Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Kỳ lạ tục phụ nữ sau khi sinh phải uống hơn 100 lít nước sôi sùng sục

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Sau khi sinh, người phụ nữ Vân Kiều ở bản Đòng, xã Tân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) phải uống liên tục hơn 100 lít nước sôi trên bếp trong 3 ngày, 3 đêm.

(ĐSPL) - Sau khi sinh, người phụ nữ Vân Kiều ở bản Đòng, xã Tân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) phải uống liên tục hơn 100 lít nước sôi trên bếp trong 3 ngày, 3 đêm. Tập tục mang tính chất kỳ bí này nếu không được tận mắt chứng kiến hoặc nghe người dân địa phương kể lại thì khó ai có thể tin đó là sự thật.

Ở nơi không có trạm y tế

Bản Đòng, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) nằm sâu trong vùng lõi vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Cả bản chỉ có 7 hộ dân sinh sống trong điều kiện thiếu thốn, khổ cực trăm bề. Không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại và đặc biệt, không có trạm y tế. Chính vì vậy, cuộc sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, có phần hoang dã.

Trưởng bản Nguyễn Sỹ Trắc cho biết: “Từ ngày lập bản đến nay, người dân chúng tôi chưa biết đến trạm y tế là gì. Những lần có người đau ốm hay sinh đẻ, chúng tôi đều trực tiếp vào rừng hái lá làm thuốc”. Với địa hình núi đá hiểm trở, để làm ra hạt lúa, củ khoai, người phụ nữ Vân Kiều hàng ngày phải trèo đèo, lội suối rất vất vả. Công việc nặng nhọc đòi hỏi họ phải có sức khỏe cực kỳ tốt. Muốn vậy, chị em phải thực hiện những nghi thức trong thời kỳ sinh nở vô cùng kỳ lạ, đó là tục uống nước đang sôi sùng sục trong 3 ngày, 3 đêm sau khi sinh. Bà Hồ Thị Hoa (58 tuổi) cho biết: “Để có sức khỏe tốt, sau khi sinh, mỗi phụ nữ chúng tôi phải uống một loại nước được lấy từ các loại rễ cây trong rừng. Tuy nhiên, chúng tôi không được uống nước nguội mà phải uống nước đang sôi trên bếp lửa đỏ hồng”.

Theo những người phụ nữ trong bản kể lại, khi họ mang bầu được 6 tháng thì họ trực tiếp vào rừng hái các loại rễ cây như ren ráo, cây dứa gai, củ éo, bồ câu, hà thủ ô, sâm rừng. Với họ, những cây thuốc này có tác dụng đào thải chất độc trong cơ thể người phụ nữ ra ngoài một cách tốt nhất.

Sau khi mang bầu được 6 tháng, người phụ nữ Vân Kiều ở bản Đòng phải tự tay vào rừng hái rễ cây phơi khô làm thuốc.

Chị Hồ Thị Thắm (30 tuổi) hồ hởi chia sẻ kinh nghiệm sinh nở của mình: “Trong 3 ngày sau sinh, chúng tôi phải uống ít nhất 15 nồi nước, mỗi nồi trung bình 4 lít nước được nấu từ các loại rễ cây đã chuẩn bị trước đó. Trừ những lúc ăn cơm, cho con bú, chúng tôi phải thức trắng để uống nước đang sôi sùng sục trên bếp. Mỗi khi uống hết, mẹ chồng hoặc các chị em trong nhà sẽ chêm nước vào nồi nấu tiếp. Chúng tôi cứ uống như vậy cho đến hết 3 ngày, 3 đêm mới thôi”.

Chị Hồ Thị Thắm kể về tục lệ uống nước sôi sùng sục trong 3 ngày sau sinh của phụ nữ trong bản.

Chị Hồ Thị Thư (SN 1992), hiện đã trải qua hai lần sinh nở, con đầu gần ba tuổi, con thứ hai gần một tuổi. Vốn là người từ bản khác sang làm dâu, kỳ sinh nở, chị vẫn phải thực hiện tục lệ uống nước sôi được các thế hệ phụ nữ đi trước ở bản Đòng truyền lại: “Lần đầu tiên uống nước sôi sùng sục trên bếp, tôi hơi sợ hãi, nhưng nghe người lớn nói làm như vậy thì sau này mới khỏe. Ngày đầu, do uống quá nhiều nước sôi nên miệng tôi bỏng rát. Sang ngày thứ hai, tôi thấy quen dần rồi trở nên bình thường từ lúc nào không biết”. Từ ngày lập bản đến nay, chưa có người phụ nữ nào ở đây được đưa đến trạm y tế để sinh con, vì vậy tục lệ uống nước sôi nấu từ các loại rễ cây được xem như cách thức tốt nhất giúp họ lấy lại sức khỏe sau khi sinh nở.

