sát kỳ thi. Không phải giám sát nội bộ như lâu nay vẫn làm mà phải giám sát xã hội, công khai minh bạch quá trình chấm thi để mọi người dân đều có thể thấy được, giám sát được.
Nếu hai điều này mà được triển khai ngay thì trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sẽ diễn ra rất tốt.
Xin cảm ơn ông!
Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 chắc chắn sẽ rất áp lực! Cũng xoay quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh (Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) cho rằng: “Tôi cho rằng vụ việc gian lận thi cử cần công bố để cho các ngành và người dân thấy rằng ai cũng cần phải tuân thủ đúng pháp luật. Còn về kỳ thi năm nay, tôi nghĩ để chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2019 bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã rút kinh nghiệm rất nhiều. Tôi cho rằng, bộ đã rút kinh nghiệm sâu sắc, có những giải pháp để tăng cường giám sát như lắp đặt camera, giám sát thi cử, quá trình chấm độc lập, chấm chéo… Chắc chắn, kỳ thi này phía bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ sẽ tăng cường chỉ đạo ráo riết hơn về các ngành phối hợp giám sát thi cử. Phải tăng cường các giải pháp nghiêm khắc hơn, cơ chế phối hợp giữa các ngành cũng phải làm sao cho thật sự hiệu quả. Năm 2019 chắc chắn thi cử sẽ rất áp lực, áp lực cho ngay cả thí sinh và các hội đồng thi ở các địa phương. Tôi kỳ vọng và mong muốn tổ chức một kỳ thi THPT Quốc gia thật sự nghiêm túc, công bằng, bình đẳng cho tất cả mọi người. Phải làm cho thật nghiêm túc để lấy lại uy tín cho ngành giáo dục, không nên để những sai sót đáng tiếc xảy ra”. |