Theo thông tin trên VnExpress, việc tuyển sinh lớp 10 công lập hiện do các địa phương chủ động về thời gian và cách tuyển. Bộ GD&ĐT chỉ quy định các trường hợp được tuyển thẳng, ưu tiên và một số loại giấy tờ.
Tại Hà Nội, mỗi năm có khoảng 110.000 học sinh đăng ký thi lớp 10. Trong 6 năm qua, có 4 lần kỳ thi được tổ chức với ba môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; năm 2019 và 2021 thi thêm môn thứ tư là Lịch sử.
Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi lớp 10 được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018). So với chương trình cũ, nhiều môn được dạy tích hợp như Lịch sử - Địa lý và Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học).
Vậy nên, thông tin về định hướng đề, nội dung và số lượng môn thi được nhiều phụ huynh và thí sinh quan tâm. Dưới đây là 4 điểm mới hoàn toàn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại Hà Nội năm 2025.
Ngày 29/8, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố cấu trúc và định dạng đề thi vào lớp 10 công lập năm nay. Theo Sở GD&ĐT, đề minh họa được các chuyên gia, giáo viên có kinh nghiệm xây dựng trong khoảng 3 tháng. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để Sở làm ngân hàng câu hỏi và biên soạn đề thi chính thức.
Có thể thấy, thay vì tập trung ôn tập 3 môn là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, các thí sinh sẽ phải ôn tập thêm tất cả các môn tính điểm trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 gồm Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục công dân, Tin học.
Báo Dân Trí đưa tin, hiện Hà Nội chưa công bố số môn thi, song số môn thi có thể nhiều hơn 3 môn, như từng áp dụng ổn định trước thời điểm dịch COVID-19.
Trong trường hợp phương án thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và môn thứ 4 được tái sử dụng, số môn thi có thể là 5 - nếu môn thứ 4 là Lịch sử và Địa lý, hoặc là 6 - nếu môn thứ tư là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học).
Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018). Ảnh minh họa: Sức Khỏe & Đời Sống
Theo cấu trúc định dạng đề thi mà Sở GD&ĐT Hà Nội công bố, các môn thi trắc nghiệm được thay đổi theo định dạng của đề thi tốt nghiệp THPT.
Không còn cơ hội “khoanh bừa” vẫn trúng, thí sinh cần phải thực sự có khả năng lập luận, phân tích và nắm chắc kiến thức nền tảng để trả lời được câu hỏi trắc nghiệm dạng thức đúng - sai và dạng thức trả lời ngắn.
Được biết, ở dạng thức đúng - sai, mỗi câu hỏi sẽ có 4 ý. Thí sinh cần trả lời đúng cả 4 ý này mới được điểm tối đa. Nếu chỉ trả lời được 3 trong 4 ý, thí sinh chỉ được một nửa số điểm.
Thống kê và xác suất là hai nội dung mới của môn toán học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây cũng là nội dung có tính ứng dụng thực tế cao. Vì thế, không bất ngờ khi đề thi môn Toán vào lớp 10 công lập năm 2025 sẽ có dạng toán thống kê và xác suất.
Đề thi minh họa mà Sở GD&ĐT Hà Nội công bố cũng cho thấy có sự tăng cường các bài toán thực tế ở cả phần đại số. Điều này phản ánh đúng định hướng của chương trình giáo dục mới, tập trung nhiều hơn vào việc kiểm tra khả năng ứng dụng kiến thức và tư duy tổng hợp của học sinh. Cách ra đề mới đòi hỏi thí sinh vừa phải nắm chắc kiến thức vừa phải chắc kỹ năng làm bài.
Kể từ năm 2025, học sinh không còn "tủ" để ôn thi môn Ngữ văn, khi ngữ liệu đề thi môn này sẽ không được lấy từ sách giáo khoa nữa.
Để có thể làm được bài thi với những ngữ liệu hoàn toàn mới mẻ, thí sinh buộc phải nắm chắc đặc trưng các thể loại, ghi nhớ và nắm vững kiến thức về tiếng Việt, có kĩ năng đọc hiểu tốt.
Bên cạnh đó, thí sinh phải học kỹ năng viết bài văn chứ không chỉ viết đoạn văn. Câu hỏi nghị luận xã hội chiếm 40% tổng điểm là một bài văn có độ dài khoảng 400 chữ.
Bài văn và đoạn văn có sự khác biệt rõ rệt về yêu cầu, kết cấu, đặc trưng dạng bài. Nếu không rèn kỹ năng viết bài văn thì các thí có thể bị lúng túng và xử lý không đầy đủ yêu cầu đề bài.