Câu chuyện của người phụ nữ ở bản Đòng, thoạt nghe khiến người ta nghi ngờ tính xác thực của nó. Bởi, là người bình thường, việc uống một cốc nước đang sôi sùng sục trên bếp chẳng khác nào tự đày đọa cơ thể mình chứ chưa nói đến chuyện uống hơn 100 lít nước sôi vào người chỉ trong vòng ba ngày. Tuy nhiên, đây lại là sự thật được chính những người phụ nữ địa phương thực hiện và kể lại. Hơn nữa, câu chuyện người phụ nữ uống nước sôi sau khi sinh không chỉ có ở bản Đòng mà ngay cả người phụ nữ thuộc tộc người Macoong ở xã biên giới Thượng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) cũng có hủ tục nói trên.

Chị Y Moong (51 tuổi), bản Cà Roong 1, xã Thượng Trạch cho biết: “Mình sinh 4 đứa con rồi, đứa nào cũng phải uống nước sôi được hái từ các loại cây trong rừng sâu. Nhờ vậy mà sau khi sinh con, mình khỏe như con voi, có thể băng rừng, vượt núi được ngay”. Chưa biết kết quả thực hư như thế nào, nhưng phong tục mang tính chất kỳ bí này lại khiến những người phụ nữ ở đây có sức khỏe phi thường sau khi sinh.

Bản “đặc biệt” và những người phụ nữ “đặc biệt”

Nếu như phụ nữ ở những nơi khác phải giữ gìn khá nghiêm ngặt sau kỳ sinh nở, thì những người phụ nữ Vân Kiều ở bản Đòng lại chẳng có chế độ kiêng khem gì. Chỉ sau ba ngày uống nước sôi liên tục, họ đã tự ra suối giặt giũ quần áo của mình. “Chúng tôi có tục lệ, những quần áo mặc trong lúc vượt cạn và ba ngày sau sinh phải tự tay người sản phụ giặt giũ. Ngay cả mẹ đẻ hoặc những người phụ nữ thân thiết trong nhà cũng không được giặt hộ. Chính vì vậy mà chỉ ba ngày sau sinh, chúng tôi phải tự mang quần áo ra suối giặt”, chị Thắm chia sẻ.

Sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn nên những sản phụ ở đây cũng không có chế độ nghỉ ngơi, bồi dưỡng. Thức ăn của họ chỉ có cơm trắng với muối rang, hi hữu lắm mới được ăn một bữa cá hoặc vài miếng thịt kho thật mặn. Chỉ sau khi sinh một tuần, những phụ nữ ở đây lại tiếp tục đeo gùi vào rừng tìm thức ăn hoặc trèo nương làm sắn, làm ngô để lấy cái ăn cho cả nhà. Khó nhọc là vậy nhưng dường như đối với họ, những việc làm ấy quá đỗi bình thường.

Không chỉ có những người phụ nữ “đặc biệt”, bản Đòng còn được biết đến là một bản “đặc biệt” bởi những mối quan hệ của nó. Quay lại câu chuyện này, ông Nguyễn Sỹ Trắc, trưởng bản cho biết: “Hiện nay, bản Đòng chỉ có 7 hộ dân. Trong đó, cả 7 hộ đều là anh em ruột trong một gia đình. ông Trắc giải thích thêm, năm 1992, sau khi đi rừng và phát hiện ra vùng đất bằng phẳng trong vùng rừng núi hiểm trở, 4 hộ gia đình đã kéo nhau đến đây sinh sống và lập bản.

Đến năm 1998, từ 4 hộ dân ban đầu đã tăng lên 29 hộ. Tuy nhiên, sinh sống được một thời gian, ngọn măng, bắp chuối... trong rừng cạn kiệt dần, con hươu, con nai dần quen với tiếng động người nên chạy sâu trong rừng, cuộc sống trở nên khó khăn, các hộ gia đình lần lượt dắt díu nhau tìm đến vùng đất mới để sinh sống, bỏ lại bản Đòng trong sâu thẳm rừng già với vài hộ dân. Trưởng bản cho biết: “Sống ở đây từ nhỏ, quen với những con đường mòn trong rừng, quen với tiếng suối chảy róc rách mỗi khi đêm về nên tôi không nỡ xa bản. Là người lớn tuổi trong làng, tôi được bầu làm trưởng bản, nhưng người trong bản không phải là ai xa lạ mà chính là con đẻ của tôi, riêng chỉ có một hộ là cháu gọi tôi bằng chú ruột”.

Chị Thắm chia sẻ thêm: “Bất kỳ ai đến làm dâu ở bản, đều phải tuân theo những tục lệ từ các thế hệ trước trong bản để lại và việc uống nước sôi cũng không phải là ngoại lệ. Nhờ vậy mà đến nay, những người phụ nữ chúng tôi vẫn sống rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn”.

Băng rừng tìm bạn tình

Vì có mối quan hệ máu mủ, ruột rà nên khi đến tuổi lập gia đình, đám thanh niên trong bản lại phải băng rừng, vượt núi tìm bạn tình. Sau những chuyến đi ấy, trai bản lại dẫn về những cô gái ở những bản làng khác, thay vào đó, những cô gái của bản Đòng lại được các chàng trai ở dãy núi bên kia dẫn về làm dâu. Cứ như vậy, cuộc sống của họ trôi qua một cách êm đềm, giản dị. Sống trong rừng sâu, họ không biết đến những bon chen, bộn bề ở thế giới bên ngoài mà hồn nhiên, mộc mạc vô cùng.

Tin nổi bật